Các nước láng giềng nghĩ gì về Assad và cuộc tấn công của Mỹ?

07/09/2013 15:43
Nguyễn Hường (nguồn CNN)
(GDVN) - Các nước láng giềng của Syria đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất là khi cuộc không kích của phương Tây chống lại chính phủ Damascus đang ngày càng trở nên thực hơn.
Li-băng

Nhiều người Li-băng tin rằng cuộc không kích Damascus nằm cách thủ đô Li-băng chưa đầy 70 km, sẽ tiếp tục gây thêm bất ổn cho nước này.
Nhiều người Li-băng tin rằng cuộc không kích Damascus nằm cách thủ đô Li-băng chưa đầy 70 km, sẽ tiếp tục gây thêm bất ổn cho nước này. 

An ninh đã được thắt chặt và tâm trạng hoang mang, lo lắng đang ngày càng tăng trên khắp các đường phố Beirut, nơi nhiều người tin rằng cuộc không kích Damascus nằm cách thủ đô Li-băng chưa đầy 70 km, sẽ tiếp tục gây thêm bất ổn cho nước này. 
Li-băng là quốc gia láng giềng gắn bó chặt chẽ với chính phủ Syria. Ngoài việc đang phải gồng mình gánh những người tị nạn Syria, Li-băng còn có nguy cơ bị lôi kéo vào cuộc xung đột ở quốc gia láng giềng do sự tham chiến của Hezbollah tại Syria và sự chia rẽ thành hai phe phái ủng hộ và phản đối chính phủ Assad.
Talal Arslan, lãnh đạo đảng Dân chủ Li-băng và là một người ủng hộ Tổng thống Assad cho biết các cáo buộc chính phủ Damascus đã sử dụng vũ khí hóa học hôm 21.8 không khác gì lời "nói dối" trước cuộc chiến tranh xâm lược Iraq.
Thủ tướng Li-băng Walid Jumblatt, một đồng minh trung thành của quân nổi dậy Syria cho rằng các cuộc không kích sẽ không diễn ra nếu không có sự đồng thuận quốc tế.
Ahmad Fatfat, một thành viên chống Assad của quốc hội Li-băng nói rằng tấn công Syria thu hút phản ứng của Hezbollah và Iran.
Chính phủ Beirut cố gắng đứng ngoài xung đột ở Syria, nhưng điều đó cũng không ngăn chặn được đổ máu. Hezbollah đã trở thành mục tiêu của các cuộc đánh bom chết người trong những tuần gần đây vì tham chiến tại Syria.
Israel
Hàng ngàn người dân trên khắp đất nước Israel đã đổ xô tìm kiếm mặt nạ phòng khí độc vì những lo ngại ràng các cuộc không kích Syria có thể dẫn đến một cuộc tấn công trả đũa bằng vũ khí hóa học nhằm vào nước này.
Trong năm 2011, Tổng thống Israel Shimon Peres khẳng định tại một cuộc họp báo rằng al-Assad "phải ra đi". Trong tháng 5/2013, một quan chức quốc phòng Israel phủ nhận rằng Israel sẽ "làm bất cứ điều gì để chống lại ông Assad và chính quyền của ông."
Israel không công khai ủng hộ cuộc không kích của Mỹ nhưng khẳng định sẽ tiêu diệt tất cả các mối đe dọa đối với nước này.
Israel không công khai ủng hộ cuộc không kích của Mỹ nhưng khẳng định sẽ tiêu diệt tất cả các mối đe dọa đối với nước này.
Tuy nhiên, Israel đã bị cáo buộc ba lần tiến hành không kích bên trong lãnh thổ Syria trong năm nay.

Giới quân sự của Israel thẳng thừng tuyên bố sẽ nhắm mục tiêu vào bất kỳ hoạt động chuyển giao vũ khí nào cho Hezbollah hoặc các nhóm khủng bố khác cũng như mọi nỗ lực chuyển giao vũ khí từ Syria vào Li-băng có thể đe dọa Israel.
Jordan
Thủ đô Amman nằm cách biên giới Syria 1 giờ lái xe và cũng nằm trong phạm vi tên lửa của Syria. Người dân ở đây lo ngại rằng sự tham gia của Jordan trong cuộc chiến tại Syria có thể dẫn tới các cuộc tấn công trên mặt đất tại quốc gia này.
Quốc vương Abdullah là một trong những đồng mình chủ chốt của phương Tây trong khu vực và là nhà lãnh đạo Ả Rập đầu tiên kêu gọi Assad phải từ chức. Đại đa số người dân nước này là người Sunni và ủng hộ các phiến quân Syria người Sunni lật đổ chính phủ người Shi'ite tại Syria.
Có thông tin cho rằng Ả Rập Saudi đã sử dụng Jordan như một trung gian để vận chuyển vũ khí vào Syria cho phe nổi dậy. Tuy nhiên, Jordan nói rằng họ đang làm tất cả những gì có thể để ngăn điều đó và không muốn làm tình hình ở Syria trầm trọng thêm.
Mặc dù cung cấp địa điểm cho giới quân sự phương Tây tập trung thảo luận về Syria, nhưng chính phủ nước này đã phủ nhận việc họ sẽ làm bệ phóng cho một cuộc tấn công của phương Tây vào nước láng giềng.
Iraq
Tại Iraq có ít nhất 30.000 người tị nạn Syria đang trú ẩn và con số này ngày càng tăng mạnh do nguy cơ xảy ra tấn công quân sự vào Syria.

Iraq lo ngại người Sunni có thể tấn công chính phủ người Shi'ite của nước này vì họ có chung sắc tộc với Tổng thống Syria.
Iraq lo ngại người Sunni có thể tấn công chính phủ người Shi'ite của nước này vì họ có chung sắc tộc với Tổng thống Syria.

Iraq phản đối sự can thiệp của phương Tây vào Syria, trong bối cảnh nước này cũng bị chia rẽ sâu sắc bởi các dòng phái ủng hộ, phản đối chính phủ Damascus. Chính phủ người Shiite thống trị ở Iraq đã cảnh báo rằng những người Hồi giáo dòng Sunni, những người chiến đấu chống chính phủ Assad, đang nhắm mục tiêu vào chính phủ Baghdad.
Ả Rập Saudi
Ả Rập Saudi là cường quốc Sunni trong khu vực. Mặc dù không công khai ủng hộ Mỹ tấn công Syria, nhưng nhiều nhà quan sát tin rằng Ả Rập Saudi mặc nhiên ủng hộ điều đó.
Đa số người Saudi hỗ trợ các phiến quân và muốn Assad từ chức, nhưng họ cũng lo sợ các cuộc tấn công tên lửa của phương Tây có thể làm trầm trọng thêm tình hình và đau khổ của người dân Syria.
Ai Cập
Ai Cập dù đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị trong nước, nhưng một số đảng phái chính trị của nước này đã đứng lên chống lại sự can thiệp của nước ngoài vào Syria.
Phong trào Tamarrod, dẫn đầu hoạt động lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi  đã phản đối  kế hoạch của Mỹ và kêu gọi chính phủ Ai Cập hành động trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công của phương Tây vào Syria.
Nabil Fahmy, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập, nói rằng chỉ có một con đường có lợi cho Syria là một giải pháp chính trị.
Yemen
Tại Yemen, quốc gia liên tục chứng kiến các cuộc tấn công của al-Qaeda gần như không thể tìm thấy ai ủng hộ kế hoạch tấn công Syria của phương Tây bất chấp có những thái độ khác nhau với chính phủ Assad.
Ahmed Bahri của đảng Haq nói với CNN  rằng sự can thiệp của nước ngoài vào Syria sẽ chỉ làm tăng thêm sự bất bình ở Yemen và Ả Rập đối với Mỹ.
"Người Ả Rập không tin tưởng vào Mỹ nữa vì quốc gia này đang tấn công nhiều nước Ả Rập", ông nói.
Trong khi nhiều người Yemen muốn thấy Assad bị lật đổ thì nhiều người khác lo lắng về việc các nhóm cực đoan có thể thay thế ông và có thể tạo ra một thế hệ khủng bố mới trong khu vực.
Nguyễn Hường (nguồn CNN)