Các tỉnh Miền Trung đang khẩn trương ứng phó với bão số 10

30/09/2013 07:46
Xuân Hoà - Nguyễn Thanh - Trần Lê - An Đông
(GDVN) - Các ban ngành và người dân các tỉnh Nghệ An đến Thừa Thiên Huế đang chạy đua khẩn trương cho công tác phòng chống cơn bão số 10 sẽ đổ bộ vào ngày 30/9.
Theo dự báo mới nhất của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, vào lúc 10 giờ ngày 29/9, vị trí bão số 10 nằm ở khoảng 16,7 độ vĩ Bắc; 112,9 độ Kinh Đông, sức gió mạnh nhất ở tâm bão cấp 12; giật cấp 13, 14. Dự báo đến tối ngày 30/9, bão số 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Trung, đặc biệt là các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế. Tâm bão có khả năng sẽ đổ bộ vào Quảng Bình, Quảng Trị. 
Tại Nghệ An: Trước diễn biến trên, Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ứng phó với cơn bão số 10. Chủ tịch UBND tỉnh và Trưởng ban PCLB&TKCN tỉnh đã ban hành 3 công điện khẩn chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các địa phương, đơn vị khẩn trương triển khai các công tác đối phó với cơn báo số 10. Đến 16 giờ ngày 28/9, hơn 4.000 phương tiện tàu thuyền của ngư dân đã liên lạc được và đang trên đường tìm nơi trú ẩn an toàn.
 
Hàng nghìn tàu thuyền của tỉnh Hà Tĩnh đã vào bờ neo đậu an toàn để tránh bão số 10 (ảnh Nguyễn Thanh)
Hàng nghìn tàu thuyền của tỉnh Hà Tĩnh đã vào bờ neo đậu an toàn để tránh bão số 10 (ảnh Nguyễn Thanh)

Các hồ chứa trên trên địa bàn, nước đã cơ bản đầy và đã tiến hành xả tràn sâu tại các đập Đá Hàn (Nam Đàn), Nghi Công, Khe Làng (Nghi Lộc). Các công ty thủy lợi Nam, Bắc và các địa phương đã chủ động vận hành các cống tiêu quan trọng như Bến Thủy, Nghi Quang, Rào Đừng, Diễn Thành, Diễn Thủy. Các địa phương khẩn thương thu hoạch lúa sớm để tránh tỉnh trạng lúa bị hư hỏng do úng ngập.
Tại Hà Tĩnh:
UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã liên tục gửi công văn hoả tốc đến các cơ quan ban ngành khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để đón bão số 10. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các sở, ban nghành, UBND các huyện trong tỉnh phải nêu cao tinh thần cảnh giác, tuyên truyền, chỉ đạo người dân chuẩn bị đón bão, giảm thiểu các thiệt hại dõ bão lũ gây ra.
Các huyện ven biển như Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh … chủ động phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh, Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển, chính quyền địa phương cơ sở và chủ tàu triển khai ngay việc kiểm đếm tàu thuyền; cấm tàu thuyền ra khơi và thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết hướng di chuyển của bão để chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; chủ động tìm nơi tránh, trú an toàn. 
Người dân tại tỉnh Quảng Trị đang đốn bớt cành cây để tránh gió bão số 10 (ảnh Trần Lê)
Người dân tại tỉnh Quảng Trị đang đốn bớt cành cây để tránh gió bão số 10 (ảnh Trần Lê)

Bố trí sắp xếp tàu thuyền tại nơi neo đậu an toàn; kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, các chòi canh nuôi trồng thủy sản và khu du lịch, bến cảng khi bão đổ bộ vào bờ…
Các huyện miền núi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt lưu vực sông, hạ du hồ chứa và các công trình thủy điện như Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Đức Thọ và các đập chứa nước, hồ thuỷ điện phải chủ động chuẩn bị theo phương châm "4 tại chỗ" (lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm…). Chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn; sẵn sàng các biện pháp ứng phó với các tình huống khi có mưa, lũ lớn xảy ra, đề phòng địa bàn bị chia cắt, cô lập dài ngày. Căn cứ tình hình bão, lũ xảy ra trên địa bàn, chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Tại Quảng Bình: Để giảm thiểu thiệt hại thấp nhất do bão số 10 gây ra UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã khẩn trương tiến hành và gửi công văn hoả tốc cho các ban ngành, địa phương trong nhanh chóng triển khai công tác phòng chống. Do có khả năng sẽ là trung tâm của bão số 10 nên các cấp ban ngành của tỉnh Quảng Bình cũng đã cử lực lượng cùng với người dân tiến hành chằng chống lại nhà cửa.  Kiên quyết sơ tán các khu vực dân cư ở các vùng nguy hiểm ra nơi an toàn. 
Người dân ven biển Quảng Trị đã dùng các bao tải cát để đè trên các mái nhà đề phòng gió bão (ảnh Trần Lê)
Người dân ven biển Quảng Trị đã dùng các bao tải cát để đè trên các mái nhà đề phòng gió bão (ảnh Trần Lê)

Bố trí lực lượng trực, cấm người dân đi qua những vùng khe, suối nguy hiểm, những đoạn đường bị ngập, những nơi thường xảy ra lũ quét và có nguy cơ sạt lở đất. Ban chỉ huy quân sự, công an các huyện chuẩn bị phương tiện và lực lượng để sẳn sàng ứng cứu khi có bão, lụt lớn xảy ra.

Cũng trong ngày 29/9 Sở GD & ĐT tỉnh Quảng Bình cũng đã có văn bản gửi các trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh thông báo cho học sinh nghỉ học từ ngày 30/9 cho đến tỉnh hình an toàn trở lại.  Sở GD và ĐT tỉnh Quảng Bình cũng đã chỉ đạo các trường cắt cử cán bộ, giáo viên, nhân viện trực 24/24 để bảo vệ tài sản và trang thiết bị dạy học, đồng thời ứng phó với bão. 

Tại tỉnh Quảng Trị: Để ứng phó với cơn bão số 10, trong hai ngày 28 và 29/9 UBND tỉnh Quảng Trị đã có hai công điện khẩn gửi đến các cơ quan ban ngành và các địa phương về tình hình tâm bão và yêu cầu các cơ quan cùng người dân chuẩn bị các phương án để ứng phó với bão.

Nhiều địa phương và các hộ dân trong tỉnh Quảng Bình cũng đang tất bật với công tác phòng chống bão. Nhiều gia đình đã chặt cành, đốn cây trước nhà và hai bên đường. Các hộ dân mua sắm trang bị những vật dụng cần thiết cho gia đình cụ thể các bao tải, dây thép.. về chống bão.
Cụ thể trên địa bàn thị xã Quảng Trị công tác phòng, chống bão diễn ra từ ngày 28/9. Xung quanh khu vực chợ thị xã cây cối được phát quang, các tổ bảo vệ được phân công từng nhiệm vụ, túc trực thường xuyên để ứng phó kịp thời lúc bão đổ bộ. Các hộ dân chuyển những bao cát hay những lốp xe ô tô lên mái nhà hay dùng dây néo các tấm tồn lại với nhau nhằm tránh những trường hợp xấu nhất do bão gây ra. 
Còn ở huyện Vĩnh Linh, các cơ quan ban ngành đã chỉ đạo người dân chuẩn bị các vật dụng cần thiết trong gia đình, ngày mai các em học sinh được nghỉ học. Theo ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị đến nay toàn tỉnh  đã có 2.508 chiếc thuyền với 6.405 thuyền viên của địa phương đã vào bờ trú ẩn an toàn.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế: Công tác chống bão cũng đang nhanh chóng được thúc đẩy cho đến ngày 29/9 toàn tỉnh đã kêu gọi 1.833 phương tiện vào bờ trú ẩn an toàn. Dự kiến di dời sẽ có khoảng 2.884 hộ  với 11.561 khẩu tại các điểm sạt lở, vùng ven biển sẽ được di chuyển đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào. 

Trên địa bàn có 6.150 khách du lịch trong đó 2.830 khách quốc tế, 3.320 khách nội địa đang lưu trú tại các khách sạn trên địa bàn. Các ban, ngành chức năng đã dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền, 200 nghìn lít xăng, dầu diezel và 30 nghìn lít dầu hỏa. 
Riêng hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới, mỗi huyện dự trữ 30 tấn gạo, 10 tấn muối và một số hàng hóa nhu yếu phẩm khác. Đồng thời, tỉnh cũng đã chi trên 3 tỷ đồng để xử lý khẩn cấp hơn 1.000 mét bờ biển bị sạt lở tại các xã: Hải Dương (thị xã Hương Trà), Vinh Hải (huyện Phú Lộc).
Sở GD & ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ra công văn chỉ đạo cho các trường cho học sinh nghỉ học trong ngày 30/9.  Các ban nghành, các địa phương trong tỉnh cũng đã cử lực lượng hướng dẫn và giúp đỡ người dân giằng chống nhà cửa. Bố trí lãnh đạo trực thường xuyên theo dõi sát sao tình hình mưa bão để có biện pháp kịp thời.
Xuân Hoà - Nguyễn Thanh - Trần Lê - An Đông