Cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại cho kinh tế Việt Nam cả cơ hội, thách thức

13/10/2020 06:45
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các chuyên gia đều đồng ý rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại cho kinh tế Việt Nam cả cơ hội, thách thức.

Ngày 12/10/2020, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Hội thảo khoa học “Kinh tế số - tác động, cơ hội và khả năng tận dụng của Việt Nam”.

Phó Giáo sư Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố - ông Dương Anh Đức đã đến dự khai mạc hội thảo này.

Tham dự hội thảo có hàng trăm chuyên gia, nhà quản lý kinh tế, lãnh đạo các địa phương phía Nam, doanh nghiệp. Đã có gần 50 tham luận của các tác giả, nhóm tác giả gửi đến hội thảo, nhằm làm rõ nhiều nội dung về kinh tế số, các khả năng tiếp cận và tận dụng của Việt Nam.

Hội thảo "Kinh tế số - tác động, cơ hội và khả năng tận dụng của Việt Nam" tổ chức ngày 12/10 (ảnh: P.L)

Hội thảo "Kinh tế số - tác động, cơ hội và khả năng tận dụng của Việt Nam" tổ chức ngày 12/10 (ảnh: P.L)

Các chuyên gia tham dự hội thảo đã một lần nữa khẳng định rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã đem lại cho nền kinh tế Việt Nam cả cơ hội và thách thức.

Nếu biết tận dụng công nghệ thông tin và truyền thông, thì sẽ giúp cho kinh tế Việt Nam rút ngắn khoảng cách với các quốc gia phát triển.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên – Tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế, Thủ tướng Chính phủ: Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 52, được ban hành ngày 29/7/2019, về chủ trương chính sách để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mà kinh tế số là vấn đề cốt lõi.

Trên cơ sở đó, mỗi tổ chức và doanh nghiệp cần chủ động tham gia vào nền kinh tế số, để phát triển cho chính doanh nghiệp của mình, góp phần vào sự phát triển chung.

“Cơ chế đã đầy đủ, vấn đề là làm đi, và khi làm vướng cái gì thì nói rõ” – Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên đề nghị.

Bên cạnh đó, bối cảnh đại dịch Covid-19 cũng đã tạo cơ hội cho kinh tế số bứt phá tại Việt Nam.

Cụ thể: Sau giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia đã đạt mức 17%. Đến hết tháng 7 năm nay, các giao dịch thanh toán qua điện thoại di động tăng gần 190% so với cùng kỳ của năm 2019.

Lượng người dân sử dụng điện thoại di động để mua sắm trực tuyến trong quý II, đã tăng hơn 40% so với quý trước, đạt mức cao nhất từ trước tới nay.

Tại hội thảo này, vấn đề khung pháp lý, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đã nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Đại diện của Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đề nghị, cần tách bạch khái niệm nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp với doanh nghiệp lập nghiệp đơn thuần.

Các đại biểu đề nghị: Cần có những hỗ trợ sát sao hơn với các doanh nghiệp khởi nghiệp, có sản phẩm mang tính đột phá về công nghệ, ví dụ như là miễn thuế hoàn toàn trong năm đầu hoạt động, do rủi ro của lĩnh vực này khá cao.

Theo đại diện của FSI, một doanh nghiệp chuyên số hóa dữ liệu, doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đang ngày càng thấy tầm quan trọng của dữ liệu khi tham gia vào nền kinh tế số.

Việt Dũng