Cái cần cấm thì kêu gọi, cái cần kêu gọi lại cấm

06/02/2013 07:38
Thep Lao động
“Phạt đầu”, “cắt cổ”, “khoét óc”, “moi ruột”, “móc mắt”. Để “ăn thịt”, “uống máu’, “nuốt mật”. Càng gần tết con rắn, càng thấy có nhiều điều dị hợm, man rợ, phi nhân tính và quái đản liên quan đến những cái miệng “có gang có thép”.
Năm rắn, thứ “va vào mồm” độc và lạ để “chào xuân Quý Tỵ” năm nay là bào thai rắn. Phổ biến hơn, là óc khỉ, tay gấu, mắt đại bàng. Những món mà các đại gia Việt phải bỏ “rất nhiều tiền” cho sướng khoái cái thứ nằm ngang mặt được gọi là mồm. Cho cái trán - có lẽ cũng không xa cái mồm - được thỏa mãn rằng đó là những món “bổ âm, kích dương, tốt tứ tung”.
Hà Nội vừa có văn bản kêu gọi công chức thủ đô “nói không” với việc mua bán, sử dụng, tặng hay nhận quà biếu các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã nguy cấp.
Hà Nội vừa có văn bản kêu gọi công chức thủ đô “nói không” với việc mua bán, sử dụng, tặng hay nhận quà biếu các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã nguy cấp.
Chuyện “phạt đầu”, “cắt cổ”, “moi ruột”, “móc mắt” những con vật vô tội đang xuất hiện ngày càng nhiều, tỉ lệ thuận với sự giàu lên bất thường của một bộ phận không lớn, nhưng “đông tiền và thừa hợm hĩnh” trong xã hội. Đây- rất rõ ràng- là một cái “thú bệnh hoạn”, cũng đồng thời là một hành vi vi phạm pháp luật. Hôm qua, Hà Nội vừa có văn bản dấu đỏ kêu gọi công chức thủ đô “nói không” với việc mua bán, sử dụng, tặng hay nhận quà biếu các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã nguy cấp. Điều này có cần không? Câu trả lời là có. Nhưng lời kêu gọi này là hết sức vô nghĩa. Nó hầu như chỉ có tác dụng làm dày thêm bộ sưu tập những lời kêu gọi, những “hoạt động khẩu hiệu”. Bộ Y tế thì “nói không với phong bì”. Bộ Công an từng kêu gọi CSGT không nhận hối lộ. Quan chức QH trên diễn đàn kêu gọi một “cuộc vận động tiết chế lòng tham” với tội phạm tham nhũng. Không nói thì ai cũng rõ hiệu quả của “câu chuyện khẩu hiệu”, chủ yếu để minh họa cho bệnh hình thức này. Năm ngoái, trên bức ảnh Chương Tử Di diện áo lông chồn, mắt mở tròn ngơ ngác, Tổ chức Bảo vệ động vật châu Á PETA Asia đã “chú thích”: “Trên phim cô ấy thường diễn những vai bị áp bức, nhưng trái tim luôn hướng đến tự do. Còn trong hiện thực, những con vật bị giam cầm chờ lột da lấy lông, sắp mất đi tự do, chen chúc nhau trong chuồng lại không thể cứu vớt được chút lòng trắc ẩn của cô ấy". PETA không thể làm gì hơn ngoài những lời lên án và kêu gọi, bởi đơn giản, họ là một tổ chức xã hội dân sự, chứ không phải là chính quyền với còng số 8 và nhà tù trong tay. Việc xử lý vi phạm phải là việc của chính quyền. Xử thế nào cũng được. Miễn đó không phải là những lời kêu gọi không kèm chế tài, mà rút cục, rồi sẽ chẳng ai “cho vào tai” cả. Trong khi đó, số đông nhân dân đang chứng kiến một thái cực kỳ khôi khác. Dự thảo nghị định xử phạt của Bộ LĐ-TB và XH thì đặt vấn đề xử phạt 75 triệu đồng với hành vi “quấy rối tình dục”, trong khi không hề định nghĩa, chẳng hạn “bắt tay”, hay “ôm hôn” có phải là quấy rối tình dục hay không. Mới nhất, ngay hôm qua, ngành y tế đòi: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng” đối với hành vi “có lời nói hoặc hành động xúc phạm danh dự, nhân phẩm người sử dụng biện pháp tránh thai, người sinh toàn con trai hoặc sinh toàn con gái”. Trên Dân Việt, GS-TS Nguyễn Đình Cử- nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các Vấn đề xã hội- nhìn nhận, việc chế giễu, bôi nhọ việc sinh con một bề là “không văn minh”, thậm chí “dã man”. Tuy nhiên, ông cũng nói về câu chuyện “Lời nói gió bay”, bởi “chẳng ai đi thu âm, chụp ảnh lấy bằng chứng để đòi xử phạt nhau bao giờ?”. Một lãnh đạo của Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số cũng bình luận “Họ không chửi nhau bằng văn bản. Rất khó có được bằng chứng về một cái nhếch mép, cười khẩy hay một lời bâng quơ. “Xây nhà tình nghĩa” chẳng hạn. Chúng ta vẫn đang nói rất quen về một “nhà nước pháp quyền”, nhưng câu chuyện thực tế là trong nhà nước pháp quyền đó, cái cần cấm thì lại kêu gọi, cái cần kêu gọi thì lại cấm. Có lẽ cần phải cấm những lời kêu gọi và kêu gọi cấm những điều cần cấm.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Thep Lao động