Cán bộ cấp cao mà sa ngã về kinh tế, đạo đức thì giữ làm gì?

09/02/2019 06:24
Trinh Phúc
(GDVN) - Dấu ấn chống tham nhũng trong năm 2018 theo ông Bùi Văn Xuyền là đã xử lý được nhiều cán bộ cấp cao, trong đó có cán bộ cấp tướng của ngành công an, quân đội.

Năm qua, công tác phòng chống tham nhũng có nhiều điểm nhấn, với góc nhìn của ông Bùi Văn Xuyền – một đại biểu Quốc hội giữ cương vị là Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội thì đây là một năm đặc biệt.

Lý giải về nhận định của mình, ông Bùi Văn Xuyền cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng đã làm được nhất đó là xử lý đối với cán bộ liên quan đến tham nhũng.

Vị này so sánh, ngoài các vụ án tham nhũng lớn, những vụ án kinh tế lớn như nhiều năm trước thì công tác chống tham nhũng trong năm 2018 đã xử lý được nhiều cán bộ cấp cao.

Nhất là đối với cán bộ thi hành pháp luật, cán bộ cấp tướng, cấp tá trong công an, quân đội.

Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (ảnh quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (ảnh quochoi.vn).

Điều này cho thấy, chống tham nhũng đã xử lý đúng nguyên tắc: Không có vùng cấm, xử lý bất cứ ai là người vi phạm, không né tránh, rất nghiêm khắc.

“Tôi cho đó là điểm rất ấn tượng. Có lẽ từ trước đến nay ta chưa làm được. Năm vừa qua là các vụ án có cán bộ ngành công an, quân đội, những cán bộ cấp cao trong ngành pháp luật trong đó cán bộ cấp tướng.

Điều này thể hiện quyết tâm chính trị rất cao” – ông Xuyền nhấn mạnh.

Việc xử lý những cán bộ như vậy theo đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền là để cảnh tỉnh đối với cán bộ, trong đó có cán bộ ngành pháp luật.

Cán bộ cấp cao mà sa ngã về kinh tế, đạo đức thì giữ làm gì? ảnh 2Nhà không chọn gỗ mà chọn củi rác làm rường cột thì nguy hiểm!

Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công lý, đến quản lý nhà nước, tính hiệu quả, nghiêm minh của pháp luật.

Cũng theo vị này, tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế có thể hiểu là khó tránh vì quản lý kinh tế rất dễ bị cám dỗ, sa ngã.

Nhưng người giữ các vị trí thi hành luật pháp mà bị sa ngã về kinh tế, đạo đức thì khó chấp nhận nên việc đưa ra xử lý những cán bộ cấp tướng như vậy thực sự rất ấn tượng.

Cũng theo ông Xuyền, việc xử lý ở cấp trung ương mạnh mẽ như vậy có tính lan tỏa rất lớn.

Tác động tích cực của việc chống tham nhũng là kỷ cương, phép nước được bảo vệ, người dân có niềm tin vào sự nghiệp chống tham nhũng.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam từng đưa tin, dấu ấn của một năm trên mặt trận chống tham nhũng trong góc nhìn của ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội là: ““Hơi nóng” của “lò” mà dân gian gọi một cách dân dã là “lò của cụ Tổng” đã đưa những kẻ vi phạm pháp luật, tham ô, tham nhũng vào “lò” để xử lý”.

Giải thích thêm cho nhận định của mình, ông Lê Thanh Vân cho rằng: “Nói “lò của cụ Tổng” nóng vì có nhiều cá nhân có chức quyền, thậm chí là cán bộ cấp cao bị đưa ra xử lý rất nghiêm.

Đây chính là điểm nhấn làm cho nhân dân khắp nơi phấn khởi, tin tưởng vào công cuộc “đốt lò” - chống tham nhũng”.

Cũng theo ông Lê Thanh Vân: “Chưa bao giờ số lượng quan chức cao cấp kể cả số lượng đương chức và về hưu đưa ra truy tố, xét xử, tước bỏ nhiều danh hiệu nhiều đến thế.

Một trọng tâm của công tác phòng chống tham nhũng nữa là không chỉ trừng trị tội phạm về tham nhũng, mà còn chú ý thu hồi về tài sản của nhà nước và nhân dân”.

Cán bộ cấp cao mà sa ngã về kinh tế, đạo đức thì giữ làm gì? ảnh 3Cán bộ vướng vào lao lý thì người giới thiệu nhân sự không thể vô can

Vị Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội còn cho rằng: “Một điểm có liên quan đến tham nhũng đó là vì cuộc chiến chống tham nhũng nên Đảng và nhà nước ta đã từng bước hoàn thiện các văn bản lãnh đạo điều hành để đảm bảo cho cuộc chiến chống tham nhũng càng ngày càng chiều sâu và thực chất hơn”.

Bàn sâu thêm về việc nhiều quan chức bị đưa ra xử lý, theo ý ông Lê Thanh Vân: “Lượng quan chức liên quan đến tội tham nhũng chủ yếu tham nhũng kinh tế làm trái quy định, trục lợi.

Các vị ấy có sai phạm và đã bị đảng kỷ luật, nhà nước xử lý bằng pháp luật.

Điều này còn báo hiệu một thực trạng rất đau xót, đó là số lượng cán bộ, công chức giữ cương vị ở cấp cao với tỉ lệ vi phạm tăng đã gióng hồi chương cảnh tỉnh về công tác nhân sự, lựa chọn cán bộ vào bộ máy chưa đảm bảo chất lượng đầu vào.

Điều này càng thể hiện năng lực trí tuệ của các vị này không tương xứng và phẩm hạnh về đạo đức, không tương quan với chức vị được đảm đương”.

Trinh Phúc