Nghi án “tàn đời sinh viên vì bị giam oan” ở huyện Đông Anh (Hà Nội):

Cần điều tra bổ sung đến cùng để tránh oan sai!

06/09/2013 13:59
Hồng Minh
(GDVN) - Dự kiến ngày 9/9/2013 tới đây, TAND huyện Đông Anh (Hà Nội) sẽ mở phiên tòa sơ thẩm (lần hai) xét xử bị cáo Tô Văn Hỏa (SN 1989, ngụ thôn Sơn Du, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, Hà Nội) về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo Khoản 1, Điều 202, Bộ luật Hình sự. Đây là một vụ án được dư luận hết sức quan tâm vì Hỏa thì một mực kêu oan, còn hồ sơ điều tra thì có nhiều điểm chưa rõ ràng đến mức Tòa án phải trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung.
Theo cáo trạng, khoảng 17h30 ngày 13/8/2011, Tô Văn Hỏa (có giấy phép lái xe mô tô) điều khiển xe mô tô chở em gái là Tô Thị Hoan (SN 1992) lưu thông trên đường Nguyên Khê, hướng Quốc lộ 3 đi thôn Sơn Du (xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh). Khi đến đoạn Nhà văn hóa thôn Khê Nữ (xã Nguyên Khê), do thiếu chú ý quan sát, không chấp hành nghiêm ngặt hệ thống báo hiệu đường bộ (nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ), không làm chủ được tốc độ, xe mô tô do Hỏa điều khiển đã va chạm với xe đạp do ông Nguyễn Mạnh Nhí (SN 1941, ngụ thôn Khê Nữ) điều khiển sang đường khiến ông Nhí tử vong. Vụ tai nạn có nội dung đơn giản như vậy nhưng các tình tiết liên quan đến vụ án này thì còn nhiều điểm bất thường.
Bị cáo Tô Văn Hỏa.
Bị cáo Tô Văn Hỏa.
Nhân chứng và tư thế va chạm đều có “vấn đề”? Điểm bất thường đầu tiên là hơn 1 năm sau, ngày 13/12/2012, khi Hỏa thi đỗ và đang là sinh viên năm nhất Học viện Kỹ thuật quân sự (hệ dân sự) thì anh ta mới bị bắt tạm giam. Việc bị tạm giam từ lúc đó đến nay tại Trại tạm giam số 1 - Công an TP.Hà Nội khiến Hỏa không được thi môn nào, không có điểm nên không đủ điều kiện để bảo lưu kết quả học tập, dẫn đến bị buộc thôi học và “tàn đời sinh viên”. Đáng nói, việc Hỏa bị bắt tạm giam gắn liền với sự kiện đột nhiên vụ án xuất hiện 3 nhân chứng khẳng định đã nhìn thấy “xe mô tô của Hỏa đâm vào đuôi xe đạp của ông Nhí làm xe đạp văng về phía trước”. Ba nhân chứng “bỗng dưng xuất hiện” này lại là 3 đứa trẻ đều đang học lớp 7, tức là ở thời điểm năm 2011 thì các nhân chứng này mới 11-12 tuổi!
Đoạn đường xảy ra vụ tai nạn.
Đoạn đường xảy ra vụ tai nạn.
Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, Luật sư Chu Mạnh Cường, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: Lời khai của nhóm nhân chứng này có rất nhiều “vấn đề”! Trước hết, lời khai của ba nhân chứng có dấu hiệu thiếu khách quan. Vụ tai nạn xảy ra ngày 13/8/2011 nhưng hơn 1 năm sau, đến tận ngày 20/9/2012, cả 3 nhân chứng “nhí” mới đồng loạt có đơn trình bày gửi tới cơ quan điều tra. “Qua xác minh của cơ quan điều tra thì các em viết đơn sau khi gặp gỡ, trao đổi với luật sư của phía người bị hại nhưng lạ một điều là cả 3 lá đơn đều có chung một hình thức, nội dung giống nhau đến từng chữ, giống như được đọc để cả 3 nhân chứng cùng chép? Nếu đã là đọc - chép thì những nội dung đó liệu có xuất phát từ sự thật khách quan?” - Luật sư Cường nêu nghi vấn. Tiếp đến, lời khai của ba nhân chứng “nhí” có dấu hiệu “tiền hậu bất nhất”. Điều này thể hiện ở chỗ các nhân chứng lúc thì khai “đứng chơi cùng nhau” khi chứng kiến vụ tai nạn. Nhưng đến khi tách ra, thì mỗi người lại khai đứng ở một địa điểm khác nhau: Một người đứng “ở cổng nhà văn hóa”, một người “đứng chơi trong sân nhà văn hóa, cách cổng nhà văn hóa khoảng 3-4m” và một người khai “đứng chơi ở cổng hội trường trong sân nhà văn hóa”. Vậy sự thật là các nhân chứng đứng ở đâu và có cùng nhau chứng kiến toàn cảnh diễn biến vụ tai nạn giao thông hay không? Ngoài những bất thường trong lời khai của ba nhân chứng “nhí”, thì tư thế  hai phương tiện va chạm với nhau khi xảy ra tai nạn được cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Anh dựng lại tại hiện trường cũng rất cần làm rõ. Cụ thể, hồ sơ điều tra thể hiện: Trước khi tai nạn xảy ra, xe mô tô do Tô Văn Hỏa điều khiển đang đi cùng hướng với xe đạp của nạn nhân Nguyễn Mạnh Nhí. Vậy nhưng hình ảnh mà cơ quan công an dựng lại vị trí, tư thế, chiều hướng xảy ra va chạm giữa hai chiếc xe lại cho thấy hai chiếc xe này va chạm theo hướng...ngược chiều nhau (đuôi xe mô tô va quệt vào đuôi xe đạp theo hướng ngược chiều). Đây thực sự là điều rất khó hiểu trong vụ án này, và cần phải thực nghiệm điều tra lại thì mới làm rõ được trên thực tế, tư thế và dấu vết va chạm ấy có thể xảy ra hay không?Điều tra bổ sung kiểu “nửa vời”? Ngày 23/7/2013 vừa qua, TAND huyện Đông Anh đã mở phiên tòa sơ thẩm (lần một) để xét xử bị cáo Tô Văn Hỏa về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Trước khi va chạm hai xe đi cùng hướng nhưng bản ảnh dựng lại tư thế va chạm là ngược chiều
Trước khi va chạm hai xe đi cùng hướng nhưng bản ảnh dựng lại tư thế va chạm là ngược chiều
Quá trình xét hỏi tại phiên tòa, tuy mới chỉ tập trung vào vấn đề lời khai của các nhân chứng, chưa đề cập sâu tới các vấn đề về dấu vết liên quan, hiện trường vụ án nhưng chừng đó cũng là đủ để Hội đồng xét xử phát hiện nhiều điểm chưa rõ trong một số chứng cứ mà Cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Anh và VKSND huyện này đã sử dụng để buộc tội bị cáo Tô Văn Hỏa. Cụ thể, Hội đồng xét xử xét thấy: Tại phiên tòa, lời khai của những người làm chứng với diễn biến của va chạm cần phải thực nghiệm điều tra bổ sung để xác định khả năng nghe nhìn của những người làm chứng và cần xác định rõ các dấu vết liên quan đến tai nạn, khoảng cách giữa nạn nhân và xe đạp. Hội đồng xét xử phiên tòa sơ thẩm nhận định những chứng cứ trên là “quan trọng đối với vụ án” nhưng “không thể bổ sung tại phiên tòa” nên đã quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung làm rõ những vấn đề như: Thực nghiệm điều tra bổ sung để làm rõ: Xác định các dấu vết thu được trên xe mô tô (của bị cáo Hỏa) và trên xe đạp (của nạn nhân Nhí) có phải là các dấu vết “tương ứng” trong vụ tai nạn gây ra cái chết của ông Nhí như Cơ quan điều tra đã “dựng lại” hay không? Xác định với vị trí, khoảng cách của những người làm chứng (3 nhân chứng “nhí” - PV) khi chứng kiến vụ tai nạn thì họ có thể nhìn thấy, nghe thấy như lời khai đã cung cấp tại Cơ quan điều tra và ý kiến trình bày tại phiên tòa? Cũng như, cần phải xác định lại vị trí, khoảng cách giữa nạn nhân và xe đạp sau khi xảy ra tai nạn tại “Sơ đồ hiện trường vụ tai nạn” với sự tham gia của những người làm chứng trực tiếp. Thực hiện đề nghị của Tòa án, VKSND huyện Đông Anh đã trả hồ sơ vụ án, yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Anh điều tra bổ sung 3 điểm: 1. Thực nghiệm điều tra để xác định các dấu vết va chạm; 2. Xác định vị trí khoảng cách của những nhân chứng trực tiếp nhìn thấy; 3. Xác định khoảng cách giữa nạn nhân và xe đạp. Tuy nhiên, đối với yêu cầu mà Tòa án nêu ra đầu tiên (thực nghiệm điều tra để làm rõ các dấu vết thu được trên xe mô tô và trên xe đạp có phải là các dấu vết “tương ứng”), Cơ quan điều tra đã trả lời “không thể thực hiện được” vì “không thể xác định được chính xác tốc độ của hai phương tiện liên quan, tình trạng mặt đường, gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng của người tham gia thực nghiệm”. Đáng nói, thay vì đề nghị Cơ quan công an điều tra bổ sung đến cùng để làm rõ một “chứng cứ quan trọng” mà Tòa án yêu cầu thì VKSND huyện Đông Anh lại cho rằng đây là một yêu cầu “không cần thiết”. Không những thế, VKS còn “nói trắng” luôn: “...không thể thực hiện được như cơ quan điều tra đã nhận định”! Điều này khiến dư luận phải đặt câu hỏi: Nhận định của Cơ quan điều tra là xuất phát từ thực tế khách quan hay từ suy diễn chủ quan? Những người theo dõi vụ án này hy vọng trong phiên sơ thẩm lần hai tới đây, dù TAND huyện Đông Anh đã đột ngột thay đổi thẩm phán chủ tọa phiên tòa thì “người mới” cũng sẽ “vững cán cân công lý” để yêu cầu VKS và Cơ quan điều tra điều tra bổ sung đến cùng nhằm tránh xảy ra oan sai.Làm ơn mắc oán?
Tường trình của chị Tô Thị Hoan (em gái bị cáo Tô Văn Hỏa, SN 1992, hiện là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) thể hiện: Hơn 17h ngày 13/8/2011, Hỏa điều khiển xe máy chở Hoan về nhà theo hướng Quốc lộ 3 đi thôn Sơn Du.

Khi xe đi qua Nhà văn hóa thôn Khê Nữ khoảng chục mét, Hoan nghe tiếng động lạ ở sau lưng nên ngoái lại thì phát hiện một ông lão đi xe đạp (chính là ông Nguyễn Mạnh Nhí) bị ngã ra đường. Hoan vỗ vai Hỏa bảo rằng: “Anh ơi dừng xe lại, có người bị ngã!”.

Nghe lời em, Hỏa dừng xe để Hoan chạy bộ lại thăm hỏi ông lão. Ngay sau đó, có hai người dân cũng chạy ra hỏi thăm ông Nhí. Cả 4 người được nêu là những người đầu tiên tiếp cận với ông Nhí sau khi ông này ngã ra đường. Trong 4 người này, không có ai xác nhận việc xe mô tô của Hỏa đã đâm vào xe đạp của ông Nhí.
Hồng Minh