Cần làm rõ thế lực nào đứng sau sai phạm của Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng

20/04/2022 06:35
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thực tế hiện nay, cơ chế "xin - cho" lại là "xin - chia", bởi "cho" là cho cái sở hữu chung nhưng nhận về là lợi ích riêng, nên cần phải xử lý nghiêm việc này.

Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, chứng khoán… là sự khẳng định quyết tâm của Đảng ta trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Minh chứng cụ thể là trước đó Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC) về hành vi "thao túng thị trường chứng khoán", cùng những người có liên quan.

Cơ quan điều tra cũng khởi tố, tạm giam đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh - Đỗ Anh Dũng để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản về có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan việc phát hành trái phiếu.

Việc tăng cường sự quản lý, giám sát của Đảng đối với hoạt động của các doanh nghiệp ngoài nhà nước đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp về môi trường kinh doanh lành mạnh.

Qua đây, cũng là biện pháp để "cảnh báo" đối với những doanh nghiệp có ý định làm ăn phi pháp, doanh nghiệp "sân sau" có mối quan hệ thân hữu với các quan chức.

Bên cạnh đó cũng có kiến cho rằng, đối với 2 vụ án trên, cơ quan điều tra cần khởi tố những người bao che, tiếp tay cho những hành vi sai phạm của những doanh nghiệp này.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã có một số chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước.

Xử lý nghiêm sai phạm

Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thời gian vừa qua lãnh đạo của hai tập đoàn lớn là FLC với Tân Hoàng Minh bị điều tra về các mặt thì thực ra đó là tốt cho môi trường kinh doanh chung.

Bà Phạm Chi Lan cho rằng, nếu cứ để các tập đoàn lớn có nhiều mối quan hệ và tiềm lực kinh tế dễ dàng 'mua' được thêm được những quyền lực về kinh tế bằng những mối quan hệ thân hữu hoặc 'mờ ám', thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ khó có cơ hội cạnh tranh.

Bởi lẽ nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa bị thiệt thòi khi họ không có các quan hệ thân hữu thì họ cũng rất khó vay vốn ngân hàng, tiếp cận đất đai, cơ hội kinh doanh.

Một môi trường kinh tế lành mạnh, sự cạnh tranh sòng phẳng, sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội thể hiện mình. Như vậy nền kinh tế mới có thể phát triển được.

Bà Phạm Chi Lan cho biết thêm, việc xử lý nghiêm sai phạm của doanh nghiệp ngoài nhà nước đã làm cho môi trường cạnh tranh lành mạnh trở lại, tiến tới xóa dần mối quan hệ thân hữu, kiểu mua bán trao đổi quyền lực lẫn nhau giữa cán bộ tha hóa biến chất và những doanh nghiệp dùng thủ đoạn để trục lợi.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. (Ảnh: Vietnamnet)

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. (Ảnh: Vietnamnet)

Đối với các tập đoàn lớn khác thì đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho họ, đồng thời cho các doanh nghiệp lớn và tầm trung cũng đang phát triển mạnh ở nước mình. Trong kinh doanh thì doanh nghiệp nên đàng hoàng, cạnh tranh lành mạnh, cần ủng hộ môi trường trong sạch, giảm thiểu tham nhũng.

"Việc hối lộ để được việc cho mình nhưng nó có tác hại cho rất nhiều người, tước đoạt cơ hội với người khác và làm hư hỏng cán bộ, tham nhũng trong bộ máy nhà nước", bà Lan cho hay.

Cho nên, theo bà Lan, việc xử lý doanh nghiệp ngoài nhà nước có sai phạm là tốt cho cả phía nhà nước và môi trường kinh doanh chung.

Phân tích thêm về tham nhũng trong bộ máy nhà nước, bà Lan nêu, việc hối lộ là do cả hai bên chứ không phải do tư nhân (người đưa tiền), vì có những cán bộ còn "vòi tiền" ép doanh nghiệp phải đưa.

Cán bộ có quyền phân bổ nguồn lực như đất đai, quyền tham gia dự án này khác nên rất dễ bị doanh nghiệp chủ động mua chuộc, 'tấn công', cán bộ thiếu bản lĩnh sẽ rất dễ nhúng chàm và sẽ kết bè với những doanh nghiệp có ý định thân hữu trục lợi.

Cần phải làm rõ thế lực nào đứng đằng sau

Đối với việc xử lí hai lãnh đạo tập đoàn lớn nói trên, bà Phạm Chi Lan cho hay, cơ quan chức năng không chỉ điều tra sai phạm phía doanh nghiệp mà rất cần làm đến tận cùng "thế lực nào đang đứng đằng sau họ?".

"Chúng ta cần phải làm cho rõ nhóm lợi ích trong cùng vụ việc này hoặc là đối với từng vấn đề cụ thể. Nhân dịp này chúng ta cần phải lôi họ ra ngoài ánh sáng", bà Lan nhấn mạnh.

Trả lời về ý kiến việc xử lý những doanh nghiệp ngoài nhà nước sẽ triệt hạ "sân sau" của các cán bộ nhà nước, bà Lan hoàn toàn đồng ý với quan điểm này, đồng thời thậm chí là doanh nghiệp nhà nước khác hoặc là cơ quan, đơn vị chứ không chỉ riêng cán bộ.

"Việc xử lý hai hai lãnh đạo doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng là bài học chung cho các doanh nghiệp trực thuộc nhà nước", bà Lan nói.

Thực tế hiện nay, cơ chế "xin - cho" lại là "xin - chia", bởi "cho" là cho cái sở hữu chung nhưng cán bộ nhận về là lợi ích riêng.

Việc này cũng cần phải xử lý nghiêm khắc, để tốt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì họ không có mối quan hệ.

Đối với môi trường kinh doanh nói chung, nếu như các doanh nghiệp không có sai phạm thì họ cũng cảm thấy yên tâm hơn, khi kinh doanh đàng hoàng, minh bạch sẽ nhận được sự ủng hộ của xã hội. Nếu như họ nhận thấy doanh nghiệp có dấu hiệu sai phạm thì phải điều chỉnh ngay lập tức.

"Qua vụ việc của ông Trịnh Văn Quyết và Đỗ Anh Dũng, thì các doanh nghiệp khác có ý định tìm quan hệ thân hữu nên bỏ ý định đó đi", chuyên gia kinh tế đưa ra lời khuyên.

Theo bà Phạm Chi Lan, nhân dịp này, nhà nước cần phải rà soát lại cơ chế vận hành bộ máy nhà nước trong việc phân bổ nguồn lực.

Ví dụ như việc phân bổ nguồn lực bất động sản cho doanh nghiệp chỗ này chỗ khác, từ đấy doanh nghiệp sẽ móc ngoặc với các bên tín dụng để huy động tiền trên thị trường chứng khoán...

"Cần rà soát và tăng cường sự giám sát của xã hội, công chúng, cộng đồng doanh nghiệp và báo chí truyền thông", bà Phạm Chi Lan cho hay.

Đối với sai phạm của doanh nghiệp thì báo chí từng phản ánh nhiều nhưng cơ quan chức năng không quan tâm, không để ý. Hay như việc "thổi giá" cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết dù báo chí phản ánh nhiều nhưng Ủy ban chứng khoán vẫn cứ "làm ngơ", như vậy, một kênh phản ánh để giúp sức quan trọng cho công tác phòng chống tham nhũng đã bị bỏ qua.

Ngược lại, "nếu báo chí đưa thông tin sai về doanh nghiệp hoặc thổi phồng giá trị của các doanh nghiệp, cũng cần bị xử lý", bà Lan nhận định.

Mạnh Đoàn