Chen chân đăng ký thất nghiệp

29/05/2012 10:06
Theo An Ninh Thủ Đô
So với cùng kỳ năm 2011, lượng người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên cả nước từ đầu năm đến nay đã tăng gần gấp đôi, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng đã tăng 65%. Nguyên nhân chính được lý giải là do bối cảnh kinh tế khó khăn khiến sức ép công việc tăng cao.
Từ nửa cuối năm 2011 đến nay, số lao động đăng ký thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, một trong những địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước đã tăng đột biến. Ông Nguyễn Phùng Trung, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh này cho biết, chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi ngày tại Bình Dương tiếp nhận 300-400 người lao động đến làm hồ sơ đăng ký BHTN và hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Toàn tỉnh có gần 30 khu công nghiệp, trên 20 cụm công nghiệp với hơn 44.000 người lao động, nhu cầu tăng thêm hàng năm từ 50.000 đến 60.000 lao động, tuy nhiên từ cuối năm ngoái đến nay rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã giải thể hoặc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân lực do nền kinh tế gặp khó khăn. Thêm nữa, do chế độ lương, thưởng cho người lao động hạn chế nên tại rất nhiều doanh nghiệp xảy ra hiện tượng người lao động sau khi tham gia đủ 12 tháng BHTN thì xin nghỉ việc để tìm kiếm công việc mới nhằm thụ hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp.

Chen chân đăng ký thất nghiệp ảnh 1

Thất nghiệp nhiều nhưng tuyển dụng lao động lại khó

Tại TP Hồ Chí Minh - thị trường lao động lớn nhất cả nước, số lượng người lao động đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp rất đông, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo lập thêm 5 địa điểm để tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động. Từ cuối năm ngoái đến nay, Sở đã tiếp tục thành lập thêm điểm tiếp nhận đăng ký thất nghiệp thứ 6 tại quận Tân Bình và sẽ mở rộng điểm thứ 7 tại quận 2 nhằm đáp ứng với tình hình người lao động đăng ký thất nghiệp ngày càng tăng. Đại diện Sở LĐ-TB&XH TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2011 toàn thành phố có 106.669 người đến đăng ký thất nghiệp, cao nhất cả nước và dự kiến trong năm 2012, số người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn sẽ tiếp tục tăng lên từ 15%-20% so với năm 2011.

Tương tự, tại Trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL) Hà Nội, từ đầu năm đến nay mỗi tháng tiếp nhận 1.500 lao động đến đăng ký thất nghiệp, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong quý I năm nay, trong số lao động đến đăng ký BHTN, có tới 30% là lao động có trình độ đại học, cao đẳng. Ông Vũ Trung Chính, Giám đốc TTGTVL Hà Nội cho rằng, tình trạng người lao động chen chân đăng ký BHTN, số được trợ cấp thất nghiệp tăng cao đã nằm trong dự báo từ trước của Trung tâm bởi kinh tế khó khăn khiến hoạt động, sản xuất của đa phần doanh nghiệp trên địa bàn sa sút.

Tuyển mới để thay cũ

Lý giải về số lao động bị mất việc, thất nghiệp tăng cao trong thời gian gần đây, ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, năm 2011, số người đăng ký BHTN tăng tới 77% so với năm 2010 và tiếp tục tăng cao hơn nữa trong năm 2012 khi quý I năm nay tỷ lệ này tăng 68% so với cùng kỳ năm 2011. Lao động bị mất việc, thất nghiệp nhiều nhất tập trung vào nhóm làm việc ở những doanh nghiệp sản xuất và gia công hàng xuất khẩu do sản xuất gặp khó khăn, hàng hóa ứ đọng tồn kho nhiều khiến doanh nghiệp phải cắt giảm nhân lực. Trước đây nhiều lao động ở nông thôn đổ ra thành phố hoặc lao động ở miền Bắc, miền Trung đổ vào Nam tìm việc, nay do kinh tế khó khăn, chế độ lương thưởng thấp nên họ chấm dứt hợp đồng lao động để hồi hương tìm việc làm nhằm giảm bớt chi phí sinh hoạt hàng ngày...

Một nghịch lý đang tồn tại trên thị trường lao động tại các thành phố lớn hiện nay đó là số người lao động bị mất việc, thất nghiệp tăng từng ngày nhưng các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại rất khó khăn trong khâu tuyển dụng. Ông Trung cho biết, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn nhưng trả lương cho người lao động lại thấp, điều kiện lao động không đảm bảo nên không hút được lao động, trong khi lao động cũ cũng không mặn mà. “Chúng tôi đi khảo sát trực tiếp tại nhiều nhà máy, xí nghiệp và nhận thấy, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động lớn không phải để mở rộng sản xuất mà tuyển dụng để dự phòng thay thế cho lao động hiện đang làm việc có khả năng sớm chấm dứt hợp đồng. Điều đó phần nào cho thấy thị trường lao động hiện nay đang rất khó khăn, sức ép và nhu cầu tìm được một công việc phù hợp đối với người lao động là không hề dễ dàng” - ông Trung chia sẻ.

Điểm nóng

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VP Chính phủ trả lời về bê bối tại Vinalines

Lại một sản phụ tử vong sau khi sinh

Xế hộp mất lái chổng vó dưới chân đê

Chuyện đời ông lão “cướp cơm hà bá”

Nghệ An: 20 cán bộ, nhân viên Công ty Y, Dược nhập viện vì ngộ độc

Bí mật đau đớn sau vụ nữ sinh dìm chết bạn

SV bán dâm 2 triệu: Trần tình của “má mì”

Điểm nóng

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VP Chính phủ trả lời về bê bối tại Vinalines

Lại một sản phụ tử vong sau khi sinh

Xế hộp mất lái chổng vó dưới chân đê

Chuyện đời ông lão “cướp cơm hà bá”

Nghệ An: 20 cán bộ, nhân viên Công ty Y, Dược nhập viện vì ngộ độc

Bí mật đau đớn sau vụ nữ sinh dìm chết bạn

SV bán dâm 2 triệu: Trần tình của “má mì”

Theo An Ninh Thủ Đô