Chi nhiều ngân sách cho trường chuyên là bất bình đẳng trong thụ hưởng GD công

22/03/2022 06:40
Nhật Tân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương và Phó Giáo sư Bùi Thị An chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề đầu tư cho trường chuyên.

Hiện nay nhiều địa phương dành sự ưu tiên lớn trong phát triển trường chuyên trên địa bàn tỉnh, thậm chí còn ban hành chính sách đặc thù để thu hút, khuyến khích giáo viên công tác tại trường trung học phổ thông chuyên.

Đánh giá vấn đề này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Ngô Văn Sửu – nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng đầu tư cho trường chuyên là chính sách khuyến khích các tỉnh đào tạo học sinh giỏi, nguồn nhân lực chất lượng cho đất nước. Nhưng đầu tư bằng chính sách nào và mức độ ra sao thì cần cân nhắc một cách kỹ lưỡng.

Ông Ngô Văn Sửu – nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Nhật Minh

Ông Ngô Văn Sửu – nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Nhật Minh

Lý giải về ý kiến trên, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng nếu đầu tư quá mức vào nhóm đối tượng trường chuyên thì sẽ làm mất cân đối cơ cấu trong ngành giáo dục.

"Theo tôi, nhìn về hướng chiến lược lâu dài thì bậc học cần được ưu tiên nhất là mẫu giáo. Bởi lẽ đây là độ tuổi bắt đầu phát triển thể lực, trí lực và là nền tảng cho các cấp học sau. Do đó nếu tập trung điều kiện phát triển cho trẻ mẫu giáo sẽ tạo ra những đột phá giúp nền giáo dục nước ta thịnh vượng. Tuy nhiên bậc mẫu giáo dường như chưa được quan tâm đúng mức, giáo viên mầm non còn nhiều thiệt thòi."

Vì vậy, một số địa phương đặt ra chính sách mời giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ về dạy trường chuyên với mức hỗ trợ vượt quá tình hình chung của đất nước thì sẽ làm cho ngành giáo dục biến động, gây mất công bằng về cơ hội học tập. Trong khi hầu hết các tỉnh chỉ có 1 – 2 trường chuyên, các cấp học khác có tới hàng trăm trường.

Đầu tư cho trường chuyên chỉ phát triển năng lực của một số cá nhân nhất định chứ không mang tính chất đại trà. Trong khi đó ngành giáo dục nên tập trung phát triển đại trà trước", ông Ngô Văn Sửu nhấn mạnh.

Thêm vào đó, số giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ có năng lực để dạy cho các trường đại học còn thiếu. Nếu về trường chuyên thì những giảng viên này cũng chỉ có thể dạy từ 1 đến 2 môn trong khi số lượng học sinh chuyên không nhiều.

Việc mời giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ về dạy trường chuyên còn có thể gây lãng phí nguồn nhân lực vì họ không thể vận dụng hết kiến thức và tài năng vào quá trình giảng dạy. Bên cạnh đó bậc trung học phổ thông chưa đòi hỏi nhiều đến khả năng nghiên cứu khoa học của học sinh.

Nêu quan điểm của mình về chính sách thu hút nhân tài giảng dạy tại các trường chuyên của một số tỉnh thành, Phó Giáo sư Bùi Thị An (Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII) cho biết: “Tôi không ủng hộ chính sách này. Hiến pháp có nêu mọi người đều có quyền hưởng dịch vụ y tế, giáo dục như nhau.”

Phó Giáo sư Bùi Thị An (Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII). Ảnh: quochoi.vn

Phó Giáo sư Bùi Thị An (Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII). Ảnh: quochoi.vn

Phó Giáo sư Bùi Thị An đánh giá đào tạo nhân tài là cần thiết nhưng các chính sách cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu mời giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ về dạy cho học sinh của toàn tỉnh thì đây là điều hợp lý. Tuy nhiên nếu chính sách chỉ áp dụng cho học sinh trường chuyên thì lại là sự bất bình đẳng trong giáo dục. Nếu muốn đầu tư cho trường chuyên, các tỉnh nên tìm nguồn khác thay vì dùng ngân sách nhà nước.

Lý giải ý kiến này, Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội cho biết ngân sách nhà nước là do người dân đóng thuế. Vì vậy, các chính sách được đề ra và đưa vào thực tiễn cần đáp ứng được quyền lợi của nhiều đối tượng khác nhau.

Nhật Tân