Chi tiêu quốc phòng của TQ liên tục tăng 2 con số trong 3 năm liền

18/03/2013 19:00
Đông Bình
(GDVN) - "Sức ép của môi trường an ninh xung quanh Trung Quốc tăng lên, vấn đề chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển nổi cộm", nên TQ tăng chi tiêu quốc phòng.
Trung Quốc liên tục tăng chi tiêu quốc phòng
Trung Quốc liên tục tăng chi tiêu quốc phòng

Tân Hoa xã vừa dẫn lời ông Trần Châu, nhà nghiên cứu Viện khoa học quân sự Trung Quốc, đại biểu Quốc hội Trung Quốc cho rằng: “Sau khi trải qua nhiều năm tăng trưởng kiểu bổ sung, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đang từng bước đi vào giai đoạn tăng trưởng kiểu cân đối, đồng bộ với phát triển kinh tế”.

Căn cứ vào bản dự thảo ngân sách đệ trình lên kỳ họp thứ nhất Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khoá 12 (Quốc hội Trung Quốc khoá 12) xét duyệt, ngân sách quốc phòng năm 2013 của Trung Quốc là 720,168 tỷ nhân dân tệ, tăng 10,7% so với năm 2012. Đây là 3 năm liên tục ngân sách quốc phòng của Trung Quốc duy trì tăng trưởng 2 con số. Năm 2012, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng 11,2%, năm 2011 tăng 12,7%.

Trần Châu cho biết, xác định số lượng và quy mô của chi tiêu quốc phòng phải tuân theo 2 nguyên tắc quan trọng nhất: Một là thích hợp với nhu cầu quốc phòng, hai là thích hợp với trình độ phát triển kinh tế quốc gia.

Là một trong những người khởi thảo Sách trắng quốc phòng của Trung Quốc, Trần Châu đã giới thiệu có hệ thống về tình hình đầu tư kinh phí quốc phòng của Trung Quốc từ khi cải cách mở cửa đến nay.

Hải quân Trung Quốc đã biên chế tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh
Hải quân Trung Quốc đã biên chế tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh

Ông này cho biết, từ năm 1978 đến năm 1987, xây dựng quốc phòng của Trung Quốc ở trong trạng thái đầu tư thấp và có tính chất duy trì. Chi tiêu quốc phòng hàng năm tăng trưởng 3,5%, thấp xa so với 14,1% GDP bình quân hàng năm cùng kỳ, tỷ lệ chi tiêu quốc phòng chiếm 4,6% GDP năm 1978, đã giảm xuống 1,74% năm 1987.

Từ năm 1988 đến năm 1997, để bù thiếu cho xây dựng cơ bản quốc phòng và đáp ứng nhu cầu an ninh, thống nhất quốc gia, trên nền tảng tăng trưởng liên tục về kinh tế, từng bước tăng đầu tư cho quốc phòng. Tăng trưởng bình quân hàng năm kinh phí quốc phòng mặc dù đạt 14,5%, nhưng GDP cùng kỳ lại tăng trưởng bình quân hàng năm là 20,7%, nên tỷ lệ chi tiêu quốc phòng trong GDP tiếp tục giảm xuống.

Trần Châu nói: “Tăng trưởng kiểu bổ sung thực sự được bắt đầu từ khi bước vào giai đoạn lịch sử mới”. Để TQ bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích phát triển, thích ứng với nhu cầu cải cách quân sự đặc sắc Trung Quốc, từ năm 1998 đến năm 2007, kinh phí quốc phòng của Trung Quốc tăng trưởng bình quân hàng năm là 15,9%, còn tăng trưởng GDP bình quân hàng năm cùng kỳ là 12,5%, tỷ lệ chi tiêu quốc phòng trong GDP đã có tăng lên.

Căn cứ vào bản dự thảo ngân sách đệ trình Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc xem xét, chi tiêu quốc phòng năm 2013 của Trung Quốc chiếm khoảng 1,4% GDP. Trần Châu cho rằng: “Trong GDP, tỷ lệ chi tiêu quốc phòng từng bước tăng trở lại, đánh dấu chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đang từ tăng trưởng kiểu bổ sung trước đây chuyển sang tăng trưởng kiểu cân đối”.

Trung Quốc phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm J-20
Trung Quốc phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm J-20

Chuyên gia nghiên cứu lâu dài các vấn đề chiến lược quốc tế này cho rằng: “Kiên trì phát triển hài hòa giữa xây dựng quốc phòng và xây dựng kinh tế, là phương châm cơ bản TQ cần phải kiên trì, cũng là yêu cầu tất yếu bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc”.

Trần Châu nhấn mạnh, những năm gần đây, tình hình chiến lược quốc tế và cán cân sức mạnh chiến lược có sự thay đổi rõ rệt, sức ép của môi trường an ninh xung quanh Trung Quốc tăng lên, vấn đề chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển nổi cộm, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia khó khăn hơn, đặt ra yêu cầu cao hơn đối với việc xây dựng quân đội và quốc phòng.

Trần Châu cho rằng: “So với các cường quốc quân sự trên thế giới, việc xây dựng thông tin hóa của Quân đội Trung Quốc còn tương đối lạc hậu”. Theo ông, các cường quốc quân sự chính trên thế giới đều đang chiếm trước điểm cao khống chế chiến lược mới. Trung Quốc muốn gia tăng đầu tư cho các lĩnh vực có liên quan, mới có thể kiếm được “chỗ đứng” trong cuộc cạnh tranh tương lai.

Trung Quốc phát triển máy bay vận tải cỡ lớn/hạng nặng Y-20
Trung Quốc phát triển máy bay vận tải cỡ lớn/hạng nặng Y-20

Trần Châu tuyên truyền: “Lịch sử và thực tế chứng minh, Trung Quốc sẽ kiên trì đi theo con đường phát triển hòa bình, kiên trì thực hiện chính sách quốc phòng mang tính phòng ngự. Bất kể sức mạnh quốc phòng của Trung Quốc phát triển như thế nào, đều sẽ không tạo ra mối đe dọa cho nước khác”.

Mặc dù ông Trần Châu nói như vậy, nhưng sức mạnh quân sự liên tục tăng lên của Trung Quốc, nhất là hải quân đang ngày càng tạo sức ép lớn cho các nước láng giềng, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc tìm mọi cách hiện thực hóa cái gọi là “đường lưỡi bò” bất hợp pháp trên biển Đông, từ chối ra tòa trọng tài quốc tế theo đơn kiện của Philippines.

Đông Bình