Chiến đấu cơ thế hệ thứ năm T-50 Nga và F-22 Mỹ: mèo nào cắn mỉu nào?

23/12/2012 06:00
Đông Bình (nguồn báo Thanh niên Tham khảo, TQ)
(GDVN) - Báo Trung Quốc đã tập trung phân tích, so sánh tính năng của hai loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm của Nga và Mỹ.
Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm T-50 của Nga
Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm T-50 của Nga

Tờ “Thanh niên Tham khảo” Trung Quốc vừa đăng bài viết của Cao Triệu Sinh và Lý Vĩ, hai nhà nghiên cứu của Đại học Quốc phòng Trung Quốc. Bài viết cho rằng, hiện nay, Nga đang khẩn trương định hình bay thử máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm T-50. Tuổi thọ bình quân của máy bay chiến đấu Quân đội Nga đã trên 25 năm, Bộ Quốc phòng Nga chuẩn bị tiến hành đổi mới quy mô lớn.

Là công trình trọng điểm hàng đầu của Không quân Nga trong 20 năm qua, trong tương lai T-50 sẽ thay thế máy bay chiến đấu Su-27 và MiG-29 đã lão hóa nghiêm trọng, trở thành máy bay chiến đấu chủ lực của Không quân Nga, đảm đương nhiệm vụ nặng nề đối phó máy bay chiến đấu F-22 và F-35. Vì vậy, nhanh chóng trang bị T-50 cho quân đội là nhu cầu cấp thiết của Không quân Nga.

Nhưng, từ khi bay thử lần đầu tiên đến nay, kế hoạch trang bị T-50 cho Không quân Nga liên tiếp bị trì hoãn. Năm 2010, Putin tuyên bố, phải bàn giao T-50 cho Không quân Nga vào năm 2013. Hiện nay, xem ra mong muốn này rất khó thực hiện đúng hạn.

Ngày 6/8/2012, Tư lệnh Không quân Nga Bondalev chỉ ra, T-50 trải qua thử nghiệm liên tục gần 5 năm, sẽ đưa vào sản xuất hàng loạt sau năm 2015 và sẽ sắp xếp cho Không quân tiến hành bay tác chiến thử, đồng thời có kế hoạch đến trước năm 2020 trang bị ít nhất 350 chiếc và cuối cùng trang bị 450-600 chiếc.

Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm F-22 của Không quân Mỹ
Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm F-22 của Không quân Mỹ

Hiện nay, T-50 đang đi trên con đường “bay thử - định hình - trang bị”, phải thử nghiệm, cải tiến, phát triển và hoàn thiện. Có thể dự đoán, đây sẽ là một con đường đầy gian nan và thách thức. Máy bay chiến đấu chủ lực hiện có của Nga, sau khi bay thử thành công vào năm 1977, phải trải qua bay thử 6-7 năm mới trang bị hàng loạt cho quân đội.

T-50 hiện vẫn chỉ là máy bay ở trạng thái cơ bản nhất, tính năng của động cơ kiểu mới, hệ thống điện tử hàng không mới như thế nào đều sẽ ảnh hưởng đến sức chiến đấu của máy bay. Đồng thời, để chế tạo tàu sân bay kiểu mới, Nga còn có kế hoạch chế tạo phiên bản hải quân của T-50.

Tình hình đầu tư vốn nghiên cứu phát triển của Nga cũng sẽ tác động to lớn đối với sự phát triển và trang bị hàng loạt máy bay T-50. Cục thiết kế Saturn phụ trách động cơ đã từng phải dừng nghiên cứu phát triển trong một thời gian do vấn đề kinh phí, đã ảnh hưởng lớn tới tiến độ nghiên cứu chế tạo T-50.

Hiện nay, một số nhà máy muốn được bổ sung ngân sách nghiên cứu chế tạo, nếu không sẽ có rất nhiều chỉ tiêu công nghệ khó đạt được yêu cầu thiết kế. T-50 bắt đầu trở thành một “cỗ máy” đốt tiền. Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế hiện nay của Nga, tăng kinh phí là một vấn đề không nhỏ. Rất nhiều chuyên gia cho rằng, T-50 muốn hình thành sức chiến đấu ít nhất phải sau năm 2018.

Chiến đấu cơ T-50 Nga
Chiến đấu cơ T-50 Nga

T-50 được coi là tiêu chí phục hưng toàn diện công nghiệp quân sự của Nga

T-50 là loại máy bay được đưa ra chậm, sau khi máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm F-22 của Mỹ bay thử lần đầu tiên được 20 năm, nó có “hậu sinh khả úy” hay không vẫn là một dấu hỏi.

Trên thực tế, ngay từ năm 1983, Liên Xô đã triệu tập các cơ quan thiết kế nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu tương lai, xác định do Cục thiết kế MiG nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.

Sự sụp đổ bất ngờ của Liên Xô làm cho Nga trải qua khó khăn kinh tế lâu dài, giáng một đòn nặng nề đối với sự phát triển của công nghiệp hàng không Nga, chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm vốn được khởi động rất sớm đã rơi sâu vào vòng xoáy của điều chỉnh quy hoạch và khó khăn kinh tế.

Những năm gần đây, Mỹ đã lần lượt trang bị máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-22 và F-35, dẫn đầu đi vào thời đại tàng hình, đã gây ra sức ép to lớn đối với Không quân Nga. Nga cũng đã đẩy nhanh các bước nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.

Nga có 2 doanh nghiệp chính thiết kế và sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm là Cục thiết kế Sukhoi và MiG. Trong thời gian gần 15 năm qua, hai cục thiết kế này đều căn cứ vào nhu cầu phát triển trang bị của Không quân và Chính phủ Nga, đã đưa ra nhiều chương trình phát triển máy bay chiến đấu kiểu mới khác nhau.

Trong đó, máy bay mẫu 1.44 do Cục thiết kế MiG thiết kế, sau khi được chế tạo, ngày 29/2/2000 đã bay thử một cách miễn cưỡng và được công bố cho dư luận, nhưng cuối cùng chương trình đã bị chấm dứt phát triển.

Chiến đấu cơ T-50 Nga
Chiến đấu cơ T-50 Nga

Lúc đó, Nga đã xác định lại chỉ tiêu kỹ thuật của “máy bay chiến đấu tiền tuyến thế hệ mới” PAK-FA. PAK là viết tắt của “hệ thống hàng không tương lai” tiếng Nga, còn FA là chỉ lực lượng hàng không ở tiền tuyến. Căn cứ vào chỉ tiêu tính năng máy bay chiến đấu PAK-FA do Không quân Nga xác định, Cục thiết kế MiG và Sukhoi đã lần lượt đưa ra các phương án máy bay chiến đấu hai động cơ để Không quân Nga so sánh lựa chọn.

Sau khi đánh giá toàn diện, Không quân Nga cuối cùng xác định Cục thiết kế Sukhoi là đơn vị làm nhiệm vụ nghiên cứu chế tạo và sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Cục thiết kế này thiết kế bên trong của PAK-FA được đánh số là T-50, T là ý nghĩa của cánh tam giác, trong khi đó mã số bên trong của cánh ngược và cánh xuôi là S.

Nga sở dĩ cuối cùng đã lựa chọn Cục thiết kế Sukhoi là do mức độ thừa nhận của thị trường cao hơn. Nga là nước xuất khẩu chủ yếu công nghệ và thành phẩm trên thị trường máy bay chiến đấu quốc tế sau Chiến tranh Lạnh, sản phẩm chủ lực là máy bay Su-27 và MiG-29, trong khi đó quy mô xuất khẩu và danh tiếng trên thị trường quốc tế của dòng Su-27 tốt hơn nhiều “ngôi sao trong Chiến tranh Lạnh” MiG-29.

So với Cục thiết kế MiG, Cục thiết kế Sukhoi có nhiều khách hàng cố định hơn, có ưu thế hơn về mức động công nhận trên thị trường, Sukhoi có thể sử dụng hiệu ứng của Su-27, tăng cường sức cạnh tranh cho xuất khẩu T-50 để đổi lấy ngoại tệ.

Hãng Sukhoi Nga nổi tiếng trên thị trường quốc tế với dòng máy bay chiến đấu Su-27. Trong hình là tiêm kích Sukhoi của Không quân Việt Nam
Hãng Sukhoi Nga nổi tiếng trên thị trường quốc tế với dòng máy bay chiến đấu Su-27. Trong hình là tiêm kích Sukhoi của Không quân Việt Nam

Cục thiết kế Sukhoi có thực lực kinh tế hùng hậu cũng là một nguyên nhân quan trọng. Cục thiết kế Sukhoi dựa vào xuất khẩu Su-27, đã thu được rất nhiều lợi ích kinh tế, có thể tiến hành thực hiện đối với nhiều công nghệ tiên tiến hơn.

Chính phủ Nga muốn chủ thể nghiên cứu khoa học gánh lấy rủi ro đầu tư chương trình, tài chính của nhà thiết kế tất yếu trở thành nhân tố xem xét quan trọng khi lựa chọn.

Cục thiết kế Sukhoi đã tự đầu tư hoàn thành thiết kế phương án trước khi bỏ thầu T-50, sau khi trúng thầu vẫn gánh trên 70% kinh phí nghiên cứu khoa học, mãi đến khi đi vào giai đoạn chế tạo máy bay nguyên mẫu, Chính phủ Nga mới bắt đầu tăng đầu tư cho chương trình.

Vì vậy, mọi người phổ biến cho rằng, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm do Sukhoi phát triển và sản xuất hầu như là sự lựa chọn duy nhất của Không quân Nga.

Ngoài ra, về công nghệ thiết kế, T-50 cũng tin cậy, thực tế hơn. Về thiết kế, T-50 đã kết hợp đầy đủ đặc điểm của F-22 và Su-27, nó sử dụng tư tưởng thiết kế bố cục khí động học, bố cục plane đạt mục đích tàng hình, rất gần với tư tưởng của F-22.

Thiết kế thân máy bay của T-50 cũng rất gần với Su-27, độ tin cậy và tính thực dụng của loại công nghệ này dễ được Không quân Nga tiếp nhận hơn. Vì vậy, phương án T-50 trở thành sự lựa chọn thích hợp nhất và kinh tế nhất của Không quân Nga.

Phần đầu máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Mỹ
Phần đầu máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Mỹ

Sau khi Cục thiết kế Sukhoi giành chiến thắng, lập tức bắt tay toàn lực phát triển T-50. Sau nhiều lần thử nghiệm, ngày 29/1/2010, T-50 cuối cùng đã tiến hành bay thử lần đầu tiên tại một sân bay của tổ hợp sản xuất hàng không Komsomolsk bên sông Amur, khu vực Viễn Đông, Nga.

Sự ra đời của T-50 được coi là tiêu chí phục hưng toàn diện của công nghiệp quân sự Nga. Nó có ý nghĩa mang tính quyết định phá vỡ vị thế độc quyền máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Mỹ, đối phó với lực lượng trên không do Mỹ chiếm ưu thế.

Tính năng tổng hợp của T-50 kém hơn máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Mỹ?

T-50 là một loại máy bay chiến đấu đa năng hạng nặng 1 chỗ ngồi, 2 động cơ, 2 đuôi buông, dài 22 m, sải cánh 14,2 m, cao 6,05 m, trọng lượng cất cánh tối đa 34 tấn.

Nó là một loại máy bay chiến đấu được nghiên cứu phát triển chế tạo sau Chiến tranh Lạnh duy nhất của Nga, được gọi là “kết tinh toàn bộ tinh hoa của ngành chế tạo hàng không Nga”. So với máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-22 và F-35 của Mỹ, T-50 vừa có ưu thế, vừa có chỗ thua kém.

Muốn so sánh máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của hai nước, trước hết phải hiểu rõ mục tiêu thiết kế của chúng. T-50 chủ yếu dùng để thực hiện nhiệm vụ mang tính phòng thủ, trong khi đó F-22, F-35 lại có đặc điểm tấn công rất mạnh.

Trong các trường hợp tác chiến ở “trước cửa nhà”, dựa vào phòng không lãnh thổ, máy bay chặn đánh cần có khả năng nhanh chóng đến khu vực tác chiến, để nhanh chóng tiêu diệt mục tiêu xâm phạm.

Chiến đấu cơ F-22 có đặc điểm tấn công mạnh. Trong hình F-22 được tiếp dầu trên không.
Chiến đấu cơ F-22 có đặc điểm tấn công mạnh. Trong hình F-22 được tiếp dầu trên không.

Vì vậy, T-50 dù cho hạn chế chỉ tiêu tính năng khác, cũng cần ưu tiên bảo đảm khả năng tuần tra siêu âm ưu việt. Điều này đã quyết định T-50 có những ưu điểm dưới đây:

Một là tính năng cơ động tốt. Nga có ưu thế hơn Mỹ trong nghiên cứu công nghệ đẩy véc-tơ, vì vậy, T-50 sẽ sử dụng động cơ có lực đẩy lớn của công nghệ kiểm soát lực đẩy véc-tơ, ống phun 3D có đặc tính hoạt động tốt.

Để nâng cao tính năng cơ động, thiết kế khí động học của T-50 đã thực hiện được 2 sáng tạo lớn: Đầu tiên là “cánh vịt nhất thể” (cánh phụ nhỏ phía trước, cánh mũi, canard). Theo đó vừa nâng cao được tác dụng kiểm soát lực nâng vừa không mất đi tính tàng hình.

Thứ hai là đuôi buông nghiêng, quay mọi hướng. Đuôi buông và đuôi bằng của T-50 đều rất nhỏ, cho thấy khả năng chuyển hướng lực đẩy của Nga đã đạt trình độ tương đối cao.

T-50 tiếp tục áp dụng bố cục nạp khí ở bụng, cộng với áp lực của cánh thấp hơn F-22, làm cho T-50, ở góc tấn lớn, có tính ổn định và khả năng điều khiển tương đối tốt, tính cơ động có thể trội hơn F-22.

T-50 Nga
T-50 Nga

Hai là, cự ly cất/hạ cánh ngắn, lượng tải đạn lớn. T-50 có thể cất/hạ cánh trong cự ly 400 m, cự ly của F-22 là 450-916 m.

Lượng tải đạn của T-50 lớn hơn F-22, tải trọng chiến đấu có thể lên tới 6 tấn, bên trong bố trí 3 khoang vũ khí, khoang tải đạn đã chiếm 1/3 toàn bộ máy bay, bên ngoài thân máy bay còn có thể mang theo vũ khí.

Nó có thể khởi động và phóng tên lửa trong trạng thái cao siêu âm, trong khi đó máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Mỹ lại cần giảm tốc độ rồi mới tiếp tục phóng tên lửa.

Ba là, giá thành tương đối thấp. T-50 tránh áp dụng diện kiểm soát quá nhiều gây phức tạp hơn cho kết cấu máy bay, số lượng linh kiện giảm mạnh, đã giảm rất nhiều trọng lượng cho máy bay. T-50 đã từ bỏ tính năng tàng hình nhất định, chi phí bảo trì kỹ thuật tương đối thấp, đã giảm thấp chi phí chế tạo máy bay.

Dự kiến chi phí chế tạo hàng loạt T-50 trong tương lai khoảng 80-100 triệu USD, bằng 60% chi phí chế tạo F-22. Do giá khá rẻ, Ấn Độ có kế hoạch mua 250 chiếc.

Ngoài ra, T-50 cũng có điểm độc đáo trên thiết kế khoang điều khiển. Thông qua trang bị hệ thống cấp dưỡng khí và ghế phóng kiểu mới, đã làm giảm sự tác động của trọng lực cao đối với phi công, có thể nâng lớn độ thoải mái, dễ chịu cho phi công, làm cho họ chuyên tâm vào thực hiện nhiệm vụ chiến thuật.

F-22 phát triển sớm hơn T-50 tới 20 năm, có độ hoàn thiện công nghệ lớn
F-22 phát triển sớm hơn T-50 tới 20 năm, có độ hoàn thiện công nghệ lớn

Mặc dù việc nghiên cứu chế tạo và bay thử T-50 muộn hơn so với máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Mỹ, có “ưu thế hậu sinh” nhất định, nhưng trên nhiều mặt, T-50 vẫn lạc hậu so với máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của quân Mỹ.

Thứ nhất là thua kém về thiết bị điện tử hàng không. Thiết bị điện tử hàng không luôn là điểm yếu của máy bay chiến đấu do Nga chế tạo. T-50 sử dụng hệ thống radar tiên tiến có thể phát hiện mục tiêu ngoài 400 km, có thể đồng thời bám theo 60 mục tiêu trên không và tấn công 16 mục tiêu trong số đó.

Trên máy bay đã trang bị hệ thống đối kháng và trinh sát vô tuyến điện kiểu mới, có thể phát hiện kẻ thù và gây nhiễu trong khi không để lộ bản thân. Việc chỉ huy kiểm soát máy bay của phi công cũng đã hoàn toàn thực hiện số hóa.

Nhưng, T-50 còn thiếu hệ thống thông tin tổng hợp thông minh cao, thiết bị chống gây nhiễu tự động và hệ thống kiểm soát tự động theo yêu cầu của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. So với “hệ thống RF tổng hợp đa chức năng” của F-35 quân Mỹ, T-50 còn thiếu khả năng tự vệ với đầy đủ băng tần.

Công tác phát triển chiến đấu cơ T-50 còn chịu chi phối bởi nhiều nhân tố
Công tác phát triển chiến đấu cơ T-50 còn chịu chi phối bởi nhiều nhân tố

Thứ hai là khả năng tàng hình không đủ. Khả năng tàng hình đối với radar là tính năng cơ bản cần có của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, T-50 chỉ đảm bảo được một phần tính năng này.

T-50 áp dụng công nghệ tàng hình plasma, đầu, khoang, cánh và ống nạp của máy bay đều đã áp dụng thiết kế hình dáng độc đáo, khoang vũ khí cũng áp dụng phương thức lắp đặt bên trong, giúp cho mặt cắt phản xạ của radar chỉ là 0,5 m2, nhưng khả năng tàng hình của nó vẫn rõ ràng thua kém F-22. Cùng một bộ radar, khoảnh cách bộc lộ của T-50 gấp đôi F-22.

Thứ ba là trình độ động cơ thấp hơn. T-50 hiện vẫn sử dụng động cơ 117S, tính năng thấp hơn F119 của F-22.

Nhìn vào chỉ tiêu hiện nay, hai chỉ tiêu gồm lực đẩy trung gian và lực đẩy tăng tối đa (chế độ đốt tăng lực) đều thấp hơn động cơ phản lực F119 của máy bay F-22, vì vậy T-50 kém F-22 về tỷ lệ đẩy (tỷ lệ giữa lực đẩy và trọng lượng).

Theo quan điểm của Nga, động cơ trang bị thực sự cho T-50 phải là động cơ phản lực 129, tính năng của nó tương đương F119, nhưng động cơ này còn đang nghiên cứu chế tạo.

Động cơ F119 trang bị cho máy bay chiến đấu F-22 Mỹ
Động cơ F119 trang bị cho máy bay chiến đấu F-22 Mỹ

Thứ tư là độ hoàn thiện công nghệ chưa đủ. Máy bay chiến đấu kiểu mới hoàn thiện phải có thời gian đủ dài. F-22 bay thử lần đầu tiên sớm hơn T-50 tới 20 năm, Mỹ bỏ ra thời gian 20 năm đó để phát hiện và giải quyết những vấn đề phát sinh.

Cho dù như vậy, F-22 vẫn buộc phải dừng bay do thiết bị khí ô-xi xảy ra sự cố, F-35 Lightning II cũng từng dừng bay toàn diện do sự cố hệ thống động lực.

Trong khi đó, độ hoàn thiện công nghệ của T-50 kém hơn. Trong lần bay thử biểu diễn năm 2011, nó từng buộc phải dừng bay do động cơ phun lửa, khiến cho Nga tương đối lúng túng.

Thứ năm là quy mô trang bị tương đối nhỏ. Chi phí cao của F-22 khiến cho quân Mỹ khó mua sắm lượng lớn, nhưng F-35 lại áp dụng một mô hình nghiên cứu phát triển hoàn toàn mới, tổng cộng có 8 đồng minh tham gia nghiên cứu chế tạo, dự kiến thị trường có nhu cầu 4.000 chiếc. Còn T-50 hiện có thể dự đoán, số lượng trang bị tổng cộng là 600 chiếc.

Vì vậy, T-50 mặc dù có thể vượt máy bay F-22, F-35 về một số tính năng, nhưng về chỉ tiêu tính năng tổng hợp, rất khó trội hơn toàn diện so với máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của quân Mỹ.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-35B/C của Mỹ
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35B/C của Mỹ


Đông Bình (nguồn báo Thanh niên Tham khảo, TQ)