Chưa thu phí giao thông: "Bộ trưởng Đinh La Thăng đã biết lắng nghe"?

04/04/2012 06:58
Hải Phong (Tổng hợp)
(GDVN) - Trước làn sóng phản đối về các lọai phí giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có động thái kịp thời, đó là chưa thu phí trong năm nay. “Thu phí không thể làm người ta ít đi xe”... là những tin bài nóng xung quanh vấn đề thu phí giao thông.

Bộ trưởng Thăng biết lắng nghe?

Trên tờ báo Dân trí đưa tin, trước làn sóng phản đối về các lọai phí giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có động thái kịp thời, đó là chưa thu phí trong năm nay.

Có người cho rằng ông Thăng đã biết lắng nghe dân. Nhưng cũng có ý kiến ngược lại, đây là kế hoãn binh để xoa dịu dư luận. Đưa ra một chính sách gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của toàn xã hội mà không biết dừng lại thì hóa ra quá coi thường dân. Một chính khách cấp bộ trưởng đủ khôn ngoan để biết cần phải làm gì trong lúc này.

Bộ trưởng Đinh La Thăng tại buổi họp báo chiều 3/4. Ảnh: Tuấn Phùng/ Tuổi trẻ
Bộ trưởng Đinh La Thăng tại buổi họp báo chiều 3/4. Ảnh: Tuấn Phùng/ Tuổi trẻ
Nhưng điều mà người dân chờ đợi không phải là tạm hoãn thu phí trong năm 2012, mà là sự tỉnh táo trong việc đưa ra các chính sách cũng như những mệnh lệnh của ông Bộ trưởng. Bởi vì, với cương vị của ông, một quyết định có sự ảnh hưởng đến toàn xã hội, không thể không tính toán cẩn trọng. Việc đưa ra chính sách đúng đắn hay sai lầm không chỉ là uy tín của cá nhân một Bộ trưởng mà là uy tín của Chính phủ.
Bộ trưởng Thăng được ghi nhận là người xông xáo, nhiều sáng kiến và có khát vọng làm chuyển đổi bộ mặt giao thông của nước nhà. Những cố gắng của ông thật đáng quý, nhưng nếu trái tim nhiệt huyết đó có được sự đồng hành của những chính sách phù hợp thì việc lớn mới thành.
Để có những chính sách phù hợp cần phải biết quan sát và lắng nghe tiếng nói phản biện, xây dựng của nhân dân, và càng phải khiêm tốn để tiếp nhận trí tuệ từ nhân dân. Chỉ riêng về vụ thu phí, báo chí đã đưa ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, bạn đọc khắp cả nước, đã đủ để cho Bộ trưởng Bộ GTVT đủ thông tin để xử lý và đưa ra những quyết định đúng đắn, phù hợp với lòng dân và có hiệu quả về quản lý.
“Thu phí không thể làm người ta ít đi xe”

"Với phương tiện công cộng hiện nay, thu phí xe cá nhân không thể làm người ta ít đi xe, giảm ùn tắc. Tăng thu phí chỉ tiếp tục làm giảm thu nhập và tăng thêm bức xúc của dân", cựu đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết phân tích trên VnExpress.

Đánh giá về mối tương quan giữa thu phí và hiệu quả giảm ùn tắc, ông Thuyết nhận định: Bộ trưởng cho rằng thu thật nhiều phí thì sẽ hạn chế được xe cá nhân, từ đó giảm tắc đường. Nhưng tôi cho rằng không thể làm được điều đó, bởi điều kiện tiên quyết để giảm ùn tắc là phát triển phương tiện giao thông công cộng và đường giao thông, chứ không phải là tăng thu phí.

Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Nguyễn Minh Thuyết cho rằng thu thêm các loại phí giao thông không thể giải quyết được nạn ùn tắc giao thông. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Nguyễn Minh Thuyết cho rằng thu thêm các loại phí giao thông không thể giải quyết được nạn ùn tắc giao thông. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Thu phí không thể làm người ta ít đi xe. Điều này giống như có tăng học phí, tăng viện phí thì người dân cũng phải cố, chỉ trừ những người quá nghèo khó mới cho con nghỉ học hoặc nằm nhà chờ chết. Nhưng Nhà nước ta đâu có bỏ mặc dân như thế. Thế nên việc tăng các khoản phí giao thông chẳng giải quyết được gì. Làm cho dân khó khăn khi lưu thông trên đường, tôi nghĩ đó không phải là điều Bộ trưởng Thăng mong muốn. 

Ông nói thêm "Bộ trưởng Thăng là người sốt sắng lo giải quyết công việc, dám hành động dám chịu trách nhiệm. Tôi từng lên tiếng ủng hộ ông và mong muốn các bộ trưởng khác cũng hành động quyết liệt hơn. Chỉ có điều, làm gì cũng phải nghĩ cho sâu, nhìn cho xa. Chính sách đề ra phải hợp lý, hợp tình. Ép dân không phải là cách phục vụ dân. So sánh với các nước, phải thấy hạn chế, yếu kém ở nước mình là hạn chế, yếu kém của Nhà nước, đừng giải quyết bằng cách trút thêm gánh nặng cho dân".
Họp HĐND TP Hà Nội: Chưa xem xét việc thu phí ra vào nội ô giờ cao điểm

Nguồn tin trên báo Tuổi trẻ cho hay, hôm nay 3/4, kỳ họp thứ 4 HĐND TP Hà Nội khóa XIV khai mạc. Dự kiến kỳ họp kéo dài đến ngày 5/4.

Ông Lê Văn Hoạt, phó chủ tịch HĐND TP Hà Nội, cho biết trong ba ngày làm việc, HĐND TP sẽ cho ý kiến về các đồ án quy hoạch giai đoạn 2020, tầm nhìn 2030 bao gồm: quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo; quy hoạch mạng lưới trường học của TP; quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế; quy hoạch phát triển công nghiệp; quy hoạch phát triển thương mại; quy hoạch phát triển nông nghiệp và chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển nông nghiệp, huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới.

“Hiện nay có rất nhiều quy hoạch của thủ đô đang cần HĐND cho ý kiến, vì vậy trọng tâm của kỳ họp lần này sẽ bàn sâu về các quy hoạch ngành. Vấn đề liên quan đến phí ra vào nội ô trong giờ cao điểm không được HĐND TP đưa vào chương trình làm việc kỳ này”- ông Hoạt cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Hoạt, trong chương trình của kỳ họp, HĐND cũng sẽ dành thời gian vào cuối kỳ để Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo thông tin thêm về các vấn đề đang được người dân quan tâm.

Nhân dân sẽ là người quyết định

Báo An ninh thế giới nhận định, chủ trương thu phí mới đây của Bộ GTVT đề xuất đã gây xáo trộn không nhỏ về tâm lý đối với những người đang sở hữu một chiếc xe cho gia đình ngay từ khi nó bắt đầu được nhen nhóm từ ý tưởng. 

Theo số liệu thống kê của Bộ GTVT đưa ra, số lượng ôtô chịu tác động của chính sách thu phí phương tiện cá nhân sẽ rơi vào khoảng hơn 600 nghìn xe, tương ứng với ngần ấy chủ phương tiện. Cũng theo đánh giá của Bộ này, các xe này phần lớn được sử dụng cho mục đích cá nhân nên về cơ bản việc thu phí không làm ảnh hưởng đến giá cả thị trường, giá thành hoạt động sản xuất, kinh doanh(?!).

Nhiều phản hồi lập tức cho rằng cách lập luận kiểu "một cộng một bằng hai" này là không phù hợp với thực tế. Phân tích cho thấy, chiếc xe ôtô cho đến nay vẫn là cả một giá trị lớn đối với nhiều gia đình. Sự tồn tại của nó có ảnh hưởng không nhỏ đến những quyết sách, chi tiêu của gia đình ấy. Như một nhà văn nổi tiếng rất "yêu" chiếc vôlăng từng bàn rằng, chiếc xe ôtô, đối với nhiều gia đình Việt hiện nay là cả một niềm đam mê, sự cố gắng lớn. Bởi thế, sự tồn tại của nó sẽ tác động cụ thể tới các thành viên trong gia đình, những người sử dụng nó: Có đi hay là không? Đi như thế nào? Làm gì? Ở đâu? Người đứng tên chủ sở hữu chiếc xe lúc này thực ra chỉ mang tính ước lệ. Thế nên một lập luận quá "giản tiện" đối với vấn đề gắn đến tập quán sinh hoạt cũng như điều kiện kinh tế của nhiều gia đình như thế được cho là sẽ rất dễ dẫn đến ngộ nhận.

Cơ sở nào để đưa ra mức phí cho phù hợp?
Cơ sở nào để đưa ra mức phí cho phù hợp?

Bên lề hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông quý I/2012 mới đây, Phó thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ lấy ý kiến nhân dân về chủ trương thu phí lưu hành phương tiện cá nhân này. "Mọi quyết định quan trọng liên quan tới nhân dân đều phải lấy ý kiến nhân dân. Những chủ trương, biện pháp đưa ra cũng để phục vụ nhân dân. Cụ thể như thế nào thì nhân dân sẽ quyết định thông qua Quốc hội và Chính phủ", Phó thủ tướng nói. 

Trong lúc mọi sự đang rối bời thì thông tin trên đã làm cho nhiều người đang sở hữu xe hơi ở mức độ trung bình khá tạm thở phào. Kèm đó là mong muốn họ sẽ trở thành một trong những người được trực tiếp đóng góp, tham gia ý kiến về vấn đề này.
Hải Phong (Tổng hợp)