Chuyện chưa biết về ca sinh non 1,2kg phải thuê máy bay

14/04/2012 06:52
Cao Nguyên – Hoàng Lâm
(GDVN) - Nếu không có được một chiếc lồng ấp đặc biệt, nguồn điện “đặc biệt” và hội chẩn từ xa liên tục có lẽ cháu Dũng khó lòng qua khỏi.

Đến nay, cháu Cao Trung Dũng, cháu bé trong ca sinh non đặc biệt được chuyển bằng máy bay và ô tô từ Lai Châu về Hà Nội đã tròn ba tháng rưỡi tuổi và nặng gần 4kg. Mặc dù so với những cháu bé bình thường cháu có nhỏ hơn đôi chút nhưng như vậy đã là cả một kì công của các bác sĩ và gia đình cháu.

Phép màu kì diệu

Hàng ngày phải tiếp xúc với rất nhiều ca trẻ sơ sinh nhưng nhắc đến trường hợp của cháu Cao Trung Dũng, Lai Châu, bác sĩ Lê Tố Như - Phó trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện Nhi trung ương nhớ ngay và không khỏi xúc động khi cho biết, chính chiếc lồng ấp đặc biệt là một trong những phép màu kì diệu trong suốt chuyến hành trình 500km từ Lai Châu về Hà Nội đã cứu sống cháu Dũng...

Trước cháu Dũng, ở Việt Nam chưa có trường hợp nào được vận chuyển bằng cả đường hàng không và đường bộ như vậy và đặc biệt chỉ có những bệnh viện quốc tế mới trang bị xe chuyên dụng có lồng ấp. Còn lại chuyển cấp cứu xa thường chỉ dùng phương án "mẹ bồng con" nên sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc cấp cứu cho các cháu.

Tuy nhiên, bé Cao Trung Dũng, chào đời khi kim đồng hồ sắp chuyển sang ngày mới của năm mới: 1-1-2012, còn có một may mắn mà không phải gia đình nào cũng lo được đó là gia đình cháu có đủ khả năng để bằng mọi giá đưa cháu về Hà Nội trong khoảng thời gian ngắn nhất kể cả bằng đường hàng không.

Trước đó, sau 3 ngày tuổi điều trị ở bệnh viện Lai Châu, bé Cao Trung Dũng khi vận chuyển đến bệnh viện Nhi trung ương thì cân nặng 1.2kg. Với cân nặng và tình trạng nguy cấp như vậy, phía bệnh viện Lai Châu đã bắt buộc phải đưa cháu Dũng về bệnh viện Nhi trung ương.

Không chỉ thế, trong suốt quá trình chuyển cháu Dũng về Hà Nội bằng đường bộ sau khi đi đường hàng không bất thành, ngoài việc có một lồng ấp đặc biệt trên xe còn có một bác sĩ cùng một người trợ giúp. Liên lạc giữa bác sĩ của bệnh viện Lai Châu đi kèm với bệnh viện Nhi trung ương luôn được thông suốt để kịp thời hội chẩn từ xa bằng điện thoại.

Cháu Cao Trung Dũng ngoài cùng bên phải trong vòng tay người thân
Cháu Cao Trung Dũng ngoài cùng bên phải trong vòng tay người thân

Đưa được cháu Dũng về Hà Nội, ngoài các trang thiết bị kỹ thuật còn có một yếu tố vô cùng quan trọng đó là nguồn điện cho lồng ấp của cháu Dũng. Theo các cán bộ kỹ thuật của Bệnh viện tỉnh Lai Châu, lồng ấp chỉ hoạt động với nguồn điện 220V, trong khi máy bay và ôtô chỉ có nguồn điện rất hạn chế, không thể sử dụng để chạy lồng ấp được. Gia đình cháu Dũng ngay lập tức đã tìm người “chế” nguồn điện từ ăc quy để có thể có nguồn điện dùng suốt quãng đường gần 10 tiếng đồng hồ.

Thông thường, nếu một đứa trẻ đến bệnh viện Nhi với tình trạng hạ thân nhiệt, nhiệt độ dưới 35 độ, người tím tái do vận chuyển trên đường xa và nhiễm khuẩn nặng thì việc điều trị hồi phục rất khó khăn cho dù có các bác sĩ giỏi đến mấy.

Không phát hiện sớm cháu bé có thể bị mù

Bác sĩ Như cũng cho biết, sinh non thì dễ mắc bệnh võng mạc, rất may là với trường hợp của cháu Dũng, các bác sĩ đã phát hiện kịp thời và gửi xuống khoa mắt để tiêm thuốc và điều trị, nếu trường hợp này mà không phát hiện sớm thì sẽ dẫn đến mù.

Hiện tại, khi cháu quay lại khám gần đây nhất, mắt cháu bé đã bình thường như những đứa trẻ khác.

Thậm chí, đã có lúc các bác sĩ  “hết hồn” khi cháu Dũng có dấu hiệu hồi phục và đã bỏ được thở oxy được vài ngày nhưng đột nhiên mũi cháu lại có vấn đề và lại phải nằm lồng ấp.

Là người chăm sóc bé từ khi nhập viện đến ra viện bác sĩ Như tâm sự, mới đầu khi nhận một ca như thế này thì rất lo lắng, hy vọng là rất thấp.

Nhìn cậu bé gần 4 tháng tuổi dang rộng tay chân quẫy đạp tưng bừng, khó ai tin hơn ba tháng trước, cả gia đình đã chết lặng khi bé đột ngột chào đời lúc chưa tròn tuần thai 27, nặng vỏn vẹn 1,2kg, suy hô hấp cấp...

“Nếu được người nhà chăm sóc tốt, đúng quy trình của bệnh viện trong thời gian đầu thì không khác gì đứa trẻ sinh đủ ngày đủ tháng”, bác sĩ Như khẳng định.

Cao Nguyên – Hoàng Lâm