Chuyên gia Trung Quốc: Iran không thể đánh lại Anh, Mỹ

02/01/2012 14:54
Đông Bình (Theo báo Phương Đông)
(GDVN) - Nếu Iran phong tỏa eo biển Hormuz, Mỹ và phương Tây sẽ chịu nhiều thiệt hại, giá dầu có thể tăng vọt lên 500 USD/thùng.

Ngày 24/12/2011, khi các nước phương Tây đang trải qua một đêm an lành, Iran đã lựa chọn ngày này để tặng một “lễ vật” đau đầu, đó là cuộc tập trận trên biển quy mô lớn, diễn ra trong vòng 10 ngày, mang tên “Velayat-e 90”.

Cuộc tập trận này có 2 điểm lớn đáng chú ý: một là, khu vực tập trận rộng, hai là, Iran phô diễn nhiều loại vũ khí mới. Một điều đáng chú ý nữa là, địa điểm tập trận là khu vực nhạy cảm eo biển Hormuz.

Một câu hỏi được đặt ra là, trong khi bị bao vây trừng phạt do vấn đề hạt nhân, tại sao Iran lại chủ động gây ra tranh cãi? Iran tạo ra được mối đe dọa cho Mỹ trên phương diện nào? Nếu phô trương tập trận có làm bùng phát chiến tranh hay không?

Eo biển Hormuz có vị trí chiến lược ở khu vực Trung Đông
Eo biển Hormuz có vị trí chiến lược ở khu vực Trung Đông

Kiểm tra nhiều loại vũ khí mới

Tư lệnh Hải quân Iran Habibollah Sayyari cho biết: Cuộc tập trận này chia làm 4 giai đoạn chính, khu vực tập trận bắt đầu từ eo biển Hormuz, bao trùm sang phía đông – vịnh Oman, cho tới vịnh Aden và vùng biển phía bắc Ấn Độ Dương, khu vực dài tới hơn 2.000 km, là cuộc tập trận có khu vực rộng nhất từ trước đến nay của Hải quân Iran.

Quân đội Iran cho biết, cuộc tập trận này là nhằm kiểm tra tập trung đối với hiện đại quân sự của Iran, kiểm tra nhiều loại tên lửa và ngư lôi do Iran tự sản xuất, còn chiếc tàu khu trục cỡ lớn đầu tiên Jamaran của Iran, tàu chiến Tarik và Kadir, nhiều máy bay không người lái đều tham gia cuộc tập trận.

Sayyari cho biết, tàu Jamaran số 2 là tàu khu trục nội địa cỡ lớn đang được Hải quân Iran chế tạo, có khả năng phòng thủ ba chiều trên không-trên mặt nước-dưới mặt nước, đồng thời còn có thể mang theo máy bay trực thăng và tiếp dầu cho nó.

Chiếc Jamaran đầu tiên đang tham gia tập trận, hạ thủy vào tháng 9/2010, lượng choán nước là 1.420 tấn, tốc độ tối đa là 56 km/h, trên tàu có trang bị tên lửa chống hạm, tên lửa hạm đối không và hệ thống radar tiên tiến.

Iran thử nghiệm nhiều loại vũ khí mới trong cuộc tập trận trên biển lần này. Trong hình là tàu khu trục Jamaran của Iran
Iran thử nghiệm nhiều loại vũ khí mới trong cuộc tập trận trên biển lần này. Trong hình là tàu khu trục Jamaran của Iran

Ngoài ra, Iran có rất nhiều loại tên lửa tầm ngắn, một số tên lửa có tầm phóng bao trùm Israel và các căn cứ quân sự của Mỹ ở khu vực Trung Đông. Iran cảnh báo, nếu Mỹ và Israel tiến hành tấn công các cơ sở hạt nhân của họ, Iran sẽ báo thù.

Phong tỏa eo biển Hormuz?

Từ khi Iran chủ động công bố máy bay không người lái RQ-170 bị rơi của Mỹ cho đến cuộc tập trận hiện nay, Iran rõ ràng muốn dâng 1 món quà Giáng sinh “không ngon” cho các nước trừng phạt họ. Điều đặc biệt đáng chú ý là, địa điểm tập trận lại ở vùng biển nhạy cảm – eo biển Hormuz.

Ngày 22/12/2011, Tư lệnh Hải quân Iran Habibollah Sayyari cho biết: “Không loại trừ khả năng cuộc tập trận này tập luyện phong tỏa eo biển Hormuz”. Phong tỏa eo biển Hormuz rõ ràng là một hành động rủi ro cao và đầy biến số, cũng là nguyên nhân quan trọng khiến cho cả thế giới chú ý tới cuộc tập trận lần này của Iran.

Có nghị sĩ Iran từng cho biết, có phong tỏa eo biển Hormuz hay không phụ thuộc vào tình hình khu vực, nếu những nước nào đó tiến hành trừng phạt dầu mỏ đối với Iran, khiến cho Iran không thể xuất khẩu dầu mỏ, Iran có quyền áp dụng biện pháp đối phó.

Răn đe bên ngoài, hội tụ lòng dân

Theo chuyên gia Trung Quốc Doãn Trác, cuộc tập trận này có ý đồ chính là: thể hiện thái độ cứng rắn đối với bên ngoài, chủ yếu là nhằm vào Mỹ và phương Tây, ngoài ra còn có hiệu quả tuyên truyền ở trong nước, đó là hội tụ lòng dân. Sở dĩ như vậy là do Iran thử rất nhiều tên lửa, tất cả những tàu chiến mới cơ bản đều được phô diễn.

Trước đây họ thường ít phô trương hơn, trước khi đối phương muốn sử dụng vũ lực, Iran thường giữ bí mật thích hợp đối với sức mạnh quân sự của mình. Nhưng hiện nay, tất cả cơ bản đều được phô diễn, như những tàu ngầm mới, gồm tàu ngầm cỡ nhỏ, một số thuyền “xung phong” mang theo tên lửa cỡ nhỏ, tàu khu trục cỡ lớn mới.

Tàu khu trục phóng tên lửa
Tàu khu trục phóng tên lửa
Iran cũng muốn tạo hiệu quả về đối nội, chẳng hạn tàu khu trục 1.400 tấn, họ tuyên truyền tàu khu trục cỡ lớn lần đầu tiên phô diễn. Nhưng trọng tải như vậy thì sao bằng tàu hộ tống FFG-7 hơn 3.000 tấn đã nghỉ hưu của Mỹ, mà tàu hộ tống của Trung Quốc hoạt động ở vịnh Aden cũng hơn 4.000 tấn, gấp 3 lần tàu của Iran.
Điều này chắc chắn không phải nhằm vào Mỹ. Nhưng điều này lại có tác dụng lôi kéo lòng người, thể hiện thái độ cứng rắn, nhất là khi trong nội bộ Iran cũng có những quan điểm bất đồng.

Iran có thực lực phong tỏa eo biển Hormuz hay không?

Doãn Trác cho rằng, nói chung, Iran không có khả năng phong tỏa eo biển Hormuz lâu dài, vì đối thủ của họ là Mỹ và phương Tây.

Nếu Iran ra tay trước, Iran sẽ làm “tắc nghẽn” eo biển Hormuz trong thời gian ngắn, như dùng thủy lôi, tàu cá hoặc tàu thương mại, bí mật rải mìn trong tình hình bên ngoài không biết rõ tình hình, từ đó làm cho tàu chiến cỡ lớn, tàu thương mại cỡ lớn, tàu chở dầu hàng chục nghìn tấn sẽ bị chìm do va phải đá ngầm hoặc ngư lôi. Rõ ràng, Iran có thể làm tắc nghẽn eo biển Hormuz.

Nếu chiến tranh do Mỹ và phương Tây phát động, trước khi phát động thì Mỹ và phương Tây đầu tiên sẽ tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, tiếp theo sẽ tấn công triệt tiêu lực lượng, vũ khí có thể phong tỏa vận tải biển ở eo biển Hormuz. Iran về cơ bản không thể đánh trả. Đối với tàu thương mại cỡ lớn thì Iran có thể tiêu diệt trong thời gian ngắn, nhưng về lâu dài sẽ không có khả năng này.

Quy mô tập trận lớn
Quy mô tập trận lớn

Khi chiến tranh xảy ra, Iran sẽ lấy các giếng khoan làm nơi tác chiến, triển khai tên lửa, pháo, từ đó quân Mỹ phải tiến hành thu thập, nhận biết và triệt tiêu các loại tên lửa ở khu vực này.

Ngoài ra, Iran có thể tiến hành cuộc chiến đánh úp tàu thương mại, không tấn công tàu chiến, làm cho giá vận chuyển và chi phí bảo hiểm của tàu thương mại lên rất cao.

Phong tỏa eo biển Hormuz là một con dao hai lưỡi

Theo chuyên gia Doãn Trác, phong tỏa eo biển Hormuz sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lòng tin của nền kinh tế thế giới, đây là một con dao hai lưỡi. Bởi vì, eo biển Hormuz là một tuyến đường hàng hải quốc tế, tiến hành tập trận phong tỏa eo biển Hormuz là không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Cho đến bây giờ, giá dầu đã tăng cao, phong tỏa trong 1 tháng có thể tăng lên đến 500 USD/thùng dầu. Đây là một cuộc tấn công mạnh mẽ đối với nền kinh tế thế giới. Đây là một con dao hai lưỡi, không chỉ đối với phương Tây, đối với Iran cũng vậy, kinh tế Iran sẽ sụp đổ, bởi vì Iran chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu mỏ.

Mỹ sẽ chịu nhiều thiệt hại khi eo biển Hormuz bị phong tỏa

Eo biển Hormuz là tuyến đường hàng hải quan trọng nối liền vịnh Péc-xích với vịnh Oman, gần 40% dầu mỏ và nhiều khí đốt phải đi qua eo biển này để đến với các khu vực trên thế giới.

Phương Tây phải phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ Trung Đông đi qua eo biển Hormuz. Còn Iran lại nằm ở vị trí then chốt trấn giữ eo biển Hormuz, vì vậy tuyến đường biển hẹp này trở thành “chủ bài” đối phó với phương Tây của Iran.

Tên lửa phóng tới mục tiêu
Tên lửa phóng tới mục tiêu

Một bản báo cáo của Think Tank Mỹ cho rằng, eo biển Hormuz “khó có thể đánh giá được tầm quan trọng đối với lợi ích quân sự và kinh tế của Mỹ”. Các chuyên gia dự đoán, nếu Iran phong tỏa eo biển Hormuz 30 ngày, giá dầu quốc tế sẽ đội lên 300-500 USD/thùng, Mỹ sẽ bị thiệt hại khoảng 75 tỷ USD.

Lý do tập trận trong thời điểm nhạy cảm

Từ tháng 10/2011 đến nay, quan hệ giữa Iran và phương Tây xấu đi nhanh chóng. Trước hết là Mỹ chỉ trích nhà cầm quyền Iran bị tình nghi tham gia ám sát Đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ, tiếp theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đưa ra một báo cáo mới nhất chỉ trích Iran từng bí mật nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân; Mỹ, Anh, Canada và EU tuyên bố tiến hành đợt trừng phạt đơn phương mới đối với Iran.

Sau đó, Iran đã giảm cấp quan hệ ngoại giao với Anh, tuyên bố bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ. Vừa qua còn để xảy ra sự kiện người dân đập phá Sứ quán Anh.

Máy bay không người lái RQ-170 Mỹ bị Iran bắn hạ
Máy bay không người lái RQ-170 Mỹ bị Iran bắn hạ

Các nhà quan sát cho rằng, Iran lựa chọn thời điểm và khu vực nhạy cảm tiến hành tập trận nhằm tập trung phô diễn với phương Tây về sức mạnh của quân đội và khả năng phòng thủ trên vùng biển quốc tế của Iran, đưa ra một thông điệp “Iran đã chuẩn bị tốt ứng chiến bất cứ lúc nào”, cảnh báo phương Tây không nên manh động.

Khả năng xảy ra chiến tranh từ sự đối đầu Mỹ-Iran

Công tác chuẩn bị tấn công quân sự Iran của Mỹ còn chưa đến nơi, trong ngắn hạn Mỹ, Iran đều “ném chuột sợ vỡ đồ” đối với xung đột quân sự.

Nhà nghiên cứu Marandi – Viện nghiên cứu Bắc Mỹ và châu Âu – Đại học Tehran nhấn mạnh, Mỹ và Israel không dám sử dụng vũ lực, bởi vì một khi xảy ra chiến tranh, toàn bộ Trung Đông sẽ rơi vào biển lửa, “tất cả các cơ sở dầu khí, tàu chở dầu và đường ống dẫn dầu ở Trung Đông đều bị phá hủy triệt để”. Các phân tích cho rằng, Iran cũng sẽ không có hành động quá khích trong cuộc tập trận này.

Đối phó của Mỹ và phương Tây

Ngày 28/12/2011, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ George Little nhấn mạnh, bất cứ hành vi phá hoại nào đối với eo biển Hormuz đều không thể cho phép. Ngoài ra, Mỹ cũng điều tàu sân bay John C. Stennis chạy qua eo biển Hormuz.

Còn Liên minh châu Âu nhấn mạnh, sẽ tiếp tục thúc đẩy đợt trừng phạt mới đối với Iran.

Báo chí Canada cho rằng, Iran bất ngờ tổ chức tập trận đã làm gia tăng rủi ro “va chạm quân sự” với Mỹ, bởi vì Hạm đội thứ 5 của Mỹ đóng ở Bahrain. Hạm đội này cho biết, sẽ không có xung đột quân sự.

Tàu sân bay CVN-74 John C. Stennis xuất hiện tại eo biển Hormuz
Tàu sân bay CVN-74 John C. Stennis xuất hiện tại eo biển Hormuz

Theo các chuyên gia, sau khi Mỹ rút quân toàn bộ khỏi Iraq, Iran trở thành mối đe dọa lớn của Mỹ tại khu vực Đại Trung Đông. Vì vậy, Mỹ một mặt không ngừng tuyên truyền mối đe dọa hạt nhân của Iran, mặt khác không ngừng kiềm chế Iran trên các phương diện chính trị, kinh tế, quân sự và luật pháp.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Dempsey gần đây đều tuyên bố, nếu Iran cố tình phát triển vũ khí hạt nhân, Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ lực để giải quyết.

Dương Đông kích Tây tấn công Iran?

Năm 2011, quân Mỹ rút khỏi Iraq, chuyển trọng tâm chiến lược tới châu Á. Có chuyên gia cho rằng, Mỹ đang áp dụng chiến lược dương Đông kích Tây, bề ngoài giảm binh lực ở Trung Đông, tăng cường triển khai ở Đông Á, nhưng thực chất lại tăng cường trinh sát quân sự và triển khai binh lực ở khu vực xung quanh Iran, đồng thời đẩy nhanh triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu.

Đối mặt với sức ép quốc tế ngày càng lớn, lần này Iran tập trận chắc chắn là sự đáp trả mạnh mẽ đối với các biện pháp trừng phạt đa phương của Mỹ. Cuộc tập trận rõ ràng phản ánh ý đồ của Iran: nếu Mỹ và Israel tấn công Iran, Iran sẽ phong tỏa eo biển Hormuz.

Mỹ tăng cường bố trí quân sự xung quanh Iran
Mỹ tăng cường bố trí quân sự xung quanh Iran
Đông Bình (Theo báo Phương Đông)