Clip mì Gấu đỏ: Độc giả từ xúc động rơi nước mắt đến phẫn nộ tím mặt

20/05/2012 06:52
Thành Chung (tổng hợp)
(GDVN) - Những ngày qua câu chuyện xung quanh đoạn clip quảng cáo mì Gấu đỏ cùng nhiều sự thật bị độc giả "phanh phui" như: việc độc giả cho rằng Clip quảng cáo mỳ Gấu đỏ: Bán hàng trên lòng trắc ẩn của cộng đồng, cậu bé Tuấn ung thư chỉ là 'diễn viên', bệnh nhân vẫn phải đóng tiền... đã gây nên những làn sóng trái chiều trong dư luận xã hội.
Những ngày qua, cư dân mạng và dư luận xã hội đang xôn xao về một đoạn clip quảng cáo của nhãn hiệu mì Gấu đỏ trong chương trình "Gấu đỏ - gắn kết yêu thương". 

Đoạn clip quảng cáo dài 44 giây được phát nhiều lần trên VTV, nói về hoàn cảnh của một cậu bé bị ung thư tên Tuấn, vì nhà nghèo, cha mẹ hết tiền chạy chữa cho em nên phải xin ra viện. Cảnh em chia tay với các bệnh nhân khác, với y tá, bác sĩ trên môi nở nụ cười thơ ngây, còn cha mẹ em thì không giấu được giọt nước mắt vì coi như tương lai của em sắp kết thúc… đã gây xúc động cho rất nhiều người xem truyền hình.
Từ những thông tin ban đầu trong bài viết trên Note Nguyen Quyet NL đã giúp "phanh phui" nhiều sự thật xung quanh đoạn clip quảng cáo và chương trình từ thiện của Gấu đỏ.
Từ những thông tin ban đầu trong bài viết trên Note Nguyen Quyet NL đã giúp "phanh phui" nhiều sự thật xung quanh đoạn clip quảng cáo và chương trình từ thiện của Gấu đỏ.

Thông điệp sau cùng của clip quảng cáo là nếu bạn mua một gói mì Gấu đỏ, bạn sẽ góp vào quỹ “gắn kết yêu thương” 10 đồng dành cho các trẻ em ung thư như Tuấn.
 
Xung quanh đoạn quảng cáo này đã có rất nhiều những ý kiến trái chiều, thậm chí cả những tranh luận gay gắt về những câu chuyện, sự thật đằng sau gói mì tôm mang nhãn hiệu Gấu đỏ.
Sau khi xem đi xem lại nhiều lần đoạn quảng cáo mì Gấu đỏ, trên Note của Facebook Nguyen Quyet NL, một bài viết khá dài đánh giá về đoạn clip quảng cáo cùng chương trình từ thiện mà Gấu đỏ đang thực hiện với những quan điểm cá nhân của tác giả. Chính những thông tin ban đầu trong bài viết này đã "khơi mào" cho một cuộc tranh cãi với rất các nhiều ý kiến khác nhau ngay tại trên Facebook cá nhân của anh và sau đó lan ra nhiều diễn đàn, mạng xã hội khác. Và cũng từ đây, nhiều sự thật xung quanh đoạn clip quảng cáo và chương trình từ thiện của Gấu đỏ đã bị "phanh phui"...Mất 3 năm ăn 1.000 gói mì Gấu đỏ để góp cho trẻ em 10.000 đồng'
Bên cạnh sự đánh giá cao về sự thành công của truyền thông từ đoạn clip, trong bài viết trên Note của Facebook Nguyen Quyet NL đã cho rằng, nếu mọi người tỉnh táo một chút, sẽ nhận ra, cái gọi là tấm lòng ở trong câu chuyện quảng cáo có giá quá rẻ mạt. Bạn mua mỳ tôm và nghĩ rằng, mình đang giúp đỡ trẻ em bất hạnh. Song bạn có đặt ngược lại câu hỏi: Phải mất bao lâu để mình có thể góp cho các cháu 10.000 đồng?Nếu mỗi ngày ăn 1 gói, bạn mất 30 năm mới góp được 100.000đ.

Nếu muốn góp 100.000 đồng, bạn phải mất 30 năm ăn mì gấu đỏ liên tục. Nếu muốn góp 1 triệu đồng, bạn phải ăn gấu đỏ tới 300 năm. Nghĩa là đến đời con, đời cháu mới ăn hết.
Xét về mặt Marketing và truyền thông, gấu đỏ quá thành công với thông điệp mạnh mẽ. Song ở một khía cạnh nào đó, mình thấy thật bất nhẫn. Vì gấu đỏ đã lợi dụng hình ảnh những mảnh đời bất hạnh của các em để thúc đẩy bán hàng- thúc đẩy bán hàng để tăng lợi nhuận, nói nôm na thì là kiếm tiền.  Để thành công trong chiến dịch Marketing này, gấu đỏ đã xuất hiện ở khắp nơi: liên tục trên VTV vào "giờ vàng" (có giá siêu cao), các quảng cáo khổ lớn, áp phích,... thậm chí là dán nửa thân xe buýt chạy khắp Hà Nội. Ai cũng có thể thấy, số tiền bỏ ra để quảng bá trên bằng nấy phương tiền phải mất rất nhiều tỷ đồng.  Trong video quảng cáo, không nói đến chất lượng của mỳ, cũng không nói sự khác biệt nào đó về sản phẩm mà chỉ đưa đến cho người ta một động lực để mua hàng là lòng trắc ẩn. Nghĩa là, khách hàng của Gấu đỏ, không chỉ là một khách hàng có nhu cầu ăn uống thông thường, mà còn là người có tấm lòng. Mục tiêu của chương trình này quá rõ ràng: khơi gợi lòng trắc ẩn để thúc đẩy bán hàng, dĩ nhiên, bán được càng nhiều càng tốt! Tác giả cũng phân tích, Nhiều bạn bè của mình comment trên Facebook, doanh nghiệp người ta làm ăn, tính toán đến lỗ lãi, còn vì cộng đồng là tốt quá rồi!. Của ít lòng nhiều, có còn hơn không. Quả đúng như thế! Của cho không bằng cách cho. Nhưng mọi người đang nhầm lẫn 1 điều: Trong quảng cáo này mì Gấu đỏ chưa giúp đỡ trẻ em bất hạnh trực tiếp, mà chỉ kêu gọi mọi người giúp đỡ trẻ em bất hạnh- Bằng cách mua mỳ gấu đỏ. Về logic, gấu đỏ đang kiếm tiền dựa trên những mảnh đời bất hạnh? Người ta thường gọi theo cách dân dã là “Lấy mỡ nó rán nó”. Nó- ở đây được hiểu là khách hàng. Có cách nào khôn ngoan hơn thế không? Khách hàng muốn giúp trẻ em nhiều thì phải mua thật nhiều mỳ, phải ăn thật nhiều Gấu đỏ...Ngay sau khi bài viết trên Note của Facebook Nguyen Quyet NL được đưa ra đã gây ra một cuộc tranh cãi của các cư dân mạng với rất nhiều ý kiến trái chiều nhau. "Có thể Gấu Đỏ đã đánh được vào lòng trắc ẩn, thương cảm của mọi người. Xem clip quảng cáo mình rất xúc động vì câu chuyện trong đó. Nhưng mà thật lòng, mình chưa ủng hộ Gấu đỏ 1 gói nào. Mình thà tặng các em bất hạnh cả 1 gói mỳ, chứ không tặng qua nhà sản xuất chỉ vì quảng cáo như thế này", nicknames Thuy Mai chia sẻ. Nicknames Lương Trà My cũng bày tỏ:  "Lần đầu em xem clip, đúng là rất xúc động, nhất là khi nhìn thấy hình ảnh người mẹ kìm nén giọt nước mắt. Nhưng lợi dụng lòng trắc ẩn của con người theo cách đó thì tệ quá".
Trong khi đó, không ít cư dân mạng lại bày tỏ sự ủng hộ với chương trình này và cho rằng số tiền bỏ ra từ mỗi gói mỳ là nhỏ nhưng đó cũng là một điều rất đáng quý mà doanh nghiệp đã trích ra để làm từ thiện."Kể cả doanh nghiệp lãi cao hay lãi thấp, miễn họ làm điều tốt cho xã hội là tốt rồi. Nếu họ không làm cũng đâu trách được họ vì đã đóng thuế cho nhà nước rồi. Chưa kể những trường hợp bệnh hiểm nghèo rất ít khi nhận được sự giúp đỡ vì nhiều người cho rằng dù sao cũng khó chữa, để số tiền đó cứu cho những trường hợp bệnh có khả năng sống cao hơn.

Nhưng thông điệp của chương trình này là chỉ cứu các em sống thêm hai tháng, ba tháng hay vài năm thì đó cũng là khoảnh khắc đáng nhớ và gia đình các em thì có niềm tin là khó khăn của mình được Cộng đồng chia sẻ.",
nicknames Bui Thi Thanh Vân viết.
Hàng loạt chuyên gia lên tiếng với clip quảng cáo mì Gấu đỏ Từ những thông tin ban đầu trong bài viết trên Note của Facebook Nguyen Quyet NL, trao đổi với PV báo Giáo dục Việt Nam sau đó, rất nhiều các chuyên gia đã bày tỏ những ý kiến, quan điểm để làm rõ nội dung, cách thực thực hiện chương trình từ thiện từ clip quảng cáo mì Gấu đỏ.
Đã có rất nhiều ý kiến trái chiều nhau xung quanh đoạn clip quảng cáo mì Gấu đỏ.
Đã có rất nhiều ý kiến trái chiều nhau xung quanh đoạn clip quảng cáo mì Gấu đỏ.


PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái (nguyên giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông, trường ĐH KHXH&NV – ĐHQGHN) đã thẳng thắn đánh giá: “Xem trong đoạn clip quảng cáo trên thì nhãn hàng Gấu đỏ đang tự lộ ra sự lố bịch của mình”.
Sự “lố bịch” của nhãn hàng Gấu đỏ theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái chính là việc làm marketing và truyền thông quá thành công với chiêu trò, thông điệp mạnh mẽ nhưng trong thực tế thì ngược lại. Nhận xét về cái kết của đoạn clip “Gấu đỏ gắn kết yêu thương”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng: “Đó đơn giản là cách PR quảng cáo của nhãn hàng Gấu Đỏ, không thể gắn việc sử dụng mỳ Gấu đỏ với chuyện làm từ thiện khi số tiền từ thiện chỉ là 10 đồng?”. Cái cách đưa thông tin của nhãn hàng Gấu đỏ theo PGS.TS Minh Thái đó không chỉ "đánh lạc  hướng" người tiêu dùng khi chọn mua mỳ Gấu đỏ.  Người tiêu dùng chọn sử dụng mì Gấu đỏ vì nghĩ mình đang giúp được rất nhiều cho các em nhỏ bất hạnh. “Cái cách làm ấy có thể khiến không ít gia đình có con em đang mặc bệnh hiểm nghèo, đang cần được xã hội quan tâm có thêm hy vọng, hy vọng ấy có thể dẫn đến thất vọng ngay lập tức...” – PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ thêm. Còn khi trao đổi với PV báo GDVN,  anh Trịnh Văn Thuận (Hà Nội), người chuyên đưa ra các ý tưởng cho các clip, slogan quảng cáo nhận xét: Nếu xem nội dung clip quảng cáo, người ta thừa biết nó chỉ là bề nổi bên ngoài, đằng sau đó, chúng ta phải xem cách mỳ gấu đỏ đối xử với bệnh nhân như thế nào, cứu giúp những trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo ra sao.  “Phải xem họ có thực tâm hay không, bởi lẽ với quảng cáo này, đôi bên sẽ cùng có lợi. Người bán tiêu thụ được nhiều hàng, còn người mua cũng đã chung tay giúp ích cho bệnh nhân hiểm nghèo...” – anh Thuận cho biết.Tiếp tục đánh giá về quảng cáo mì Gấu đỏ, ông Đỗ Gia Phan, nguyên Tổng thư ký hội Bảo vệ người Tiêu dùng Việt Nam cho rằng nội dung quảng cáo không ăn khớp gì với thực tế. Quảng cáo mỳ gói lại dựng lên cảnh quảng cáo những trẻ em bị ung thư. Nói một thôi một hồi lại hóa ra quảng cáo mì Gấu đỏ.  Trong khi đó, cái người tiêu dùng rất cần là thông điệp về dinh dưỡng cũng như nguồn gốc của sản phẩm thì bặt tăm không thấy nói gì đến. Ông Phan nhấn mạnh “Cách làm này rất dở. Có thể mì Gấu đỏ hứa với quỹ gì đó bán được gói mì sẽ trích ra 10 đồng/gói để hỗ trợ quỹ đó. Nhưng thực ra mỳ gấu đỏ mất một đồng nhưng lãi nhiều đồng. Nếu là lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của nhưng bệnh nhân ung thư đặc biệt là những bệnh nhi đang ngày đêm chống chọi lại với ung thư để làm hình ảnh quảng cáo tăng doanh thu cho mình, thực ra tôi thấy nó chẳng hiệu quả gì chỉ thấy phản cảm.”. Ông Phan còn đánh giá: Đứng ở góc độ doanh nghiệp, doanh nghiệp cứ nghĩ là hay nhưng thực ra chẳng hay ho gì. “Ngay cái anh làm từ thiện nhưng lại khoe mẽ tôi đang làm từ thiện đây thì cái đó chẳng còn ý nghĩa. Cái cho không quan trọng, quan trọng là bạn cho như thế nào”.  Của cho chỉ giá trị nhỏ nhưng thái độ như thế nào còn lớn hơn cho bao nhiêu. Thái độ làm cho người ta không thích vì ai cũng biết doanh nghiệp đang lợi dụng người ta bán hàng. Không phải doanh nghiệp cho để cho người nghèo mà anh đang cho để quảng cáo cho chính họ.Còn ông Trần Tuấn Anh, chuyên gia marketing, giảng viên trường Đại học Hà Nội đánh giá, nếu xét về góc độ tích cực thì mỳ gấu đỏ cũng là một doanh nghiệp có trách nhiệm cho cộng đồng. Mặc cách làm và số tiền trích ra cho công tác từ thiện theo như nhiều người đánh giá là chưa tưng xứng nhưng tối thiểu nhãn hàng cũng có trách nhiệm với cộng đồng. “Theo quan điểm cá nhân tôi, đúng là mỳ Gấu đỏ đưa ra thông điệp: ăn một gói mỳ là bạn đã góp 10 đồng cho bệnh nhân ung thư, thông điệp đó đã đánh mạnh vào lòng trắc ẩn của khách hàng nhưng cuối cùng chỉ quyên góp 10 đồng.  Có thể nói với thông điệp thì quá lớn nhưng đóng góp thì có phần chưa tương xứng với sự kêu gọi đó...mà có chăng chỉ là sự kêu gọi để nhằm bán được nhiều sản phẩm?”, Ông Tuấn Anh nhận định. Ông Tuấn Anh cũng như nhiều độc giả khá sửng sốt khi biết được nhân vật Tuấn trong clip là diễn viên đóng thế. Ông Tuấn Anh cho rằng: “Việc thuê diễn viên lấy nước mắt của khách hàng để kêu gọi làm từ thiện thì thật là việc làm đáng báo động. Giả sử em Tuấn đó là nhân vật thật, gia đình khó khăn, em phải từ bỏ việc chữa bệnh và được mỳ Gấu đỏ dùng tiền từ quỹ của mình để giúp đỡ em thì lại khác...Trong khi đó, ông Phạm Nguyễn, một chuyên gia nổi tiếng về lĩnh vực Marketing - quảng cáo hiện đang công tác tại một tập đoàn lớn ở Việt Nam cho rằng: “Về nguyên tắc làm quảng cáo họ không sai, không có luật nào cấm những việc làm như cách mà mì Gấu đỏ đang làm cả mặc dù nó rất phản cảm, nhưng việc lợi dụng, đánh vào lòng trắc ẩn của khách hàng để bán hàng thì điều đó đã vi phạm đạo đức nghiêm trọng trong hoạt động quảng cáo.  Và nếu như vậy thì mục tiêu chính của doanh nghiệp lúc này là để bán hàng, không phải để làm từ thiện. Đối với những tập đoàn lớn, công ty lớn không bao giờ họ tự dựng lên một màn kịch như vậy. Vì vậy chẳng khách hàng nào dại bỏ tiền vào đó, họ có thể mang tiền đến các quỹ nhân ái cụ thể nào đó hoặc mang tiền trực tiếp vào bệnh viện cho bệnh nhân đó"....Phát hiện "sửng sốt" về sự thật cậu bé Tuấn chỉ là 'diễn viên' được thuê Từ những tranh cãi của độc giả từ đoạn clip quảng cáo mì Gấu đỏ, báo Giáo dục Việt Nam đã vào cuộc tìm hiểu và phát hiện rất nhiều sự thật "sửng sốt" xung quanh câu chuyện clip quảng cáo này.>>>Bấm vào đây để xem VIDEO: quảng cáo mỳ Gấu đỏ gây tranh cãi trên cộng đồng mạng
Hình ảnh cậu bé Tuấn được cắt từ đoạn clip quảng cáo mỳ gấu đỏ.
Hình ảnh cậu bé Tuấn được cắt từ đoạn clip quảng cáo mỳ gấu đỏ.


Đầu tiên phải nói đến khi xem clip quảng cáo này, hàng triệu khán giả xem truyền hình đã rớt nước mắt với hình ảnh bé Tuấn bị ung thư trong clip quảng cáo mì Gấu đỏ. Thậm chí, có gia đình ngay sau khi xem clip quảng cáo đã gọi điện trực tiếp cho chương trình để hỏi thông tin cụ thể về bé Tuấn với mong muốn được góp sức phần nào đó giúp đỡ, an ủi Tuấn. Nhưng thật sửng sốt khi phát hiện ra sự thật, nó giống như một câu chuyện giả dối được dàn dựng để đánh lừa khách hàng? một lần nữa, lòng nhân ái của khán giả lại bị tổn thương.  Rất nhiều người đã cảm thấy bất ngờ, hụt hẫng, tức tối, sửng sốt khi được biết được sự thật: nhân vật lên màn ảnh nhỏ không phải là bé Tuấn nghèo khổ, bị mắc bệnh ung thư, không có tiền chữa trị mà là một người hoàn toàn khỏe mạnh bình thường, hay nói chính xác hơn cậu bé đóng trong clip đó chính là một 'diễn viên' đóng thế. Điều này cũng đã được chính chương trình “Gấu đỏ - gắn kết yêu thương” đã thừa nhận: “Trường hợp bé Tuấn là đại diện của những bệnh nhân ung thư máu mà chúng tôi muốn kêu gọi mọi người hướng tới… Vì là clip dài nên chúng tôi mượn Tuấn để minh họa cho những hình ảnh mà chúng tôi muốn nói tới trong chương trình này?”.Hỗ trợ 100% nhưng vẫn phải nộp 5 triệu viện phí
Không chỉ nhân vật cậu bé Tuấn trong đoạn clip quảng cáo mì Gấu đỏ bị "phanh phui" thực ra chỉ là một diễn viên đóng thế mà qua điều tra của báo Giáo dục Việt Nam đã phát hiện rất nhiều vấn đề "nhập nhèm" trong việc hỗ trợ các trường hợp trẻ em khó khăn điều trị bệnh của chương trình từ thiện của Gấu đỏ phát động. Chính chị Lê Thị Liên 31 tuổi (Nghĩa Thông, Nghĩa Hưng, Nam Định - mẹ của cháu Đào Ngọc Bích, là một trong số bệnh nhân được mỳ Gấu đỏ làm từ thiện) đã cho biết, vừa qua gia đình chị Liên vui mừng vì nhận được thông tin nhãn hàng Gấu Đỏ nhận tài trợ 100% chi phí chữa trị cho cháu Bích. Nhưng sau khi ký vào bản cam kết những điều khoản để được tài trợ. Gia đình chị Liên vẫn được bệnh viện Nhi trung ương yêu cầu đóng số tiền 5 triệu đồng cho chi phí khám chữa bệnh cho cháu?. Đồng thời trong số điều khoản để được nhãn hàng Gấu Đỏ tài trợ. Đáng chú ý có điều khoản: Phải được sử dụng hình ảnh của cháu để quảng bá cho nhãn hàng và kêu gọi từ thiện ủng hộ những cháu nhỏ khác?. Việc yêu cầu được dùng hình ảnh các cháu nhỏ cho công tác quảng bá của nhãn hàng Gấu Đỏ, cũng được điều dưỡng trưởng khoa tim bệnh viện nhi Trung ương Trần Thị Mai Hương xác thực.30 triệu/lần phát sóng
Các clip quảng cáo của mì Gấu đỏ  - gắn kết yêu thương thường xuyên được phát đi phát lại vào 'khung giờ vàng' trên đài truyền hình Việt Nam, đó còn chưa kể đến các đài truyền hình địa phương và đài truyền hình kỹ thuật số. Trao đổi với PV báo GDVN, một nhân viên ở phòng kinh doanh khách hàng của Trung tâm dịch vụ và quảng cáo truyền hình – Đài truyền hình Việt Nam (TVAD) xác nhận mỗi clip quảng cáo phát sóng trên khung giờ từ 18h45 – 19h trước bản tin thời sự 19h có giá 30 triệu/lần phát sóng với nội dung clip dài 30 giây. Trong đó clip quảng cáo của nhãn hàng mì Gấu đỏ cũng không nằm ngoại lệ chi phí đó.Làm từ thiện không đúng chức năng Theo điều 2 của nghị định số 64/2008/NĐ-CP về việc vận động, tiếp nhận các nguồn đóng góp tự nguyện, hỗ trợ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, “Việc vận động đóng góp giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được thực hiện theo từng trường hợp cụ thể thông qua việc tuyên truyền, kêu gọi ủng hộ của các cơ quan thông tin đại chúng”. Điều 17 của nghị định này cũng nêu rõ tổ chức được phép kêu gọi vận động, đóng góp là “Các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương”. Như vậy doanh nghiệp quảng cáo mì Gấu đỏ ở đây là không đủ chức năng kêu gọi vận động đóng góp.
'68,2% độc giả cho rằng đoạn clip quảng cáo mì Gấu đỏ là lợi dụng hình ảnh để bán hàng'
Xung quanh việc sử dụng hình ảnh các nhân vật trong đoạn clip quảng cáo cũng như khoản tiền được trích ra đóng góp giúp đỡ các trẻ em bị bệnh hiểm nghèo từ việc mua mỗi gói mì Gấu đỏ... đã có rất nhiều những ý kiến trái chiều nhau được cư dân mạng, độc giả bày tỏ. Bên cạnh những ý kiến lên án việc mỳ gấu đỏ đã cố tình kiếm tiền bằng cách đánh vào lòng trắc ẩn của người tiêu dùng thì cũng có không ít cư dân mạng lại bày tỏ sự ủng hộ với chương trình này và cho rằng số tiền bỏ ra từ mỗi gói mỳ là nhỏ nhưng đó cũng là một điều rất đáng quý mà doanh nghiệp đã trích ra để làm từ thiện. Và việc sử dụng diễn viên vào vai cậu bé Tuấn này không có gì sai mà trái lại nó đã giúp truyền tải một thông điệp về tinh thần nhân đạo, từ thiện mà Gấu đỏ muốn mang đến cho mọi người.>>>Bấm vào đây để xem VIDEO: quảng cáo mỳ Gấu đỏ gây tranh cãi trên cộng đồng mạng
68, ,2% độc giả cho rằng đoạn clip quảng cáo mì Gấu đỏ là lợi dụng hình ảnh để bán hàng.
68, ,2% độc giả cho rằng đoạn clip quảng cáo mì Gấu đỏ là lợi dụng hình ảnh để bán hàng.

Tuy nhiên, trong cuộc thăm dò dưới các bài viết liên quan đến clip quảng cáo mì Gấu đỏ, với câu hỏi do báo Giáo dục Việt Nam đưa ra là "Bạn thấy thế nào về đoạn Clip quảng cáo trên của mỳ Gấu đỏ?", tính đến tối ngày 18/5 đã có 6610 lượt độc giả tham gia bình chọn.  Trong đó đã có 4510 lượt ý kiến độc giả, chiếm 68,2% cho rằng như thế là lợi dụng hình ảnh để kiếm tiền; 998 lượt ý kiến, chiếm 15% cho rằng chuyện đó là bình thường; 1006 lượt ý kiến, chiếm 15,2% cho rằng clip này rất hay và độc đáo; 106 lượt ý kiến, chiếm 1,6% với ý kiến khác.Thay lời kết Một quảng cáo được cho là thành công, suy cho cùng là nó làm cho người ta hiểu thông điệp muốn gửi tới, và tính nhân văn của quảng cáo. Nếu cứ hiểu cách đơn giản như một đứa trẻ nhỏ thì quảng cáo của mì Gấu đỏ đã mang lại thông điệp tốt. Nhưng điều quan trọng tiếp theo mà người tiêu dùng mong muốn, đó là doanh nghiệp có trích phần nhỏ trong gói mỳ của mình để làm từ thiện hay không thôi. Và liệu những em “Tuấn” bị ung thư thật sự trong viện liệu có ngày ra về với kết thúc có hậu, chứ không phải kết thúc buồn như đoạn clip quảng cáo…  Và như độc giả Nguyen Binh đã viết: "Những người có lòng giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn thường thì người ta muốn giấu đi những hành động đó của mình. Một doanh nghiệp không thể chiếm lĩnh thị trường bằng chất lượng sản phẩm mà lại dựa vào lòng trắc ẩn của xã hội và nỗi đau của đồng loại để bán hàng thì thật đáng thương. 

Lòng tốt của những người tổ chức sự kiện để nhận lòng hảo tâm của cộng đồng sau đó trao những món quà này cho những người kém may mắn một cách minh bạch thì thật đáng biểu dương. Dù thế nào thì cá nhân tôi cũng không đồng tình với sự không minh bạch giữa lòng tốt và ý đồ kinh doanh, đặc biệt với những trẻ em kém may mắn như vậy".

Bạn có đồng tình với ý kiến trên không? Mọi ý kiến đóng góp xin mời gửi về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc quí độc giả cũng có thể BẤM VÀO ĐÂY
Bạn đọc phát hiện những đoạn Clip quảng cáo có tính chất phản cảm, hoặc không đúng với sự thật xin thông tin về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn  hoặc liên hệ qua đường dây nóng của báo điện tử Giáo dục Việt Nam: 0938 766 888.
Thành Chung (tổng hợp)