Cô giáo em có còn được ví hiền như cô Tấm?

17/11/2011 06:33
Nguyên Anh (VNN)
(GDVN) - Thần thoại hay cổ tích, thường được dùng để thể hiện một khát vọng con người mà trong thực tế nhiều khi không thỏa mãn được. 

Ngày 20/11 đang đến gần, bỗng có những giáo viên giật mình khi được học sinh khen, theo cái cách đôi lúc thực lòng,  đôi khi như thông lệ, rằng mình "hiền như cô Tấm".

Lượng biến đổi thành chất

Ấy là vì cuộc tranh luận Tấm-Cám đã sôi nổi giằng dai vài tuần nay, kể từ khi phát hiện ra sách giáo khoa sửa đoạn kết của một trong những câu chuyện cổ tích nổi tiếng nhất.

Không có cuộc tranh luận công khai này chắc không nhiều người để‎ mắt tới hành động được xếp vào hàng "man rợ" của một nhân vật hiền hậu gần gũi nhất trong làng cổ tích. Bỗng nhiên người ta cảm thấy sốc. Ngoài đời thì cầm chắc, ai thực hiện hành động như trong chuyện, dẫu là chính đáng trả thù, cũng muốn giấu biến, không dám công khai.

Dư luận đã chia ra hai luồng đối lập. Một chê bai chuyện sửa đổi, muốn giữ nguyên bản gốc (nhất là nhân tiện thêm một dịp chỉ trích chất lượng sách giáo khoa). Một bênh vực đoạn kết cải biên cho vừa với quan niệm đạo đức- xã hội- luật pháp đương đại và bớt khả năng làm mất ngủ cho trẻ con, từ đám vẫn còn tè dầm tới hội xì-tin đang nhấp nhổm chơi trò thử...giày.

Nghe chuyện tự nhiên thấy tiếc. Tiếc sao bậc tiền bối truyền miệng câu chuyện ngày xưa không lái sự trừng phạt sang cách khác.

Ví dụ như kiểu chuyện Sisyphus, vua xứ Ephyra trong Thần thoại Hy Lạp. Do những hành vi tàn ác lúc sinh thời, Sisyphus đã bị thần thánh trừng phạt bằng cách phải đẩy một tảng đá lớn lên trên đỉnh dốc.

Tới đỉnh, nó sẽ tự động rơi xuống chân dốc và Sisyphus sẽ làm lại công việc này lại từ đầu. 10 lần, 100 lần, 1000 lần cho tới vĩnh cửu. Không đổ máu như bị băm xác, cũng không có mùi thịt cháy vì bị sét đánh như trong mô-típ chuyện cổ tích Phương Đông, nhưng chắc ít ai nghĩ rằng tính răn đe của hình phạt trong Thần thoại Hy Lạp lại nhẹ nhàng hơn.

Thần thoại hay cổ tích, thường được dùng để thể hiện một khát vọng con người mà trong thực tế nhiều khi không thỏa mãn được.

Cái Thiện chiến thắng cái Ác, cái Ác bị trừng phạt thiên hình vạn trạng, giống như lúc cái Ác mưu mô biến hóa làm hại cái Thiện dễ vỡ mong manh. Cái Thiện có quyền trả đũa, có quyền đưa ra hình phạt.

Nhưng theo một quy luật triết học - chất biến đổi lượng, song lượng đổi tới một mức độ nào đó thì quay lại biến đổi chất.

Cô Tấm, người con gái hiền thục nhẫn nhịn tới phút chót câu chuyện, qua nhiều lần bị diệt rồi tái sinh, đã thể hiện sự biến đổi chất này thật tài tình.

Cuộc tranh luận Tấm-Cám vẫn là chủ đề tranh luận sôi nổi vài tuần nay
Cuộc tranh luận Tấm-Cám vẫn là chủ đề tranh luận sôi nổi vài tuần nay

Hành động trả thù của cô được đa số người đời đồng ý còn bộ máy tư pháp trong cung lẳng lặng... bật đèn xanh. Cái Ác phải bị trừng phạt, nhưng trừng phạt theo cách nào, tới mức nào, thì lại nói lên khả năng biến đổi chất từ "lượng" vượt ngưỡng. Trừng phạt người gây ra đau khổ cho mình bằng cái chết cho họ, nhưng đẩy quá mức "lượng", cô Tấm đã chuyển hóa "chất" của hành vi đó thành hiện thân cái Ác.

Đều là cái nhìn của người lớn

Không khỏi nghĩ tới triết lý rất "đời" của bậc thầy tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung Tiên sinh.

Truyện của ông thoắt ẩn thoắt hiện những bậc đại nhân danh môn chánh phái ra tay tàn độc, thủ đoạn ám toán khốc hại còn hơn Ma Giáo. Tiêu diệt "bàng môn tả đạo", đôi khi là khẩu hiệu để thực hiện hành vi bất chính một cách hợp pháp.

Thì ra giống như Tấm-Cám, chánh tà trong cuộc đời nhiều khi bất phân. Gánh nặng của chính nghĩa, đôi khi lại là bản lĩnh giữ lấy nhân tính khi mình ở vị thế nắm lấy sinh mạng của kẻ thù, hay nhẹ hơn, gót chân A-sin của đối thủ.

Nếu làm theo cô Tấm, sẽ không có chủ nghĩa nhân đạo trong chiến tranh, khi đám tù binh ác ôn từng gây bao tội "cướp, giết, hiếp" rơi vào tay người lính cách mạng. Những nữ sinh bị rạch mặt, bị lột áo quay clip tung lên mạng, trong cơn mơ sẽ muốn trả đũa lại những kẻ thủ ác theo cách nào?

Cái Thiện thiếu bao dung, cái Thiện bị ác hóa, sẽ không còn là cái Thiện nguyên vẹn nữa.

Giống như chính phái trong truyện kiếm hiệp, nếu hành xử vượt khuôn khổ luật lệ, lẽ phải và đạo đức, đến một ngày nào đó cũng có thể bị nhìn nhận theo lăng kính khắt khe như cô Tấm bây giờ.

"Cô Tấm không hoàn hảo". "Tội ác sẽ phải bị trừng phạt tương xứng, bất kể thủ đoạn". "Oan oan tương báo". "Nhổ cỏ tận gốc". Đều là cái nhìn của người lớn. Trừ phi lũ trẻ cần được dạy dỗ như vậy, chuyện Tấm Cám mới nên có đoạn kết như đã từng có bao năm qua.

Còn nếu nhìn theo ánh mắt trong veo của trẻ con, chắc cô Tấm cần một nhân cách thần tiên thánh thiện hơn, để khi chúng cất giọng hát ngây thơ: "Cô giáo em, hiền như cô Tấm", không ai bị giật mình

Hành động trả thù của cô được đa số người đời đồng ý còn bộ máy tư pháp trong cung lẳng lặng... bật đèn xanh. Cái Ác phải bị trừng phạt, nhưng trừng phạt theo cách nào, tới mức nào, thì lại nói lên khả năng biến đổi chất từ "lượng" vượt ngưỡng. Trừng phạt người gây ra đau khổ cho mình bằng cái chết cho họ, nhưng đẩy quá mức "lượng", cô Tấm đã chuyển hóa "chất" của hành vi đó thành hiện thân cái Ác.

Nguyên Anh (VNN)