Ông KSor Phước:

“Có những tỉnh nghèo nhưng lại xây trụ sở lộng lẫy như cung điện"

20/09/2013 07:47
Diệu Linh
(GDVN) - "Trong vấn đề đất đai, tôi đi nhiều tỉnh thì thấy có những tỉnh xây dựng trụ sở làm rất nghiêm túc, công năng sử dụng tối đa, nhưng có những tỉnh xây dựng trụ sở như cung điện, lộng lẫy, xa hoa, rộng mênh mông như công viên. Đây là trụ sở cơ quan nhà nước thuộc về nhân dân chứ không phải là cung điện hay công viên. Làm trụ sở to như thế để làm gì, trong khi dân thì còn đang nghèo như thế?". Ông KSor Phước nhấn mạnh.

Báo cáo chưa nêu được tổng con số lãng phí là bao nhiêu

Chiều 19/9, tiếp tục chương trình Phiên thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013.

Theo Báo cáo của Chính phủ, trong những tháng đầu năm 2013 việc sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) đã thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm kinh phí, hạn chế tối đa việc tổ chức hội nghị, hội thảo, lễ khởi công, khánh thành, công bố quyết định, các đoàn đi công tác, học tập, khảo sát, tham khảo kinh nghiệm trong nước và nước ngoài.

Ngoài tiết kiệm 10% chi thường xuyên tạo nguồn cải cách tiền lương, các bộ, ngành, địa phương còn thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên còn lại của 7 tháng cuối năm 2013, với số tiền khoảng 3.080 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chỉ rõ, tại một số doanh nghiệp, việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên còn lãng phí, chưa tiết kiệm nhất là tài nguyên đất đai, khoáng sản; hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tăng cao; đầu tư ra ngoài ngành còn lớn nhưng tình hình thoái vốn đầu tư ngoài ngành đang gặp rất nhiều khó khăn; việc tuyển chọn, sử dụng lao động, bố trí cán bộ quản lý còn bất cập; chính sách lương, thưởng chưa gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 

Ông Đinh Tiến Dũng - Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Ông Đinh Tiến Dũng - Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Trong phần thảo luận, ông KSor Phước – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc thẳng thắn cho biết, báo cáo chưa nêu được tổng con số lãng phí là bao nhiêu, chưa nói tới thời gian và lao động. Báo cáo cũng chưa nêu được việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội, trong vấn đề giảm đầu tư xây dựng cơ bản. Một số tỉnh đang triển khai dở các công trình đang xây dựng cơ bản thì phải dừng lại, dẫn tới có thể mất trắng cả khoản kinh phí đã đầu tư.

“Chỗ này có trách nhiệm của Quốc hội và Chính phủ, cần phải làm rõ, rút kinh nghiệm để sau này làm tốt hơn”, ông Phước nói.

Làm trụ sở to như thế để làm gì, trong khi dân thì còn đang nghèo như thế?

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, báo cáo có nói tới lãng phí về đất đai, nhưng nếu chỉ dừng lại ở mức đánh giá như hiện nay thì làm giảm ý nghĩa của việc quản lý và sử dụng đất đai, do đó cần phải chỉ đích danh cơ quan đơn vị nào lãng phí sử dụng đất đai, ngành nào, tỉnh nào… thế thì mới có giá trị thực sự về mặt quản lý nhà nước. Rồi qua đó có nhắc nhở, cảnh báo người đứng đầu các ngành, các tỉnh, đoàn đại biểu các tỉnh cũng biết và nắm được là ở địa phương của họ còn có những vấn đề gì đang tồn tại.

“Trong vấn đề đất đai, tôi đi nhiều tỉnh thì thấy có những tỉnh xây dựng trụ sở làm rất nghiêm túc, công năng sử dụng tối đa, nhưng có những tỉnh xây trụ sở như cung điện lộng lẫy, xa hoa, rộng mênh mông như công viên. Đây là trụ sở cơ quan nhà nước thuộc về nhân dân chứ không phải là cung điện hay công viên. Làm trụ sở to như thế để làm gì, trong khi dân thì còn đang nghèo như thế? Vậy đất dành cho trụ sở thì quy định thế nào?

Qua đó, tôi đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên Môi trường phối hợp để đề xuất Thủ tướng Chính phủ ra quy định chung với diện tích đất được sử dụng trong các cơ quan nhà nước. Phải có một cơ chế kiểm soát vấn đề này và phải công bố công khai cho cả nước biết, kể cả các trụ sở của tỉnh ủy. Điều lệ Đảng nói rồi, mọi Đảng viên sống và làm việc phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Chúng ta phải làm nghiêm để bảo vệ uy tín của Đảng”, ông Phước nêu quan điểm.

Ông KSor Phước - Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc.
Ông KSor Phước - Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc.

Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục phát huy năng lực kiểm soát các nguồn lực tài chính với các dự án, vốn ngân sách nhà nước, gắn với hiệu quả dự án.

“Tôi đề nghị Bộ Tài chính phải phát huy điều này, phải làm kiên quyết, không tha bất cứ ông nào cả. Với các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ. Nếu các đồng chí không dám nói, không dám hành sự thì phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Tôi nói thẳng như vậy, vì các chương trình mục tiêu quốc gia là phải kiểm soát chặt chẽ, không thể để hỏng việc nước.

Tôi đơn cử một thí dụ, ở ngày đoạn đường Đê La Thành giao với phố Hào Nam có liên quan tới ba đơn vị là quản lý điện, quản lý đường sắt trên cao và giao thông đường bộ. Bây giờ họ là làm một cột điện rất lớn lấn luôn cả đường giao thông, chắn luôn cả đường sắt trên cao. Vậy tôi phải hỏi: Ông nào cấp phép cho làm cái đó? Lãng phí bao nhiêu? Mà bây giờ làm xong rồi, cái cột điện đang lấn cả đường giao thông, rõ ràng như thế mà chẳng thấy ai xử lý gì cả”.

Diệu Linh