Công trình thủy điện “đội vốn” hơn 1.600 tỷ đồng!

04/08/2016 08:31
HOÀNG TUẤN
(GDVN) - Vốn đầu tư ban đầu dự án thủy điện Sông Bung 2 được phê duyệt hơn 3.600 tỷ đồng nhưng chủ đầu tư đã phê duyệt dự án “đội vốn” thêm hơn 1.600 tỷ đồng.

Giữa năm 2006, dự án thủy điện Sông Bung 2 được Chính phủ cho phép đầu tư và được Tập đoàn Điện lực Việt Nam phê duyệt dự án vào năm 2007.

Dự án thủy điện Sông Bung 2 là dự án nguồn điện thuộc Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2006-2015 có xét đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự án được xây dựng trên Sông Bung là một nhánh của sông Vu Gia (thuộc địa phận hai huyện Nam Giang và Tây Giang, tỉnh Quảng Nam).

Nhiệm vụ chính của dự án là cung cấp điện cho khu vực và hệ thống điện Quốc gia, cấp nước sinh hoạt, nước nông nghiệp và cải thiện độ mặn cho vùng hạ du.

Ngoài ra, dự án còn góp phần phát triển giao thông, dân sinh kinh tế cho tỉnh Quảng Nam và khu vực miền Trung.

Dự án thủy điện Sông Bung 2 được khởi công xây dựng cuối năm 2012 và dự kiến phát điện tổ máy số 1 vào năm 2015. Vốn đầu tư ban đầu được phê duyệt hơn 3.600 tỷ đồng, thời gian hoàn thành dự án vào năm 2016.

Hạng mục đập tràn của dự án thủy điện Sông Bung 2. Ảnh: H.T
Hạng mục đập tràn của dự án thủy điện Sông Bung 2. Ảnh: H.T

Tuy nhiên, đến cuối tháng 4/2016, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có báo cáo bổ sung về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư (lần 2) dự án thủy điện Sông Bung 2.

Trong báo cáo này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết tổng chi phí tăng thêm đối với dự án này là hơn 1.600 tỷ đồng và tiến độ trễ 1 năm. Tức là dự án từ hơn 3.600 tỷ đồng, “đội vốn” lên hơn 5.200 tỷ đồng!.

Con số hơn 5.200 tỷ đồng này được Tập đoàn Điện lực Việt Nam “mổ xẻ” chi tiết từng hạng mục như sau: Chi phí xây dựng hơn 3.000 tỷ đồng, chi phí thiết bị hơn 761 tỷ đồng,

Chi phí đền bù và giải phóng mặt bằng hơn 25 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án gần 94 tỷ đồng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng gần 244 tỷ đồng, chi phí khác trên 715 tỷ đồng và chi phí dự phòng hơn 345 tỷ đồng.

Thông tin này khiến dư luận bức xúc vì số tiền “đội vốn” của dự án này quá lớn, thời gian hoàn thành dự án cũng “được” kéo dài gần 1 năm.

Trả lời về vấn đề này, ông Vương Thành Chung, Phó Giám đốc phụ trách BQL dự án thủy điện Sông Bung 2 cho biết lý do tăng vốn là do các biến động về chính sách tiền lương, giá cả thị trường, thay đổi tỉ giá, thay đổi điều kiện địa chất - thủy văn và thay đổi do chuẩn xác khối lượng…

Ông Chung cũng cho rằng do ảnh hưởng của các cơn bão số 8, 9 và 10 năm 2013 gây sạt lở một số hạng mục công trình làm tăng chi phí xử lý, khắc phục.

Ngoài ra, do sự cố sạt trượt trạm phân phối do bão lũ năm 2013 nên phải chuyển đổi trạm phân phối điện từ công nghệ AIS (ngoài trời) sang công nghệ trạm GIS làm tăng thêm chi phí.

Bên cạnh đó, mặt bằng bố trí các hạng mục công trình trên diện rộng có địa chất phức tạp nên phải hiệu chỉnh, thiết kế làm phát sinh chi phí…

“Sau khi điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án có tăng cao nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chí tài chính của dự án ứng với giá bán điện bình quân trên thị trường điện hiện nay là 0,05USD/kWh (tương đương 1.060VND/kWh), đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế chung của xã hội”, ông Chung cho biết.

Khi phóng viên hỏi: Dự án đã tăng khoảng 40% so với ban đầu, vậy hiệu quả của dự án như thế nào khi tổng mức tăng? Và trách nhiệm thuộc về ai khi để tổng mức tăng?

Đặc biệt, việc “đội vốn” lớn của dự án sẽ được tính vào giá điện. Như vậy, cuối cùng là người tiêu dùng phải gánh chịu thì có hợp lý không? Nguồn vốn 1.600 tỉ đồng tăng thêm ở dự án được vay thương mại từ tổ chức nào? Trách nhiệm của đơn vị bảo hiểm đến đâu?...

Sau khi nghe phóng viên hỏi thì ông Chung ghi lại rất cụ thể các câu hỏi để…báo cáo cấp trên. Những phần nào thuộc phạm vi trả lời của BQL dự án thủy điện Sông Bung 2 thì sẽ trả lời. Còn những phần nào thuộc về thẩm quyền của cấp trên thì cấp trên sẽ trả lời.

Tuy nhiên, sau đó ông Chung không trả lời và cáo bận vì lý do phải…đi gấp lên công trình!.

Nhà máy phân phối điện nhìn từ hạ lưu. Ảnh: H.T
Nhà máy phân phối điện nhìn từ hạ lưu. Ảnh: H.T

Việc dự án này “đội vốn khủng”, theo GS.TS Nguyễn Thế Hùng – Trưởng bộ môn cơ sở kỹ thuật thủy lợi (Khoa Xây dựng thủy lợi thủy điện, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng) là không thể chấp nhận được.

GS.TS Nguyễn Thế Hùng cho rằng, thông thường, các dự án thủy điện cho phép đội vốn 10%, còn trong những trường hợp bất thường thì phải có đoàn kiểm tra nghiêm ngặt để làm rõ việc đội giá này.

“Đối với thủy điện Sông Bung 2 đầu tư hơn 5.200 tỷ đồng cho 100MW thì suất đầu tư như vậy là cao.

Suất đầu tư cao thì hiệu quả kém (tỉ lệ ngược lại) vì thủy điện phụ thuộc vào lượng nước chảy vào hồ.

Thông thường đầu tư vào thủy điện cao hơn đầu tư nhiệt điện nhưng tương lai giá điện sẽ rẻ hơn nhiệt điện”, GS.TS Nguyễn Thế Hùng nói.

GS.TS Nguyễn Thế Hùng cho biết, thông thường, dự án thủy điện được hoàn vốn trong khoảng thời gian 10 năm, có thể tăng thêm từ 1-2 năm chứ không được lâu quá.

“Sông Bung 2 là một trong những nhà máy thủy điện có suất đầu tư lớn nên hiệu quả đầu tư sẽ thấp”, ông Hùng cho biết.

GS.TS Nguyễn Thế Hùng cũng cho biết thêm, hiện nay trên thế giới nghiên về xu thế làm thủy điện nhỏ và vừa vì tác động đến môi trường ít.

Nhìn chung thủy điện là một loại tái sinh năng lượng, nếu như quản lý tốt, tính toán hợp lý thì tác động môi trường không nhiều lắm.

“Nếu làm thủy điện lớn thì gây ngập lớn, lũ lớn và làm thay đổi sinh thái lòng hồ; phù sa lắng đọng trong lòng hồ nên đồng bằng hạ lưu sẽ mất một lượng phù sa khá lớn, do đó sinh vật trong dòng sông cũng sẽ bị thay đổi”, GS.TS Nguyễn Thế Hùng nhận định.

HOÀNG TUẤN