Công Vinh, Thành Lương 'thất nghiệp' thì còn bụng dạ nào đá bóng

29/11/2012 06:58
Trần Xuân Kiếm/vnexpress
Báo chí trong nước đã đăng tin 2 câu lạc bộ của bầu Kiên bị xóa sổ. Đó là câu lạc bộ mà Công Vinh và Thành Lương đang chơi bóng. Một cú sốc lớn như vậy thì làm sao mà thi đấu tốt được trong trận thua Philippines 0-1?

Tôi là một bác sỹ thể thao, từng làm việc cho nhiều đội bóng. Trận thua hôm nay chỉ là sự phản ánh trung thực về một khía cạnh khác của thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá nói riêng. Đó là y tế.

Hiện nay thể thao Việt Nam vẫn chưa có sự quan tâm đúng mực đến công tác y tế. Một đội bóng đá của Nhật Bản có tới 7 bác sỹ, trong đó mỗi bác sỹ một công việc khác nhau: dinh dưỡng, chấn thương, tâm lý, phục hồi.... Còn ở Việt nam, nếu là đội tuyển nam quốc gia sẽ có 2 bác sĩ. Hai người này phải oằn mình ra làm công việc chăm sóc sức khỏe, những chấn thương, tư vấn dinh dưỡng cho toàn đội, dù vậy, ý kiến của họ về vấn đề sức khỏe của vận động viên vẫn ít được chú ý.

Trong trận đấu chiều qua gặp Philippines, tôi không hiểu vì sao ban lãnh đạo đội Việt Nam lại đồng ý để cho Công Vinh và Thành Lương chơi bóng.

Công Vinh có màn trình diễn nhạt nhoà sau hai trận đấu thất vọng của tuyển Việt Nam. Ảnh: An Nhơn
Công Vinh có màn trình diễn nhạt nhoà sau hai trận đấu thất vọng của tuyển Việt Nam. Ảnh: An Nhơn

Chính ngày hôm qua, báo chí trong nước đã đăng tin 2 câu lạc bộ của bầu Kiên bị xóa sổ. Đó là câu lạc bộ mà Công Vinh và Thành Lương đang chơi bóng. Một cú sốc lớn như vậy thì làm sao mà thi đấu cho được?

Tại sao ban lãnh đạo đội bóng không hiểu điều đó mà vẫn cho họ ra sân? Điều đó cũng giải thích tại sao một tiền đạo mà gần như suốt trận đấu không có đưọc hai cú sút về khung thành đối phương. Và như thế làm sao Việt Nam thắng được?

Nếu làm một cuộc điều tra nghiêm túc thì sẽ thấy buồn hơn nữa. Ở cấp độ quốc gia, khi đọc danh sách nhân sự của các đội tuyển, bao giờ ta cũng thấy trong danh sách có 2 bác sỹ. Nhưng sự thật chỉ có một là bác sỹ, người còn lại là kỹ thuật viên, và nhiều khi bác sỹ này cũng không có chuyên môn về y học thể thao.

Còn ở cấp độ câu lạc bộ, số lượng bác sỹ thực sự chưa đến non nửa, trong đó đa phần không có chuyên môn y học thể thao. Còn số đông nhân viên y tế trong các đội bóng hiện nay không phải là bác sỹ, chỉ là điều dưỡng, kỹ thuật viên... nhưng vẫn mặc nhiên được gọi là bác sỹ.

Nguy hiểm hơn, có một số câu lạc bộ sử dụng người không có một chút chuyên môn nào về y tế làm công việc y tế trong câu lạc bộ. Và như thế làm sao cầu thủ Việt Nam có thể đá bóng tốt được?

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Trần Xuân Kiếm/vnexpress