Cựu Đại sứ Nhật Bản kêu gọi triển khai tàu chiến ở Senkaku/Điếu Ngư

27/09/2012 15:38
Bảo Thành (Nguồn: Japan Times)
(GDVN) - Ông Miyamoto kêu gọi triển khai Lực lượng Phòng vệ và Cảnh sát biển để tăng cường khả năng phòng thủ trên biển xung quanh các hòn đảo này làm cơ sở để “tiến tới đàm phán ngoại giao hiệu quả”.
Tờ Japantimes của Nhật Bản ngày 27/9 đưa tin, cựu Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Yuji Miyamoto đã kêu gọi Tokyo và Bắc Kinh sớm tổ chức hội đàm để giảm bớt căng thẳng về tranh chấp chủ quyền đối với nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Cựu Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Yuji Miyamoto
Cựu Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Yuji Miyamoto

Ông Miyamoto là Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc giai đoạn 2006-2010 và đang được chính phủ Nhật Bản tiếp tục cân nhắc tái bổ nhiệm ông vào vị trí này sau cái chết của Đại sứ Nishimiya hồi giữa tháng 9. Trả lời trong một cuộc phỏng vấn, ông Miyamoto nói rằng theo ông việc Nhật Bản từ chối đối thoại với Trung Quốc về nhóm đảo đang tranh chấp là “một phản ứng không thực tế”.

Nhật Bản luôn coi nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư là một bộ phận lãnh thổ không thể tách rời và tuyên bố không có tranh chấp đối với chủ quyền trên nhóm đảo này, trong khi cả Trung Quốc và Đài Loan đều có những tuyên bố chủ quyền tương tự.

Theo ông Miyamoto, chính phủ Nhật Bản không cần phải thay đổi lập trường cơ bản của mình, nhưng “trong thực tế, tranh chấp đối với nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư là có tồn tại.”

Tàu Cảnh sát biển Nhật Bản áp sát tàu Hải giám Trung Quốc trên biển Hoa Đông
Tàu Cảnh sát biển Nhật Bản áp sát tàu Hải giám Trung Quốc trên biển Hoa Đông

Ông cảnh báo: “Nếu hai nước không chấp nhận thực tế này và ngồi vào bàn đàm phán thì sẽ không đạt được bước đột phá nào. Nhưng nếu bắt đầu đàm phán với Trung Quốc, chính phủ Nhật Bản có thể bị dư luận trong nước chỉ trích là chịu xuống nước, thế nên chính phủ Nhật Bản cần phải có một quyết định mang tính chính trị” về đề xuất này.

Theo vị cựu Đại sứ này, trước khi bắt đầu hội đàm về vấn đề lãnh thổ, Nhật Bản sẽ “cần đạt được” các nhượng bộ từ phía Trung Quốc để đổi lấy việc Nhật Bản chấp nhận đàm phán, chẳng hạn như Tokyo có thể yêu cầu Bắc Kinh thỏa hiệp về kế hoạch cùng khai thác các mỏ khí đốt trên biển Hoa Đông.

Ông Miyamoto cho hay, Trung Quốc tin rằng chính phủ của Thủ tướng Noda mua và quốc hữu hóa 3 hòn đảo trong nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư là để tăng cường quyền kiểm soát của Nhật Bản với nhóm đảo này chứ không phải để ngăn chặn Thống đốc Tokyo thực hiện được kế hoạch mua các hòn đảo này.

Sự hiện diện của các tàu công vụ Trung Quốc đe dọa tới khả năng kiểm soát hiệu quả của Nhật Bản đối với nhóm đảo này
Sự hiện diện của các tàu công vụ Trung Quốc đe dọa tới khả năng kiểm soát hiệu quả của Nhật Bản đối với nhóm đảo này

Ông Miyamoto giải thích: “Trung Quốc luôn cho rằng chính phủ Nhật Bản và Thống đốc Tokyo Ishihara đang diễn màn kịch này để quốc hữu hóa nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư.” Bởi vậy Bắc Kinh đã thực thi các biện pháp đối phó cảnh báo Tokyo không được có những động thái khác đối với hiện trạng của các hòn đảo này.

Ông cho rằng việc tàu Hải giám Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền vừa qua thể hiện cho “ý định rõ ràng của Trung Quốc” nhằm ngăn cản các động thái đó của Nhật Bản, và các vụ đụng độ trên biển đó có nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục diễn ra và đe dọa tới khả năng kiểm soát hiệu quả nhóm đảo này của Nhật Bản.

Tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản
Tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản

Ông Miyamoto kêu gọi triển khai Lực lượng Phòng vệ và Cảnh sát biển để tăng cường khả năng phòng thủ trên biển xung quanh các hòn đảo này làm cơ sở để “tiến tới đàm phán ngoại giao hiệu quả”. Tuy nhiên ông cảnh báo khi tiến hành các biện pháp này Nhật Bản cần phải thận trọng để không châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.  

Bảo Thành (Nguồn: Japan Times)