Đại biểu Quốc hội: Tăng cường phân quyền cho các địa phương là phù hợp

06/01/2022 14:00
Theo TTXVN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận, các buổi thảo luận tại tổ và thảo luận trực tiếp trên diễn đàn Quốc hội đều hợp lý và thỏa đáng.

Theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, ngày 6/1, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị Bình Thuận Dương Văn An phát biểu thảo luận tại tổ. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị Bình Thuận Dương Văn An phát biểu thảo luận tại tổ. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Theo các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận, các buổi thảo luận tại tổ và thảo luận trực tiếp trên diễn đàn Quốc hội đều hợp lý và thỏa đáng.

Đặc biệt là việc tổ chức Kỳ họp bất thường và thông qua hình thức trực tuyến cho thấy Quốc hội rất linh hoạt thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.

Nhiều ý kiến tại các buổi thảo luận rất tâm huyết, thể hiện rõ các đại biểu có sự đầu tư, nghiên cứu kỹ các vấn đề được đưa ra thảo luận. Các vấn đề thảo luận gắn với thực tiễn cuộc sống, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tế.

Ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị Bình Thuận cho biết: Việc sửa đổi bổ sung dự án Luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thể chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.

Kỳ họp bất thường cũng là một trong những điểm mới của Quốc hội. Các nội dung được đưa ra bàn thảo, xem xét tại Kỳ họp đều rất cần thiết và cấp bách để đáp ứng sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Ông Nguyễn Hữu Thông, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị Bình Thuận cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công là phù hợp tình hình thực tế.

Việc tiếp tục đẩy mạnh phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhằm tăng tính chủ động, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và giảm thiểu các thủ tục hành chính.

Quy định như hiện hành đã dẫn đến phát sinh nhiều thủ tục hành chính liên quan đến thực hiện phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các dự án có khi phải trình Thủ tướng Chính phủ nhiều lần.

Vì vậy, việc sửa đổi theo hướng tăng cường phân cấp đối với sử dụng nguồn vốn này sẽ làm giảm thủ tục hành chính, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA.

Để tránh trường hợp các dự án ban đầu thuộc nhóm B, C nhưng sau điều chỉnh sẽ thuộc nhóm A, theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, dự thảo Luật quy định rõ việc phân cấp thẩm quyền trong điều chỉnh chủ trương đầu tư chỉ áp dụng trong trường hợp điều chỉnh thuộc phạm vi đề xuất dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, không làm thay đổi phân loại dự án.

Trong trường hợp việc điều chỉnh chủ trương đầu tư làm thay đổi phân loại dự án phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến trước khi điều chỉnh.

Ông Nguyễn Hữu Thông nêu, về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư sẽ bảo đảm tháo gỡ được các vướng mắc thực tế hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi, thủ tục đầu tư thông thoáng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận thảo luận tại tổ. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận thảo luận tại tổ. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Bên cạnh đó, bảo đảm quản lý chặt chẽ đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, phòng ngừa việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, cộng đồng, của nhà đầu tư.

Đồng thời cũng bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, đặc biệt là sự liên thông, kết nối với các quy định có liên quan của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, pháp luật về quy hoạch.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Thuận cho biết: Việc tổ chức kỳ họp bất thường này và việc sửa đổi bổ sung dự án Luật cho thấy Quốc hội thấu hiểu những khó khăn, vướng mắc của địa phương; qua đó có những sửa đổi, bổ sung hợp lý và triển khai đồng bộ mang lại hiệu quả cao nhất trong phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Đơn cử, việc sửa đổi bổ sung Luật Đấu thầu là rất phù hợp. Qua đợt dịch COVID-19, việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch gặp rất nhiều khó khăn. Các quy định chưa sát thực tế nên việc vận dụng luật gặp nhiều khó khăn.

Theo bà Bố Thị Xuân Linh, việc quy định riêng các mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt thấp hơn đối với xe ô tô điện chạy pin là một chính sách tốt để khuyến khích, định hướng sản xuất và tiêu dùng nhằm phát triển ngành công nghiệp sạch, bảo vệ môi trường và khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất trong nước chuyển đổi, phát triển ngành công nghiệp ô tô thân thiện với môi trường, phù hợp với xu thế phát triển của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Nếu việc sửa đổi được thực hiện vào thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này có thể sớm đưa các dự án vào triển khai cũng sẽ góp phần vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tạo cơ hội bứt phá, phù hợp Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh. Các dự án Luật này cần thiết sớm đưa vào thực tế, sớm triển khai hiệu quả và đi vào cuộc sống của người dân.

Theo các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận, hướng thiết kế các mức thuế suất (Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt) theo 2 bước như đề xuất của Chính phủ là phù hợp.

Các mức thuế suất bằng 20% mức thuế suất hiện hành cho 5 năm đầu là cần thiết để tạo tiền đề cho doanh nghiệp trong nước xây dựng được thị trường và tạo thói quen tiêu dùng với dòng sản phẩm mới thân thiện với môi trường.

Các dự án hiện nay của doanh nghiệp trong nước về sản xuất xe ôtô điện chạy pin để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu phần lớn đang trong giai đoạn đầu tư, với chi phí đầu tư lớn, do đó sẽ cần sự bảo đảm của chính sách khuyến khích trong một thời gian đáng kể để doanh nghiệp yên tâm đầu tư và mở rộng thị trường.

Đồng thời, khoảng thời gian này sẽ giúp các doanh nghiệp hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kèm theo như: mạng lưới trạm sạc điện, điểm đỗ xe tĩnh, quỹ đất để bố trí trạm sạc cho xe ô tô điện chạy pin... và thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ, tạo công ăn việc làm, góp phần hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch bệnh.

Theo TTXVN