Đại biểu Quốc hội truy trách nhiệm vụ học sinh lớp 6 chưa đọc thông, viết thạo

10/04/2021 09:05
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bệnh thành tích trong giáo dục vẫn đang biến tướng, ẩn náu dưới nhiều dạng, nhiều hình thức khác nhau.

Nhà trường chạy theo thành tích, học trò chịu trận

Sự việc clip ghi lại học sinh lớp 6 Trường Trung học Cơ sở - Trung học Phổ thông Tân Mỹ (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) không đọc trôi chảy được một đoạn văn khiến dư luận bàng hoàng mấy ngày qua.

Tại ngôi trường này đã có 6 học sinh lớp 6 đọc viết khó khăn, có chữ đọc được, chữ không. Hiện có 2 em bỏ học vì mặc cảm vì không theo kịp bài so với các bạn cùng lứa tuổi.

Học sinh lớp 6 trường Trung học Cơ sở - Trung học Phổ thông Tân Mỹ (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) không đọc trôi chảy được một đoạn văn. (Ảnh từ clip, Báo Tuổi trẻ)

Học sinh lớp 6 trường Trung học Cơ sở - Trung học Phổ thông Tân Mỹ (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) không đọc trôi chảy được một đoạn văn. (Ảnh từ clip, Báo Tuổi trẻ)

Sự việc diễn ra ngoài sức tưởng tượng của dư luận và xã hội, bởi theo chương trình giáo dục phổ thông thì kết thúc lớp 1 học sinh đã có thể đọc thông, viết thạo.

Vì vậy mà chuyện học sinh lớp 6 rất khó khăn khi đọc một đoạn văn là điều không thể chấp nhận được. Đây cũng không phải lần đầu tiên xảy ra việc học sinh “ngồi nhầm lớp”.

Câu hỏi đặt ra là tại sao lại xảy ra những vụ việc học sinh “ngồi nhầm lớp” nghiêm trọng như vậy? Do chất lượng giáo viên, học sinh hay áp lực, tâm lý chủ quan chạy theo thành tích?

Để có góc nhìn khách quan về vấn đề này, Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trò chuyện với Đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang.

Ông Giang cho biết: “Việc ngồi nhầm lớp, hết tiểu học mà không biết đọc, biết viết cũng đã từng xảy ra vài địa phương chứ không phải bây giờ mới có.

Đó là kết quả của rất nhiều vấn đề trong đó có bệnh thành tích trong giáo dục, chạy theo phong trào thi đua hình thức, không có thực chất. Thay vì tìm các giải pháp bù đắp, nâng cao chất lượng thì có những nhà trường, có những giáo viên lại giấu đi để đủ tiêu chí đúng với các thành tích đã đề ra”.

Trước đó, đã có những lần ông Thái Trường Giang “làm nóng” nghị trường Quốc hội khi tranh luận về vấn đề gian lận trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục.

Ông Giang cho rằng: “Thực chất làm sao được khi lớp có 43 học sinh thì 42 em là học sinh giỏi, chỉ có 1 em là học sinh khá? Còn bao nhiêu trường hợp tương tự như vậy? Theo tôi là rất nhiều. Nền giáo dục bây giờ tìm được học sinh yếu kém khó như… mò kim đáy biển”.

Đây là nội dung ông Giang phát biểu trước Quốc hội năm 2019, dù đã có nhiều thay đổi trong giáo dục những năm gần đây, nhưng câu chuyện “ngồi nhầm lớp” vẫn còn xảy ra tại thời điểm này và nhiều người lo lắng rằng có thể không chỉ là một vài trường hợp cá biệt.

Bệnh thành tích trong giáo dục là một loại bệnh trầm kha, biến tướng, ẩn náu dưới nhiều dạng, nhiều hình thức mà cải cách giáo dục những năm qua chỉ mới xử lý được phần nào.

Một tỉnh nếu không có phòng giáo dục nào kém thì được tuyên dương. Một phòng giáo dục nếu không có trường kém thì được nhận thưởng. Một trường nếu không có học sinh nào học kém thì thì thầy cô hoàn thành chỉ tiêu, đạt thành tích tốt, giỏi.

Phải chăng việc đưa ra những mục tiêu phấn đấu quá “nặng”, áp lực đã trở thành một hệ thống đè nặng lên nhau và khiến thầy cô giáo “không dám” cho học sinh ở lại lớp dù em đó không đủ khả năng lên lớp?

Rất cần truy trách nhiệm cụ thể

Theo Đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang, một xã hội trọng thành tích thì những chuyện như “ngồi nhầm lớp”, “mưa giấy khen”, mua bán bằng cấp giả, học giả, thi giả… là hệ quả tất yếu sẽ xảy ra.

“Trách nhiệm chính trong việc này thuộc về nhà trường và những giáo viên đã đẩy học sinh lên lớp. Đọc một đoạn văn kém như vậy thì kết quả học tập những môn khác cũng phải xem lại. Tiếp theo là trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Sở Giáo dục tỉnh này.

Nhìn trên bình diện rộng hơn thì Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chịu trách nhiệm chính, toàn diện trong nền giáo dục nước nhà, trong đó có cả trách nhiệm khi để những nhược điểm xảy ra như thế này.

Vai trò kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh, đôn đốc thực hiện của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo xuống các cấp trực thuộc rất quan trọng. Nhất là thực hiện quản lý trực tiếp đến các Sở Giáo dục và Đào tạo”, ông Giang cho biết.

Ông Thái Trường Giang, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV. (Ảnh NVCC)

Ông Thái Trường Giang, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV. (Ảnh NVCC)

Tuy nhiên, Đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang nhấn mạnh trách nhiệm lớn trong sự việc này là ở cả gia đình và nhà trường.

Bản thân các em học sinh là chủ thể giáo dục, có thể tâm sinh lý của các em chưa đủ để biết được tầm quan trọng của giáo dục, chính vì thế vai trò của nhà trường và gia đình rất quan trọng.

“Trong giáo dục học sinh thì cần có sự phối kết hợp chặt chẽ của gia đình và nhà trường. Để học sinh có môi trường học tập tốt nhất thì cần tăng cường tuyên truyền gia đình quan tâm đến học tập của con em mình, phối hợp thường xuyên với nhà trường để nâng cao chất lượng.

Việc dạy thêm, học thêm cũng đang là vấn đề nở rộ trong con đường chạy đua thành tích. Chính vì thế kiểm soát dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường để đảm bảo đúng quy định, đảm bảo chất lượng giờ học cũng như đầu ra của học sinh trong các lớp học”, ông Giang cho biết.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý… phát hiện kịp thời để chấn chỉnh tránh việc báo cáo không đúng, chạy theo thành tích của một bộ phận giáo viên cũng như các cấp quản lý nhằm đạt được những mục tiêu “rỗng” cũng được ông Giang đề cập.

“Phải tiếp tục rà soát, điều chỉnh nội dung sách giáo khoa phù hợp với các cấp học, bậc học, phù hợp với các vùng miền, để làm sao không quá sức đối với học sinh. Việc cải cách, sửa đổi, bổ sung quá nhiều lần, quá nhiều nội dung, chương trình học nặng cũng là nguyên nhân tạo áp lực cho học sinh, giáo viên nhiều nơi trong quá trình dạy và học”, ông Giang nhấn mạnh.

Vụ việc học sinh lớp 6 chưa đọc thông, viết thạo ở Đồng Tháp chỉ là một đại diện cụ thể trong số rất nhiều học sinh là nạn nhân của căn bệnh chạy theo thành tích. Sự việc này tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về những mặt trái trong giáo dục phổ thông hiện nay cần phải xử lý nhanh chóng, kịp thời và có tính hệ thống.

Cao Kim Anh