Đại gia Vũng Tàu lên án chuyện "bóp mũi, bịt miệng" con đẻ của mình

11/03/2013 14:54
(GDVN) - Vị đại gia 76 tuổi đã cực lực lên án hai trường hợp hai bà mẹ tìm cách chối bỏ con mới sinh của mình, xảy ra tại TP.HCM gần đây.
Vụ thứ 1:Vụ việc xảy ra ngày 07/03/2013 cơ quan cảnh sát điều tra quận Thủ Đức (TP.HCM) đã mời bà mẹ đẻ đứa bé là cô sinh viên 19 tuổi tên là: N.T.U.T, quê ở Bình Thuận, tạm trú phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức. Tại cơ quan điều tra, chị T (mẹ đứa trẻ sơ sinh) khai nhận không hề biết mình có thai. Trước đó chị T từng quan hệ với bạn trai và đã chia tay. Ngày 03-03-2013, chị T đau bụng vào nhà vệ sinh thì chị T đẻ rơi đứa bé, sợ mọi người nghe bé khóc, xấu hổ cho nên chị T dùng tay bịt miệng, bóp mũi đứa bé “chính mình mang nặng đẻ đau” bỏ vào bao ni lông để che giấu.

Vụ thứ 2: Cũng cùng thời điểm 07/03/2013 bà Đinh Thị Thư (44 tuổi, quê ở Bình Định, ngụ tại phường 13, quận Tân Bình) cho biết bà đã nhặt được một đứa bé gái vào lúc  16h30 ngày 07/03/2013 ở góc đường Nhất Chi Mai-C12 (Phường 13, Q.Tân Bình) khi đi mua ve chai. Bà Thư nhặt được đứa bé gái da mặt vẫn còn hồng hào, có thể bị mẹ mới bỏ rơi. Sau đó, một số người có lòng nhân đạo tìm sữa cho bé bú, mặc áo quần giữ ấm cho bé và đưa bé về trung tâm y tế phường 13 chăm sóc...

Ngoài niềm hạnh phúc làm từ thiện, đại gia Lê Ân còn có niềm hạnh phúc gia đình, bên cô vợ trẻ Mai Thị Mai mới 21 tuổi. Trong ảnh: Hai vợ chồng ông đang nâng ly kỷ niệm 3 năm ngày cưới, ngay ngày 8/3 vừa qua.
Ngoài niềm hạnh phúc làm từ thiện, đại gia Lê Ân còn có niềm hạnh phúc gia đình, bên cô vợ trẻ Mai Thị Mai mới 21 tuổi. Trong ảnh: Hai vợ chồng ông đang nâng ly kỷ niệm 3 năm ngày cưới, ngay ngày 8/3 vừa qua.

Đại gia Lê Ân nói: “Hành động bóp mũi, bịt miệng nhằm che giấu việc lầm lỡ của mình là điều không thể chấp nhận được. Con người không phải thần thánh, nếu lầm lỡ phải chấp nhận để được cảm thông hơn”.

Ông Lê Ân bức xúc: “Cách đây không lâu, Trong một bài phỏng vấn tôi có nói về chuyện giữ gìn trinh tiết của người phụ nữ và lên án việc sống thử. Đa số người ủng hộ, cũng có một số ít người phản ứng, cho rằng Tôi còn quan niệm cổ lỗ hũ. Qua hai trường hợp này, mới thấy rằng: chuyện trinh tiết, phẩm hạnh của người phụ nữ cực kỳ quan trọng, tránh được những trường hợp bóp mũi, bịt miệng chối bỏ chính con đẻ là giọt máu của mình tạo ra.

Vị đại gia nhân hậu này đã thông qua báo điện tử Giáo dục Việt Nam, hỗ trợ cho hai cháu bé đáng thương trên, mỗi cháu 5 triệu đồng. Riêng bà Đinh Thị Thư, người có công nhặt một trong hai cháu bé vừa kể,  ông Lê Ân gửi biếu số tiền 2 triệu đồng.

Những đứa bé còn đỏ hỏn đó có tội tình gì?

Tôi rất xót xa trước những trường hợp hai đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại TP.HCM mà báo chí đã đưa tin ngay trong ngày  08/03 - Ngày Quốc tế Phụ nữ.

Tôi phải dùng từ “bàng hoàng”, trước tình cảnh xuống cấp đạo đức của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Những đứa bé còn đỏ hỏn đó có tội tình gì? Hai trường hợp này quá nghiêm trọng, là hồi chuông báo động về tình trạng xuống cấp đạo đức, tình mẫu tử, tình người trong giới trẻ, chứ không phải chuỵên đùa.

Tôi không thể nào tin, trên đời này lại có một người mẹ có thể nỡ lòng nào ra tay tước đoạt sự sống của chính con mình, ngay khi nó vừa chào đời. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, hành động đó cũng được cho là tội ác và không thể chấp nhận được, đều vi phạm pháp luật.

Cách đây không lâu, sau khi tôi trả lời phỏng vấn của báo điện tử Giáo dục Việt Nam, tôi đã đặt nặng về chuyện trinh tiết của người phụ nữ, không đồng tình việc “sống thử” của một số bộ phận giới trẻ hiện nay. Ngay sau bài báo được đăng tải, đã có hai luồng phản hồi: Đa số đồng tình ủng hộ nhưng cũng có một số cư dân mạng phản đối, “ném đá”, cho rằng tôi là người quan niệm còn cổ lỗ hủ.

Ông Lê Ân cho biết rất hạnh phúc vì người vợ trẻ của mình cũng có "thói quen" làm từ thiện như mình.
Ông Lê Ân cho biết rất hạnh phúc vì người vợ trẻ của mình cũng có "thói quen" làm từ thiện như mình.

Qua hai trường hợp “sống thử” nêu trên dẫn đến có thai ngoài ý muốn của hai cô gái vừa kể, tôi muốn nhắn nhủ với những người đang phản đối về sự trinh tiết mà tôi quan niệm, cho rằng tôi cỗ hủ: Hãy xem lại những gì mình phản đối, ném đá… nên đọc về những trường hợp đau lòng như thế này. Cả hai trường hợp đau lòng đó, đều xuất phát từ quan niệm sống thử, không trân trọng phẩm hạnh của người phụ nữ Việt Nam.

Tôi là người đã từng sống trong thời kỳ chiến tranh, từng chứng kiến biết bao mối tình đẹp: Có những người phụ nữ mòn mỏi đợi người chồng trở về một thời gian dài trên 20 năm, không hề biết một người đàn ông nào khác. Và có những người yêu nhau, đám cưới muộn màng, khi cô dâu đã không còn trẻ nữa, bên anh chồng khiến khuyết một phần thân thể do chiến tranh gây ra….Vậy mà họ vẫn hạnh phúc, sống trọn đời bên nhau. Tình yêu của họ có lý tưởng và cao đẹp, xã hội thời nào cũng vậy, vẫn kính trọng, ca tụng họ.

Thời nay, tôi thấy có một bộ phận giới trẻ sống vội, quên mất giá trị cơ bản về đạo đức của con người. Họ xem chuyện trinh tiết, nạo phá thai là chuyện bình thường. Tình yêu của họ vội vã, chóng vánh…rồi khi có “hậu quả, họ không suy nghĩ, tìm cách “che giấu” một cách vô trách nhiệm mà họ quên rằng hậu quả vô cùng tai hại cho cả một thế hệ làm xáo trộn trong một xã hội văn minh của thời bình.

Cuộc sống ấm no, dư giả tự do của thời bình đã làm một số bộ phận giới trẻ sống vội  dẫn đến “âm” về đạo đức!

Từng hai lần nhặt trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, manng về nuôi dưỡng

Tôi là người đã từng hai lần nhặt trẻ sơ sinh bị mẹ bỏ rơi đem về nuôi dưỡng làm khai sinh là con của mình, mặc dù tôi đã có 6 con (3 trai, 3 con gái - PV).

Năm 1976, tôi đang kinh doanh vàng ở Ngã 3 ông Tạ, TP.HCM, được biết có một người đàn bà bỏ rơi một bé trai mới sinh được 1 ngày tuổi tại cổng nhà bảo sanh Đô Thành (hiện nay là công viên Lê Thị Riêng, TP.HCM - PV) đưa về nuôi đặt tên là Lê Giôsuê.

Thời gian này, tôi đang ở với bà vợ đầu Lê Ngọc L, đã có 6 mặt con.Tôi thương đứa bé như con ruột của mình vì nó là trẻ thơ, không có tội tình gì.

Năm 1980, tôi dẫn các con tổ chức chuyến đi xa xứ, để đứa con nuôi ở nhà với bà L, vì chuyến đi có quá nhiều nguy hiểm. Nhưng cuộc đi bất thành… Năm 1984, tôi được về,  thì phát hiện bà L đã cho đứa bé Lê Giôsuê cho người khác nuôi, lúc nó mới 5 tuổi, đồng thời bà L cũng lấy tài sản và đòi ly hôn. Tôi đã khởi kiện bà L ra toà từ đó cho đến nay để giải quyết.

Trụ sở Quỹ từ thiện Lê Ân tại số 360 - 362 đường Lê Hồng Phong, TP.Vũng Tàu.
Trụ sở Quỹ từ thiện Lê Ân tại số 360 - 362 đường Lê Hồng Phong, TP.Vũng Tàu.

Năm 1990, tôi xuống Vũng Tàu lập ngân hàng cùng vợ mới cưới là Lê Đỗ Hạnh Kiều. Đến năm 1993, một buổi sáng, nhân viên của tôi đi làm, chạy vào báo cho tôi biết có một đứa bé trai mới sinh, đang bị bỏ rơi trước cổng bệnh viện Lê Lợi- Vũng Tàu, đang bị chó ăn nhau rốn. Tôi yêu cầu nhân viên đưa đứa bé về tôi nuôi.

Thời gian này, tôi đang bận lãnh đạo ngân hàng, không thể nào chăm sóc đứa bé thường xuyên nên đã nhờ vợ chồng người bạn thân quen làm ăn chung với tôi là ông bà Hà Trung Nhất, tôi thống nhất đặt tên cho đứa bé là Hà Trung Nghĩa Ân, mỗi tháng tôi phụ cấp 2 triệu đồng để nuôi cháu. Hy vọng khi khôn lớn, đứa bé mồ côi này sẽ lãnh đạo Làng cô nhi Nghĩa Ân do tôi sáng lập tại xã An Ngãi, Huyện Long Đất (nay huyện Long Điền - PV), Bà Rịa – Vũng Tàu.

 Nhưng không may là vào năm 2000, Tôi bị bắt về việc lập và điều hành Ngân hàng VCSB, mọi phụ cấp để nuôi Nghĩa Ân đều bị gián đoạn.

Tôi được trở về ngày 31/08/2005, vợ con và những người thân thiết quay lưng, tôi phải giải quyết nhiều công việc, nên tôi gửi 300 triệu đồng ở Ngân hàng để lấy lãi, phụ cấp cho Nghĩa Ân ăn học đến nay.

Hôm nay, một lần nữa,  tôi được báo điện tử Giáo dục Việt Nam  tiếp tục phỏng vấn về trường hợp 2 đứa bé bị mẹ bỏ rơi mà các cơ quan truyền thông đã đưa tin ngay vào ngày 08/03- Quốc tế Phụ nữ, gây chấn động, bàng hoàng dư luận.

Tôi quá bức xúc, nhờ báo điện tử Giáo dục Việt Nam chuyển hộ số tiền 5 triệu đồng đến Trung tâm y tế, P.13, Q.Tân Bình mua sữa cho cháu bé gái; chuyển đến 5 triệu đồng cho các tổ chức, cá nhân nào chăm sóc cháu bé trai, con của chị N.T.U.T quê ở Bình Thuận và 2 triệu đồng gửi biếu bà Đinh Thị Thư là người nhặt đứa bé vô thừa nhận bị bỏ bên lề đường Nhất Chi Mai- C12, để tỏ lòng biết ơn sự nhân đạo của bà. Nếu không được sự trợ giúp của bà kịp thời thì mạng sống của đứa bé sẽ đi về đâu ?!

Qua hai vụ việc nêu trên, tôi xin trích dẫn lời một quyển sách được viết trước Công Nguyên mà tôi đã đọc, có đoạn khẳng định: Cấm tà dâm, cấm giết người và người nào tự vận cũng bị tôi giết người.

Đối với người phụ nữ, sách cũng chép rằng: Duyên là giả dối; sắc là hư không; đạo đức là bền vững. Người phụ nữ nào có đạo đức sẽ được người chồng quý mến, yêu thương, có cuộc sống  hôn nhân bền vững, xã hội tôn trọng.

Tóm lại, cuộc đời tôi vất vả, cực khổ, dành dụm tiền, lập làng cô nhi Nghĩa Ân - Quỹ từ thiện Lê Ân, cùng với cộng đồng giải quyết những trường hợp thương tâm này!

Lê Ngọc Dương Cầm