Đài Loan lo ngại TQ triển khai tên lửa DF-16 ở duyên hải đông nam

22/03/2013 07:30
Đông Bình
(GDVN) - Đài Loan lo ngại, Trung Quốc di chuyển tên lửa DF-16 tới duyên hải đông nam không chỉ đe dọa đảo Senkaku mà còn đe dọa Đài Loan.
Tên lửa đạn đạo DF-16 do dân mạng đăng tải
Tên lửa đạn đạo DF-16 do dân mạng đăng tải

Ngày 20/3, trang mạng “Yam” Đài Loan cho biết, khi trả lời chất vấn, Cục trưởng An ninh quốc gia Đài Loan, ông Thái Đắc Thắng thừa nhận, Trung Quốc triển khai tên lửa đạn đạo Đông Phong-16 (DF-16) mới ở duyên hải đông nam.

Theo bài báo, hành động này của Trung Quốc chủ yếu nhằm ứng phó với tình hình căng thẳng của đảo Senkaku, nhưng sẽ không triển khai lâu dài ở duyên hải đông nam.

Ngày 20/3, trả lời chất vấn tại Ủy ban ngoại giao-quốc phòng quốc gia của Viện Lập pháp Đài Loan, nghị sĩ Quốc dân đảng Lâm Úc Phương cho biết, do tình hình căng thẳng đảo Senkaku nóng lên, Trung Quốc sẽ chuyển tên lửa đạn đạo DF-16 (vốn triển khai ở Kỳ Môn, Hoàng Sơn, tỉnh An Huy) tới duyên hải đông nam.

Thái Đắc Thắng sau đó thừa nhận, Trung Quốc thực sự triển khai tên lửa đạn đạo DF-16 ở duyên hải đông nam. Ông nhấn mạnh, tên lửa DF-16 có tầm phóng trên 1.000 km, hơn nữa độ chính xác tương đối cao, Đài Loan luôn quan tâm chặt chẽ sự phát triển của loại vũ khí này.

Tờ “Tin tức Quốc phòng” Mỹ cho rằng, tên lửa DF-16 mới nhất của Quân đội Trung Quốc có tầm phóng lớn hơn, tốc độ nhanh hơn, sẽ làm suy yếu nghiêm trọng hiệu quả đánh chặn của tên lửa Patriot-3 Đài Loan.

Tên lửa đất đối không Patriot PAC-2 của Quân đội Đài Loan.
Tên lửa đất đối không Patriot PAC-2 của Quân đội Đài Loan.

Tờ “Want Daily” Đài Loan trước đây cho biết, Trung Quốc di chuyển tên lửa DF-16 sang hướng đông chủ yếu nhằm vào các hòn đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông và căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa.

Theo bài báo này, trước đây, biên đội hải quân Trung Quốc tương đối thiếu sự yểm hộ trên không khi vượt qua chuỗi đảo thứ nhất. Khi vượt qua eo biển Miyako, hạm đội hải quân Trung Quốc sẽ nằm dưới hỏa lực của máy bay chiến đấu Mỹ-Nhật.

Vì vậy, Trung Quốc triển khai tên lửa DF-16 ở duyên hải đông nam không chỉ có thể tạo sự yểm hộ hỏa lực, hỗ trợ cho hạm đội chọc thủng chuỗi đảo thứ nhất, mà còn phản ánh rõ hơn thái độ cứng rắn của Bắc Kinh trong vấn đề đảo Senkaku.

Lâm Úc Phương cho rằng, Trung Quốc triển khai tên lửa DF-16 ở duyên hải đông nam “cũng tạo ra mối đe dọa nhất định đối với Đài Loan”. Còn theo Thái Đắc Thắng, vị trí di chuyển tên lửa lần này của Quân đội Trung Quốc chỉ là huấn luyện di chuyển địa điểm, hiện nay chưa có bất cứ thông tin nào cho thấy lực lượng tên lửa này sẽ triển khai lâu dài ở khu vực duyên hải đông nam.

Quân đội Trung Quốc phóng thử tên lửa.
Quân đội Trung Quốc phóng thử tên lửa.

Ngoài ra, đối với quan điểm Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển tàu sân bay trong vài năm tới, Thái Đắc Thắng cho rằng, tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh của Trung Quốc vẫn phải 3-4 năm nữa mới có khả năng chiến đấu; “Trung Quốc có kế hoạch tiếp tục chế tạo 2 tàu sân bay cỡ vừa từ năm 2013-2015, nếu quá trình thuận lợi, thì sau năm 2020 mới có thể hoàn thành và chuyển vào huấn luyện quân sự”.

Đối với sự phát triển trang bị quân sự của Trung Quốc, Đài Loan cũng cảm thấy sức ép. Theo trang mạng “Tin tức ngày nay” Đài Loan, cuối năm 2012, Hải quân Đài Loan đã đề xuất với “Quỹ phát triển công nghiệp quốc phòng” chương trình nghiên cứu tổng thể “Công nghệ then chốt tàu ngầm nội địa” tổng kim ngạch khoảng 14 triệu Đài tệ sử dụng cho 5 lĩnh vực lớn trong thời hạn 4 năm; dự kiến sẽ bắt đầu thực hiện từ năm 2013.

Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết, đối với kế hoạch tự chế tạo tàu ngầm do truyền thông Đài Loan tiết lộ, Hải quân Đài Loan sẽ tiếp tục nghiên cứu đánh giá, Bộ Quốc phòng Đài Loan cũng sẽ chú ý phát triển chặt chẽ và có sự hỗ trợ cần thiết.

Tên lửa đạn đạo DF-11A của Lực lượng Pháo binh 2 Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo DF-11A của Lực lượng Pháo binh 2 Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21 Pháo binh 2
Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21 Pháo binh 2

Đông Bình