Dân dĩ thực vi tiên

17/05/2013 11:02
Phạm Nguyễn
(GDVN) - Khốn khổ khốn nạn với cái “mác” Di sản quốc gia mà chẳng lợi lộc gì, mới đây, dân làng Đường Lâm đã làm đơn xin trả lại cái “danh hão” này cho… dễ thở.
Làng cổ Đường Lâm
Làng cổ Đường Lâm


1. Thấy chuyện lạ, báo chí vào tìm hiểu, dư luận mới tá hoả lên rằng dù đã được công nhận di tích quốc gia từ năm 2005, gần 10 năm trôi qua, đến nay quy hoạch làng cổ Đường Lâm vẫn chưa hề có và dân làng vẫn phải “bó cứng” trong cái quy chế tạm thời về xây nhà dựng cửa tuân thủ “tuyệt đối” Luật Di sản, đến nỗi muốn làm một cái “toa - lét” trong nhà cũng phải là hồ sơ lên… Bộ Văn hoá.

Những câu chuyện một lớp mẫu giáo ở Đường Lâm “nhồi” tới 80 cháu; chuyện 3 cặp vợ chồng cùng ngủ trong căn phòng 10m2; chuyện chính quyền, Ban Quản lý ngày đêm săn lùng mật phục để “bắt” các gia đình xây dựng “chui” đã đủ nói lên nỗi vất vả của hàng trăm hộ dân nơi đây.

Khổ là vậy nhưng nếu được ưởng chút lợi lộc gì từ du lịch thì đành một nhẽ, đằng này, mỗi năm, khách đến làng thăm quan vài ba chục vạn (bình quân 20.000/vé) mà bà con lại chả biết “mồm ngang, mũi dọc” đồng tiền ấy thế nào. “Cấp trên” giải thích, số tiền thu được chỉ đủ để nuôi bộ máy… thu tiền, ngoài ra mỗi năm nộp cho xã khoảng 20 triệu đồng. 8 chủ nhà cổ được hỗ trợ vài ba trăm nghìn đồng/tháng để trà nước đón tiếp du khách. Còn lại cả nghìn hộ trong làng, không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào nhưng vẫn phải tuân thủ quy định về bảo tồn, giữ gìn di tích làng cổ.

2. Thẳng thắn mà nói, theo cả Luật và thực tế, không ai tin và cũng chẳng ai quyết tước đi danh hiệu Di sản Quốc gia của làng cổ Đường Lâm chỉ từ lá đơn “thể hiện quan điểm của một bộ phận người dân”  như vậy.  Nhưng câu chuyện phản ánh một phản ứng mạnh mẽ của người dân, của xã hội về những chính sách và phương thức thực thi chính sách đầy cứng nhắc, chủ quan, không đi được vào đời sống xã hội mà cụ thể ở đây là Luật Di sản và cách thực thi công tác bảo tồn.

Còn nhớ, cách đây vài năm, lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà cũng đã nổi xung lên, đòi trả lại một danh hiệu tương tự của Đường Lâm đối với thắng cảnh Vịnh Nha Trang bởi những bế tắc, bó buộc và sự “hành hạ” phải “bảo vệ nguyên trạng” trong khi thắng cảnh này rộng đến năm trăm ki lô mét vuông (và rất cần thiết phải đầu tư du lịch, làm động lực chính cho sự phát triển của Khánh Hoà) lại được “nhốt” chung “rọ quy định” với những di tích đình chùa miếu mạo rộng vài chỉ trăm, thậm chí vài chục mét.

Và rõ ràng, cách làm bắt người dân hy sinh lợi ích của mình để lấy một cái danh di sản, không phải là một hướng bảo tồn bền vững; nói cách khác, đó là chính sách bảo tồn văn hoá một cách… thiếu văn hoá!

3. Để giải quyết được mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, nhất là trong những không gian di sản hiện sinh như làng cổ, phố cổ thì điều đầu tiên cần tính đến là lợi ích cộng đồng, địa phương. Chỉ khi người dân nhận thấy được lợi ích riêng, không chỉ ở mặt văn hóa, tinh thần mà còn cả lợi ích kinh tế, thì họ mới nhận thức và hành động theo cách chỉ có bảo tồn di sản văn hóa mới có điều kiện để phát triển kinh tế, mới có thu nhập cho chính mình. Trên cơ sở đó, mọi chủ trương, chính sách cũng phải gắn bó một cách hài hòa với hướng đi này.

Trở lại câu chuyện Đường Lâm, sẽ chẳng có gì là “ăn xổi”, là “thực dụng” khi dân làng “mời” du khách ra khỏi nhà. Đơn giản họ thấy chẳng có lý do gì mà phải hy sinh quyền riêng tư, phải niềm nở tươi cười đón khách thậm chí còn phải tốn nước chè và dọn vệ sinh cho những vị khách không nhiều ý thức.

Người xưa có câu “dân dĩ thực vi tiên”. Bảo tồn nếu không đảm bảo đời sống nhân dân, không đem lại lợi ích cho người dân, ắt người dân sẽ chối bỏ. Họ không thể “sống trong di sản” (đồng nghĩa với “sống trong sợ hãi”!?) chỉ với lời động viên (dẫu rất thật lòng) từ một lãnh đạo rằng “Tôi rất thông cảm”.

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Phạm Nguyễn