Dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ chưa từng có trong lịch sử

13/05/2011 00:52
(GDVN) – Việt Nam mất khoảng 20 năm để chuyển từ cơ cấu dân số “già hóa” sang cơ cấu dân số “già” trong khi Thụy Điển phải mất 85 năm, Nhật Bản mất 36 năm…

(GDVN) – Việt Nam sẽ mất khoảng 20 năm để chuyển từ cơ cấu dân số “già hóa” sang cơ cấu dân số “già” trong khi Thụy Điển phải mất 85 năm, Nhật Bản mất 36 năm… Điều này cũng đặt ra những thách thức lớn đối với Việt Nam.

Dự báo dân số năm 2020 của Tổng cục Thống kê  cho thấy tỷ lệ  dân số cao tuổi  sẽ đạt ngưỡng 10% tổng số dân vào năm 2017 - thời kỳ "già hóa dân số". Dự báo dân số cũng cho thấy Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn "dân số già" trong hai thập kỉ tiếp theo khi mà chỉ số già hóa sẽ tăng từ 35,5 vào năm 2009 lên hơn 100 vào năm 2032.

Theo đó, dân số Việt Nam đang già hóa một cách nhanh chóng, do tuổi thọ bình quân ngày càng tăng lên trong khi tỷ suất sinh và tỷ suất chết giảm. Khuynh hướng nhân khẩu học này cho thấy Việt Nam đã đạt được những thành tựu  to lớn trong việc cải thiện đáng kể về y tế, dinh dưỡng và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, theo kết quả báo cáo này, già hóa dân số nhanh chóng cũng sẽ tạo ra những thách thức to lớn đối với Việt Nam.

Do tỷ suất sinh và tỷ suất chết giảm một cách nhanh chóng, do tuổi thọ trung bình cảu người Việt Nam tăng đã khiến dân số cao tuổi gia tăng nhanh chóng cả về số lượng tương đối và tuyệt đối. 

alt
Việt Nam sẽ có cơ cấu dân số già vào khoảng năm 2037. (Ảnh minh họa, nguồn Internet)
Thời gian để Việt Nam chuyển đổi từ cơ cấu dân số “già hóa” sang cơ cấu dân số “già” sẽ ngắn hơn nhiều so với các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn. Chẳng hạn như Thụy Điển phải mất tới 85 năm, Nhật Bản là 26 năm, Thái Lan là 22 năm, trong khi dự báo ở Việt Nam chỉ là 20 năm. Điều này có ảnh hưởng lớn đối với tăng trưởng kinh tế cũng như các chương trình an sinh xã hội cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của nhóm dân số cao tuổi được coi là nhóm thiệt thòi và dễ bị tổn thương nhất.

Nam Phong