“Đất vàng” trụ sở: Tự ý bán là sai!

17/05/2012 07:24
Theo lãnh đạo Cục Quản lý Công sản, các bộ, ngành nên công khai việc bán trụ sở để có thể lựa chọn đơn vị nào trả tiền cao nhất. UBND TP Hà Nội có quyền quyết bán hay không.

Theo một lãnh đạo Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính), khi di dời trụ sở các bộ, ngành, lẽ ra Nhà nước phải giao quỹ đất và bỏ ngân sách ra để xây dựng trụ sở mới cho các bộ. Tuy nhiên, do ngân sách có hạn nên việc bán trụ sở cũ để lấy tiền xây dựng trụ sở mới là một phương án khả thi cần phải tính đến.

Mua trụ sở trên giấy

Cũng theo vị lãnh đạo trên, đây chính là giải pháp đang được một số bộ, ngành tính tới, trong đó có Bộ GTVT. Theo đó, bộ cho phép một chủ đầu tư nào đó mua trụ sở cũ trên giấy, với cam kết họ phải xây dựng cho Bộ GTVT một trụ sở mới. Sau đó sẽ xem xét, tính toán giá trụ sở mới và cũ theo giá thị trường là bao nhiêu. “Đây là mua bán chứ không phải hoán đổi, chuyển nhượng. Đó là phương án khả thi nhưng cả hai giá mua và bán đều phải theo giá thị trường nhưng không thông qua đấu giá. Tuy nhiên, giá đó vẫn phải do các cơ quan chức năng xác định rồi đưa ra chủ tịch UBND TP Hà Nội quyết định. Nếu giá bán trụ sở cũ cao hơn giá trụ sở mới thì toàn bộ khoản tiền thừa đó sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước” - vị này nói.

“Đất vàng” trụ sở: Tự ý bán là sai! ảnh 1

Trụ sở Bộ Xây dựng đang được đề xuất bán, sau đó làm nhà ở. Ảnh: HOÀNG VÂN

Trả lời câu hỏi “Vì sao không tổ chức đấu giá trụ sở cũ để công khai, minh bạch và thu được giá cao?”, vị lãnh đạo trên cho rằng việc tổ chức đấu giá đất của các trụ sở cũng là hết sức khó khăn, bởi theo nguyên tắc bán đấu giá là đất phải “sạch”. Vì thế, nếu bán đấu giá sẽ phải di dời tạm Bộ GTVT với cả ngàn cán bộ, nhân viên đi nơi khác trong khi ở Hà Nội hiện gần như không có một chỗ nào đủ công năng, đủ sức phục vụ cho cả Bộ GTVT. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng cho rằng các bộ, ngành nên công khai việc này để các doanh nghiệp, cá nhân xem xét. Sau đó các bộ, ngành sẽ lựa chọn đơn vị nào trả tiền cao nhất để thực hiện. “Cái chính là chúng ta cần công khai việc này để tạo sự minh bạch, có lợi cho cả bộ và Nhà nước. Doanh nghiệp, cá nhân nào đáp ứng được nhu cầu và mua giá cao, có lợi cho ngân sách Nhà nước thì sẽ được lựa chọn” - vị này nói.

Không bộ nào có quyền bán hoặc đổi chác trụ sở

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ, pháp luật về đất đai không cho phép bộ, ngành nào có quyền đổi chác hoặc bán trụ sở. Do đó, nếu Bộ GTVT đổi trụ sở cũ để lấy trụ sở mới của một đơn vị khác cũng là vi phạm. Do đó, khi di dời, các bộ phải trả lại đất cho UBND TP Hà Nội để cơ quan này quản lý. Sau đó, nếu cơ quan này đồng ý thì họ sẽ tổ chức đấu giá bán khu đất đó theo quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch chung của thủ đô. “Việc các bộ, ngành tự ý bán trụ sở là không phù hợp với pháp luật về đất đai” - ông Võ nói.

Riêng KTS Trần Thanh Vân lại lo lắng việc bán trụ sở sẽ dễ nảy sinh tiêu cực. “Những trụ sở cũ của các bộ, ngành nên dành làm các công trình công cộng. Tiền làm trụ sở các bộ, ngành cần do kinh phí Nhà nước cấp. Việc bán trụ sở dễ nảy sinh tiêu cực. Nếu là tài sản của cá nhân, người ta sẽ bán với giá cao nhất. Nhưng ở ta, nếu tài sản đó là của Nhà nước thì giá bán có thể rất lung tung. Nhiều trường hợp người mua và người bán câu kết với nhau bán tài sản của Nhà nước với giá rẻ rồi cùng hưởng lợi. Người bán và người mua đều có lợi nhưng công quỹ lại bị giảm đi” - bà Vân ưu tư.

UBND TP Hà Nội có quyền quyết bán hay không

Theo lãnh đạo Cục Quản lý Công sản, việc trụ sở các bộ, ngành có được phép bán hay không phụ thuộc nhiều vào quyết định của UBND TP Hà Nội. Nếu cơ quan này khẳng định nơi đó là công viên thì không thể bán, nếu nơi đó có thể xây nhà cao tầng thì việc bán có thể được phép nhưng giá bán lại khác. Do đó, việc bán chỉ được thực hiện sau khi UBND TP Hà Nội đưa ra quy hoạch khu vực đó như thế nào.

Trong một diễn biến khác, ngày 16-5, tin từ Văn phòng Bộ TN&MT cho biết bộ này đang chuyển tới trụ sở mới tại 10 Tôn Thất Thuyết, Mỹ Đình, Từ Liêm (Hà Nội). Việc dọn sang trụ sở mới được thực hiện cho tới hết tháng 5 sẽ cơ bản hoàn thành. Trụ sở mới của bộ lớn gấp ba lần trụ sở cũ, có 18 tầng, nằm trên diện tích đất gần 14.000 m2, được thiết kế làm việc cho trên 1.200 người. Tại đây có các đơn vị thuộc bộ gồm: Văn phòng Bộ, Tổng cục Quản lý Đất đai, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo, Cục Khí tượng Thủy văn, Cục Tài nguyên nước. Trụ sở cũ của bộ tại 83 Nguyễn Chí Thanh cho một số đơn vị sự nghiệp thuộc bộ sử dụng.

THÀNH VĂN - HOÀNG VÂN/Pháp luật TPHCM

Điểm nóng

Nhà giàu "phát điên"... vì quá an nhàn, sung túc

Cơn lốc cá độ tràn qua giới trẻ: Những cuộc đời bị hủy hoại

Cận cảnh vụ hành hung dã man hai nhà báo tại Văn Giang qua ảnh

Giá nước sạch Hà Nội chuẩn bị tăng mạnh

Hai nhà báo bị đánh dã man: "Nơi chúng tôi tác nghiệp không hề bị cấm"

Phát hiện gần 14 tấn thịt thối bao bì Trung Quốc

Giây phút kinh hoàng hai phóng viên bị hành hung ở Văn Giang