Đề nghị Quốc hội họp đến 9 - 10 giờ tối

06/10/2016 17:40
Ngọc Quang
(GDVN) - Phó Chủ tịch Quốc hội - ông Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến đề xuất này tại buổi thảo luận dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, chiều 6/10.

Theo ông Phùng Quốc Hiển, để đảm bảo cho các Đại biểu Quốc được phát biểu nhiều tại nghị trường Quốc hội mỗi kỳ họp, nên kéo dài thời gian làm việc cho các Đại biểu Quốc hội tranh luận, thậm chí kéo dài đến 21-22h như Quốc hội nhiều nước đã làm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề: “Quốc hội phát triển theo hướng thực sự là Quốc hội tranh luận, nhưng làm thế nào để đạt được Quốc hội tranh luận?

Cái này Văn phòng Quốc hội cần nghiên cứu hình thức nào đó, chẳng hạn trong kỳ họp sẽ phát phiếu cho các Đại biểu Quốc hội xem họ cần, muốn tranh luận vấn đề gì”.

Cũng theo ông Hiển, qua các phiên thảo luận tại các kỳ họp Quốc hội gần đây có thực trạng là vì làm theo đúng thời gian nên mỗi khi kết thúc phiên thảo luận hầu hết đều còn rất nhiều Đại biểu Quốc hội đăng ký nhưng chưa được phát biểu. Có phiên họp còn tới vài chục Đại biểu Quốc hội chưa được phát biểu.

“Có Đại biểu nói với tôi là phải lên sớm, đăng ký sớm để được phát biểu. Quốc hội tranh luận mà đến phát biểu cũng khó khăn thế là lỗi của chúng ta.

Tôi đề nghị có bao nhiêu ý kiến Đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu thì cho phát biểu hết mới thôi, nhưng không để lấn sang ngày hôm sau.

Tức là các phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội có thể kéo dài đến 21-22h giờ cho đến khi Đại biểu Quốc hội phát biểu hết ý kiến. Hiện, Quốc hội nhiều nước cũng đã làm điều này”, ông Hiển nêu quan điểm.

Ông Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến, Quốc hội có thể kéo dài thời gian họp trong ngày, để các Đại biểu Quốc hội đăng ký thảo luận được phát biểu tại nghị trường. ảnh: Ngọc Quang.
Ông Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến, Quốc hội có thể kéo dài thời gian họp trong ngày, để các Đại biểu Quốc hội đăng ký thảo luận được phát biểu tại nghị trường. ảnh: Ngọc Quang.

Chủ tịch Quốc hội - bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc kéo dài thời gian thảo luận trong ngày tại hội trường Quốc hội như vậy thì cần xin ý kiến của các ĐBQH.

Theo Chủ tịch Quốc hội, qua thực tế điều hành nhiều phiên thảo luận tại nghị trường, bà cũng nhận thấy có thực trạng nhiều Đại biểu Quốc hội đăng ký nhưng vì hết giờ không được phát biểu rất bức xúc, song cũng có nhiều Đại biểu Quốc hội khi chuẩn bị hết giờ là nhấp nhổm về vì họ còn bận rất nhiều việc khác.

Đấy là chưa kể đặc thù riêng nữa trong cách làm việc của Quốc hội nước ta.

“Đúng là Quốc hội các nước họ họp nhiều khi 8-9 giờ tối vẫn sáng đèn thảo luận nhưng đặc thù của họ khác, ở họ trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội, ai phát biểu cứ phát biểu còn người nào không muốn nghe thì có thể đi ra ngoài, làm việc khác.

Tuy nhiên ở Quốc hội nước ta, các kỳ họp, các phiên thảo luận ở hội trường đều đòi hỏi Đại biểu Quốc hội phải có mặt đầy đủ ở hội trường đảm bảo sự nghiêm túc.

Vì thế nếu thảo luận quá giờ, đến đêm thì chắc chắn cũng có rất nhiều Đại biểu Quốc hội bức xúc”.

Liên quan đến thời gian làm việc tại nghị trường Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội – bà Lê Thị Nga dẫn chứng: “Quốc hội chúng ta làm việc từ 8h đến 11h30, chiều từ 2h-5h, giải lao mỗi buổi 15-20 phút, như thế còn chưa được 6 tiếng rưỡi/ ngày. Vì thế tôi đề nghị phải làm đủ 8 tiếng theo quy định của Bộ luật lao động”.

Tuy nhiên, có ý kiến thì cho rằng, đó chỉ là thời gian làm việc trên hội trường Quốc hội còn ngoài thời gian trên thị trường, các Đại biểu Quốc hội còn phải nghiên cứu tài liệu, cho ý kiến, rất nhiều việc khác phải làm.

Qua thảo luận, đa số ý kiến khác đề nghị kỳ họp của Quốc hội không nên thảo luận quá giờ như hiện nay, không nên tăng thêm số buổi làm việc trong kỳ họp vào ngày thứ 7, Chủ nhật.

Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV dự kiến diễn ra từ 20/10 đến 19/11, thảo luận nhiều nội dung quan trọng.

Cụ thể, Quốc hội dự kiến xem xét thông qua 4 dự án luật: Luật về hội; Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13;

Quốc hội cũng dự kiến thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Kỳ họp này, Quốc hội dành phần lớn thời gian để cho ý kiến vào 12 dự án luật: Luật đường sắt (sửa đổi); Luật quản lý ngoại thương;  Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật thủy lợi; Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật cảnh vệ; Luật du lịch (sửa đổi); Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật quy hoạch.

Bên cạnh đó còn có một loạt những nội dung quan trọng khác:

Xem xét báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 (trong đó có đề cập đến các giải pháp thực hiện 5 năm theo Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2020).

Xem xét báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017 (nội dung liên quan đến “các giải pháp thực hiện 5 năm theo Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2020” được thể hiện trong Báo cáo kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020).

Xem xét, quyết định kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 (theo quy định tại Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016).

Xem xét, quyết định kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015);

Báo cáo khắc phục hậu quả do sự cố môi trường liên quan đến Formosa, bài học kinh nghiệm và các giải pháp để bảo vệ môi trường (kết hợp thảo luận cùng kinh tế-xã hội);

Báo cáo về tình hình Biển Đông; Chất vấn và trả lời chất vấn và một số nội dung khác.

Ngọc Quang