Đi lễ chùa: 'Thổ dân chặt chém' du khách, từ thành thị tới nông thôn

28/01/2012 06:00
Nguyễn Tiến (Tổng hợp)
(GDVN) - Đến hẹn lại lên, đầu xuân những dịch vụ “chặt chém” lại bắt đầu có cơ hội bùng phát “móc túi” người tiêu dùng.

Trên báo Thanh Niên cho biết, lợi dụng những ngày đầu năm mới, nhiều cửa hàng ăn uống tại Hà Nội chưa mở cửa trở lại, các chủ hàng ăn tha hồ vung tay “chặt chém” khiến khách không khỏi giật mình khi rút ví thanh toán.

Nhiều người dân đi lễ chùa bị các bãi gửi xe "móc túi"
Nhiều người dân đi lễ chùa bị các bãi gửi xe "móc túi"

Anh Bùi Văn Trường, lập trình viên cho một công ty trên đường Nguyễn Thị Định (quận Cầu Giấy) cho biết, bữa ăn trưa ngày đầu tiên đi làm đã bị “chém”.

Anh kể, một bát bún chả lõng bõng toàn nước, vài cọng bún, mấy miếng chả mà giá 50.000 đồng. “Muốn ăn no chắc phải ăn năm bát như thế mới tàm tạm ấm bụng, đắt cha chả là đắt”, anh Trường nói.

Theo anh, năm nào cũng thế, sau tết cứ mỏi mắt tìm quán ăn. Tìm được quán ăn rồi thì nơm nớp lo bị “úp sọt” lúc thanh toán nên cách tốt nhất là hỏi giá trước khi ăn.

Tuy nhiên, nhiều người dù đã cẩn thận hỏi giá trước nhưng vẫn không thoát khỏi cái giá đắt cắt cổ của hàng ăn sau tết.

Anh Nguyễn Đình Tuấn quê ở Hưng Yên, làm lái xe taxi ở Hà Nội kể lại chuyện ăn cơm bị “móc túi” trưa mùng 5 tết. Sau khi trả khách gần một tiệm cơm trên phố Chính Kinh (quận Thanh Xuân), anh vào ăn cơm.
Mặc dù đã cẩn thận hỏi trước giá, anh được bà chủ quán báo 40.000 đồng/suất. Ăn hết suất cơm mà vẫn chưa thấy chắc bụng, anh Tuấn gọi thêm một đĩa đậu phụ rán. Lúc thanh toán anh giật mình khi chủ quán bảo “của anh hết 60.000 đồng”.

“Một đĩa đậu phụ 5 miếng cỡ bao diêm mà giá 20.000 đồng. Với ngần này tiền, mua đậu về rán, chắc phải được gần chục đĩa như thế”, anh Tuấn ngao ngán nói.

Nhiều bến đò, phà tranh thủ "móc túi" người dân dịp Tết (Ảnh minh họa)
Nhiều bến đò, phà tranh thủ "móc túi" người dân dịp Tết (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, dịch vụ bán và sắp lễ, viết sớ, bán “muối may mắn” cũng đua nhau nở rộ với giá “trên trời”. Một người dân hành lễ tại Phủ Tây Hồ cho biết, nếu mua cả lễ, hoa quả, sớ… tại Phủ sẽ phải trả với giá khoảng 500.000 đồng, thậm chí đắt hơn, trong khi nếu mua mang đi chỉ mất khoảng 200.000 đồng.

Ngày lễ, tại các đền chùa, người dân cũng nô nức đi lễ khiến cho không gian trở nên chật trội. Bên ngoài các điểm hành lễ, các bãi gửi xe mọc lên như nấm. Bãi gửi xe của Phủ Tây Hồ không còn một chỗ trống. Vỉa hè trên đường Thanh Niên, phố Quán Thánh bị chiếm dụng thành bãi trông xe với giá “đồng hạng” là 10.000 đồng/xe máy. Nếu gửi xe ôtô sẽ bị bắt chẹt và thu với giá trên 100.000 đồng/xe.

Sáng mồng Một Tết, một số điểm trông xe của Phủ Tây Hồ, các “nhà xe” đã hét giá 20.000 đồng/xe máy. Nhiều người dân bức xúc thì được trả lời “ngày Tết nó thế” và “đi đâu cũng giá thế”, cho nên đành bấm bụng rút tiền trả với tâm lý “ngày đầu năm, cãi cọ mất vui”. 

Nhiều người đi lễ chùa, hoặc vào các điểm tham quan đông người đã không khỏi phải bất bình khi một số điểm trông giữ xe tư nhân (tự phát) đã thu tiền giữ xe máy quá cao (trung bình là 20.000 đồng/xe, thậm chí lên tới 30.000 đồng/xe máy). Không chỉ ở các điểm trông xe tự phát mà ngay tại các điểm giữ xe ở ngoài cửa Văn Miếu-Quốc Tử Giám người ta cũng ngang nhiên thu 20.000 đồng/xe máy.

Tại các vùng quê xa xôi, một số dịch vụ cũng ăn theo những ngày Tết để  “chặt chém”. Ở nhiều vùng quê hiện nay do chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng đầy đủ nên người dân vẫn phải dùng đò hoặc phà để chuyên chở khách qua sông. Ngày bình thường, mỗi lượt chở khách qua sông chỉ vài ba nghìn đồng/lượt, thế nhưng vào dịp Tết giá cả tăng lên cả chục ngàn đồng/lượt. Khi người dân thắc mắc thì được người lái đò trả lời một cách lạnh nhạt “ngày Tết mà”.

Nguyễn Tiến (Tổng hợp)