Điểm báo sâu ngày 4.8.2011: Dồn dập thông tin về Biển Đông

04/08/2011 04:37
(GDVN) - Trên hầu khắp các mặt báo như Tuổi trẻ, Việt Nam net,... đăng tải thông tin về việc Chính Phủ trực tiếp báo cáo trước Quốc hội về tình hình biển Đông

(GDVN) - Trên hầu khắp các mặt báo như Tuổi trẻ, Việt Nam net,... đăng tải thông tin về việc Chính Phủ trực tiếp báo cáo trước Quốc hội về tình hình biển Đông, bên cạnh đó là một vài bài viết về lai lịch đường lưỡi bò, những động thái từ phía Trung Quốc cũng như hoạt động tích cực từ phía Việt Nam nhằm tuyên truyền chủ quyền quần đảo Trường Sa.

a
Theo chương trình nghị sự, Quốc hội không có nội dung thảo luận riêng về Biển Đông, nhưng các đại biểu có thể nêu ý kiến tại các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội. (Ảnh Vietnamnet)

Lai lịch và thực chất của đường lưỡi bò
 
Trên TuanVietNam đưa ra những lập luận phản bác lại những căn cứ để xác lập chủ quyền của Trung Quốc đối với biển đảo trên gần 80% diện tích biển Đông của một tác giả là một nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đăng tải trên China Dailly. Theo TuanVietNam, tác giả bài viết đã không trưng ra bất kì bằng chứng thuyết phục gì, và vì thế, không có gì để tranh biện.

Thứ nhất, bài báo chỉ ra Lai lịch tấm bản đồ tháng 10/1947 (bản đồ 11 đoạn hình chữ U do Bộ Nội Chính chính phủ Quốc dân đảng ấn hành).

Báo chí Trung Quốc có liên hệ một nhân vật lịch sử nổi tiếng đời nhà Thanh là tướng quân Lâm Tắc Từ, và người cháu năm sáu đời gì đó làm sĩ quan Hải quân chính phủ Quốc dân đảng. Sau chiến tranh thế giới thứ II, Trung Quốc thời Tưởng Giới Thạch là một nước trong phe Đồng minh thắng trận, hải quân của chính quyền Tưởng phái chiến hạm mang tên Thái Bình do Lâm Tuân chỉ huy đi tuần sát biển Nam xem có tàn dư quân Nhật hoặc nạn dân kẹt lại đâu đó hay không. Chỉ làm được một vòng rất hạn hẹp, cho quân xuống cắm cờ ở một vài đảo, nhưng khi về căn cứ, Lâm Tuân cùng thuộc hạ là mấy chuyên viên quan trắc, họa đồ xúm lại vẽ ra một tấm bản đồ gọi là Nam Hải chư đảo vị trí đồ (Bản đồ vị trí các đảo Nam Hải), chuyển cho Ti Phương vực Bộ Nội Chính đem in xuất bản tháng 10-1947. Không những bản gốc hiện đã được bảo quản cẩn mật mà cả bản ảnh điện tử của nó cũng hầu như rất ít xuất hiện trên mạng của Trung Quốc.

Thực chất, cái bản đồ bộ Nội chính in ra 10-1947 ấy chưa phát hành được bao nhiêu thì đã thành đồ "vứt sọt rác", khi chính quyền Tưởng Giới Thạch phải chạy ra Đài Loan!

a

Tấm bản đồ lưỡi bò do Lâm Tuân vẽ năm 1947,. Những nét mực đỏ tác giả tô lại cho rõ.(Ảnh TuanVietNam)

Thứ hai, bài báo khẳng định: Các cứ liệu thư tịch - bản đồ cổ của Trung Quốc thực sự mờ nhạt thiếu thuyết phục.

Khác với nguồn thư tịch dù không mấy thuyết phục nhưng cũng còn có cái tên để nêu lên, thể loại bản đồ cổ Trung Quốc rất vắng thiếu và hầu như không có các cứ liệu ủng hộ cho lập trường bành trướng của họ đối với biển Đông và các quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa! 

Lâm vào tình thế đó, thậm chí người ta thấy những bài viết bắt đầu lánh dần vấn đề các cứ liệu thư tịch - bản đồ, mà chuyển dần sang chủ điểm nói về một thứ "lãnh hải" rất kỳ quái mà họ gọi mà "lãnh hải chủ trương" - nghĩa là lãnh hải (trên biển Đông) mà nhà cầm quyền Trung Quốc "chủ trương" muốn có và cần phải có. 

Cái gọi là "chủ trương lãnh thổ, lãnh hải" đó không gì khác hơn là cái tham vong bất chấp sự thật lịch sử của chủ nghĩa bá quyền Bắc Kinh trên đất liền cũng như trên biển. 

Thứ ba, bài báo khẳng đinh: Bản đồ đường lưỡi bò là sự giải thích vá víu.
 
Bài đăng trên China Daily dẫn lời của Triệu Lý Hải đưa ra khái niệm "sở hữu danh nghĩa" là một mưu toan khiến người ta hiểu rằng Trung Quốc nhận quyền "sở hữu danh nghĩa " như vậy, còn trên thực tế thì các nước có thể không bị ảnh hưởng gì! Hoặc điều đó "không có nghĩa là toàn bộ vùng biển trong đường này thuộc về vùng nội thủy của Trung Quốc", các nước qua đàm phán với Trung Quốc vẫn có thể được Trung Quốc cho tự do đi lại trên một số tuyến hàng hải nào đó theo quy định của Trung Quốc!

Tham vọng "vô đáy" như vậy đối với chủ quyền ở Biển Đông không những bị dư luận thế giới phản đối, mà ngay ở trong nước những người Trung Quốc có lương tri cũng cho rằng chủ trương lãnh hải hình chữ U (Lưỡi bò) ấy là không khả thi. Có bài báo viết: nếu theo đó thì có những nơi ngươi dân nước họ "nhảy xuống nước bơi một đoạn, ngẩng đầu lên đã là ra ngước ngoài rồi"! Hoặc có người nói: "Đem lãnh hải đến đặt trước cửa nhà người ta như thế thì ai người ta chịu?" v.v...

Tàu Trung Quốc khảo sát ở biển Đông

Theo thông tin từ Pháp luật TPHCM, Tổ chức nghiên cứu khảo sát Trung Quốc thông báo một cuộc khảo sát khoa học tại khu vực Tây Nam biển Đông đã thu được thông tin sơ lược về địa lý tích hợp chất lượng cao theo chiều dài 1.000 km từ quần đảo Hoàng Sa đến Trường Sa. Tổ chức này cho rằng mục đích khảo sát nhằm giúp các nhà khoa học nghiên cứu hoạt động kiến tạo địa chất tại biển Đông và dự báo thiên tai. Khảo sát kéo dài từ ngày 13-6 đến ngày 31-7 do tàu nghiên cứu Trung Quốc phối hợp với một cơ quan nghiên cứu của Pháp thực hiện.

Bên cạnh đó, tờ báo này cũng đăng tải thông tin: ngày 3-8, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tuyên bố Philippines đang chuẩn bị hợp thức hóa lập trường của Philippines theo luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về Luật Biển. Cùng ngày, báo Sydney Morning Herald của Úc đã đăng bài xã luận của Giáo sư Hugh White ở Đại học quốc gia Úc. Giáo sư lo ngại nếu Mỹ và Trung Quốc hành xử không thận trọng, một biến cố nhỏ ở quần đảo Trường Sa cũng có thể làm tan vỡ quan hệ Mỹ-Trung và nhấn chìm châu Á vào khủng hoảng. Ông cho rằng chính phủ Úc cần thuyết phục Trung Quốc và Mỹ rút lui khỏi tư thế đối đầu và huy động sức mạnh tập thể của các cường quốc tầm trung ở châu Á để thuyết phục hai bên kiềm chế tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á vào tháng 10 tới ở Indonesia.

Danh nghĩa pháp lý nào xác định chủ quyền trên các đảo Hoàng Sa, Trường Sa?

Trên tờ Thanh niên có bài viết về những yêu sách của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và đưa ra vấn đề: Tầm quan trọng chính trị, chiến lược và kinh tế của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đòi hỏi phải có được một giải pháp tổng thể. Và vấn đề đầu tiên cần xem xét đến là tranh chấp ở đây phải được coi là tranh chấp pháp lý, trong đó cần dựa trên danh nghĩa pháp lý nào để xác định chủ quyền trên các quần đảo này?

Cơ sở của Trung Quốc tại đá Vành Khăn mà họ chiếm đóng trái phép ở quần đảo
Cơ sở của Trung Quốc tại đá Vành Khăn mà họ chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa (Ảnh AFP)

Câu hỏi được đặt ra là: đây có phải là tranh chấp có liên quan đến quyền thụ đắc lãnh thổ được coi là vô chủ (res nullius) hoặc là tranh chấp một vùng lãnh thổ trên đó chủ quyền quốc gia đã được xác định, nhưng với thời gian và sự phát triển của các sự kiện, lãnh thổ đó trở thành lãnh thổ từ bỏ (terre derelictio)?

Do việc chiếm cứ các đảo khác nhau tại các giai đoạn khác nhau và do có quá nhiều các danh nghĩa khác nhau được đưa ra trên cùng một vùng lãnh thổ. Đã có khá nhiều tác phẩm trong và ngoài nước viết về tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Dưới ánh sáng của thuyết luật theo thời điểm (Intertemporel), tác giả bài báo khẳng định sẽ cố gắng nghiên cứu sâu các luận thuyết của mỗi bên tranh chấp.
Luật theo thời điểm do M.Hubert đưa ra lần đầu tiên trong vụ đảo Palmas bao gồm hai nguyên tắc cơ bản:

1) Một sự kiện pháp lý phải được đánh giá dưới ánh sáng của luật mà nó là đương thời chứ không phải dưới ánh sáng của luật có hiệu lực vào thời điểm mà tranh chấp nảy sinh hoặc được giải quyết;

2) Một luật lệ không thể duy trì trong một hệ thống pháp luật trừ phi nó phù hợp với các yêu cầu trong hệ thống đó. 

Hà Nội trưng bày đá san hô quần đảo Trường Sa

Thêm một động thái tích cực nhằm tuyên truyền về chủ quyền quần đảo Trường Sa được đăng tải trên tờ TT &VH.

Tờ báo này đưa tin: Lễ tiếp nhận đá san hô quần đảo Trường Sa sẽ diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội ngày 6/8. Đây là hoạt động nhằm tuyên truyền về chủ quyền quần đảo Trường Sa, về hoạt động sản xuất phát triển kinh tế biển của quân, dân huyện đảo Trường Sa.

Từ năm 2009, hoạt động tặng đá Trường Sa cho các tỉnh, thành trên cả nước được Quân chủng Hải quân triển khai. Theo đó, mỗi tỉnh, thành sẽ được tặng một bản đồ bằng đá san hô, phỏng theo mô hình 33 đảo và điểm đảo của quần đảo Trường Sa. Trên mỗi viên đá sẽ được khắc kinh độ, vĩ độ của từng đảo, điểm đảo.

Hải Hà (tổng hợp)