Diễn tập Nhật-Mỹ: Quân Mỹ đánh chiếm xong đảo sẽ bàn giao cho Nhật Bản

24/06/2013 07:21
Việt Dũng
(GDVN) - Quy mô, lực lượng, vũ khí trang bị, khoa mục diễn tập đều cho thấy ý đồ nhằm kiềm chế Trung Quốc rõ ràng, tăng năng lực tác chiến giữ đảo Senkaku.
Ngày 14 tháng 6, máy bay vận tải cánh xoay MV-22 Osprey của phi đội VMM-161 Thủy quân lục chiến Mỹ hạ cánh xuống tàu sân bay trực thăng Hyuga của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Ngày 14 tháng 6, máy bay vận tải cánh xoay MV-22 Osprey của phi đội VMM-161 Thủy quân lục chiến Mỹ hạ cánh xuống tàu sân bay trực thăng Hyuga của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản

Từ ngày 10 đến ngày 26 tháng 6, Nhật Bản và Mỹ tổ chức diễn tập quân sự đánh chiếm đảo ở bang California.

Theo báo Nhật ngày 19 tháng 6, một thành viên của Thủy quân lục chiến Mỹ tham gia cuộc diễn tập lần này đã tiết lộ với báo giới về chi tiết cụ thể của cuộc diễn tập đánh chiếm đảo ngày 17 tháng 6: Sau khi chiếm đảo, quân Mỹ sẽ bàn giao cho phía Nhật tiếp quản.

Kiềm chế Trung Quốc

Diễn tập quân sự Nhật-Mỹ lần này là cuộc diễn tập liên hợp đầu tiên triển khai ở nước ngoài của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất/Biển/Trên không Nhật Bản.

Theo tiết lộ của báo chí Nhật Bản: 4 máy bay cánh xoay MV-22 Osprey có khả năng cất/hạ cánh thẳng đứng đã tiến hành hạ cánh trong khói bụi, khoảng 80 binh sĩ thủy quân lục chiến ra khỏi máy bay, cầm súng trường, đột kích trên đồng hoang.

Họ đánh sân bay do quân địch chiếm đóng, bắt đầu cuộc chiến bắn nhau. Sau khi chiến đấu được khoảng 15 phút, máy bay trực thăng vũ trang của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản xuất hiện ở trên không địa điểm giao chiến.

Máy bay trực thăng lượn 1 vòng, xác nhận được an toàn, rồi hai máy bay trực thăng vận tải chở theo binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Mặt đất hạ cánh xuống mặt đất. Khoảng 60 binh sĩ mặc quân phục, cầm súng trường xông ra từ máy bay. Không lâu sau, sĩ quan chỉ huy Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tuyên bố kết thúc diễn tập.

Về mục đích của cuộc diễn tập, Lực lượng Phòng vệ nhiều lần công khai cho biết, hoàn toàn không nhằm vào khu vực cụ thể nào. Nhưng hãng Kyodo, Nhật Bản đã trực tiếp chỉ ra, cuộc diễn tập lần này có ý đồ kiềm chế Trung Quốc; tờ "Asahi Shimbun" Nhật Bản ngày 19 cho rằng, Nhật Bản - nước gấp rút tăng cường phòng thủ các đảo nhỏ và Mỹ - nước trông đợi Nhật Bản phát huy vai trò lớn hơn, có thể có ý đồ thống nhất trong cuộc diễn tập lần này.

Máy bay MV-22 Osprey hạ cánh xuống tàu Hyuga
Máy bay MV-22 Osprey hạ cánh xuống tàu Hyuga

Xác lập nhiều kỷ lục

So với trước đây, cuộc diễn tập đánh chiếm đảo liên hợp Nhật-Mỹ lần này đã xác lập nhiều kỷ lục.

Một là về quy mô diễn tập. Tổng binh lực của Nhật-Mỹ lên đến 5.000 quân, trong đó Nhật Bản có 1.000 quân, Mỹ có 4.000 người, ngoài ra còn có một bộ phận binh sĩ của New Zealand và Canada.

Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ đóng quân tại doanh trại Pendleton, California hầu như dốc toàn lực cho cuộc diễn tập. Cuộc diễn tập đổ bộ có quy mô lớn như vậy, cho dù ở trong nội bộ quân Mỹ, cũng rất ít thực hiện.

Hai là về vũ khí trang bị tham gia diễn tập. Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản cử biên đội 3 tàu chiến trong đó có tàu sân bay trực thăng Hyuga, tàu khu trục tên lửa Atago (lớp Aegis) và mang theo 4 máy bay trực thăng tiến hành vượt đại dương tham gia diễn tập.

Máy bay cánh xoay MV-22 Osprey của Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ tiến hành diễn tập cất/hạ cánh trên tàu sân bay trực thăng Hyuga. Tàu chiến chủ lực và trang bị tiên tiến nhiều như vậy cũng là lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc diễn tập "đánh chiếm đảo" giữa Nhật-Mỹ.

Ba là về khoa mục diễn tập. Ngoài diễn tập mô phỏng trên bản đồ truyền thống, hiệp đồng chỉ huy thông tin, trong giai đoạn diễn tập thực binh, Nhật-Mỹ sẽ phát động tấn công đổ bộ liên hợp mô phỏng đối với đảo San Clemente, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản sẽ diễn tập ở bãi biển và máy bay trực thăng hạ cánh thẳng đứng, tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ Biển tiến hành chi viện hỏa lực bằng đạn thật.

Khoa mục của cuộc diễn tập lần này đã vượt xa những hoạt động "đánh nhỏ" dựa trên cơ sở tác chiến đặc biệt các hòn đảo trước đây, bước vào phạm trù tác chiến đổ bộ quy mô lớn.

Tàu chiến Nhật Bản tiến hành diễn tập đổ bộ đánh chiếm đảo tại Mỹ.
Tàu chiến Nhật Bản tiến hành diễn tập đổ bộ đánh chiếm đảo tại Mỹ.

Gây lo ngại cho ai?

Đối với cuộc diễn tập quân sự Nhật-Mỹ lần này, truyền thông Hàn Quốc phân tích cho rằng, những năm gần đây Nhật Bản không ngừng thúc đẩy thực hiện chiến lược mở rộng trên biển, không ngại tranh đoạt lãnh thổ biển đảo với láng giềng.

Nhật Bản nếu đã sở hữu những hòn đảo chiếm được thì sẽ sở hữu vùng biển rộng lớn, theo đó sở hữu nguồn tài nguyên đáy biển phong phú. Như vậy cũng đã đảm bảo cho sự sinh tồn, sự phát triển và vị thế chiến lược của quốc gia Nhật Bản.

Trong khi đó, báo chí Trung Quốc dẫn lời học giả Hàn Quốc (không nêu tên?) phê phán, ra sức kêu gào cho rằng, Nhật Bản đang có bước đi "nguy hiểm" hướng tới "chủ nghĩa quân phiệt" và "xâm lược nước ngoài". Người dân Hàn Quốc thì "bất an" và "hoang mang" với các hành động của Nhật Bản.

Báo Trung Quốc dẫn tờ tuần san "Thời đại" Mỹ ngày 12 tháng 6 nói về cuộc diễn tập quân sự liên hợp Mỹ-Nhật lần này rằng "Nhật Bản tiến thêm một bước gây lo ngại nhất". Theo bài viết, từ ngày 10 tháng 6, cuộc diễn tập đổ bộ đánh chiếm đảo Nhật-Mỹ mang tên "Dawn Blitz" diễn ra trong thời gian 2 tuần đã chính thức triển khai. Địa điểm diễn tập là vịnh California, Mỹ, nội dung diễn tập chủ yếu là đổ bộ đánh chiếm đảo San Clemente.

Kế hoạch ban đầu của cuộc diễn tập này lấy địa điểm là vùng biển Okinawa, Nhật Bản, nhưng trong bối cảnh tranh chấp đảo Senkaku giữa Trung-Nhật leo thang, do lo ngại phản ứng của Trung Quốc, chuyển sang vịnh California, Mỹ.

Tàu đổ bộ đệm khí LCAC Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đổ bộ đưa vũ khí trang bị lên đảo
Tàu đổ bộ đệm khí LCAC Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đổ bộ đưa vũ khí trang bị lên đảo

Diễn tập đánh chiếm đảo liên hợp Nhật-Mỹ tiến hành mỗi năm một lần bắt đầu từ năm 2010, nhưng cuộc diễn tập lần này lại khác với trước đây rất nhiều, vì thế báo chí Mỹ đã sử dụng "lần đầu tiên" để hình dung đây là cuộc diễn tập liên hợp mà cả 3 "quân chủng" của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản lần đầu tiên tổ chức "làm thế nào để đoạt lấy và bảo vệ các hòn đảo xa xôi", máy bay vận tải cánh xoay Osprey Mỹ lần đầu tiên cất/hạ cánh trên tàu sân bay trực thăng Nhật Bản, đặc biệt là quân Mỹ lần này hầu như thoải mái truyền thụ kiến thức chiến thuật đánh chiếm đảo mang tính chất chiến đấu thực tế hơn cho Nhật Bản.

Báo chí Mỹ phân tích cho rằng, một mặt Mỹ muốn để Nhật Bản đảm đương nhiệm vụ quân sự nhiều hơn do sức ép từ sức mạnh quân sự to lớn của Trung Quốc, mặt khác Nhật Bản muốn có được năng lực quân sự ngày càng độc lập tự chủ, vì vậy cuộc diễn tập lần này mới có tính chiến đấu thực tế, tính chất nhằm vào như vậy.

Hơn nữa, Nhật Bản đang tập trung sáng lập "Lực lượng chiếm lại đảo nhỏ" và Đảng Tự do Dân chủ cầm quyền Nhật Bản đưa ra "Luật cảnh giới, bảo đảm an ninh 12 hải lý Senkaku", cho phép Lực lượng Phòng vệ có quyền sử dụng vũ lực trong vùng biển 12 hải lý của đảo Senkaku. Có thể cho rằng, cuộc diễn tập quân sự liên hợp Mỹ-Nhật có màu sắc "chuẩn bị chiến đấu" rất rõ rệt.

Máy bay trực thăng vận tải CH-47 mang theo binh sĩ Nhật Bản đến khu vực diễn tập.
Máy bay trực thăng vận tải CH-47 mang theo binh sĩ Nhật Bản đến khu vực diễn tập.
Phân đội viễn chinh 13 Thủy quân lục chiến Mỹ và binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tiến hành huấn luyện chiến thuật.
Phân đội viễn chinh 13 Thủy quân lục chiến Mỹ và binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tiến hành huấn luyện chiến thuật.
Quân đoàn viễn chinh 1 Thủy quân lục chiến Mỹ và binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tiến hành huấn luyện xen kẽ
Quân đoàn viễn chinh 1 Thủy quân lục chiến Mỹ và binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tiến hành huấn luyện xen kẽ
Việt Dũng