Đoàn Đặc công 5 - Binh chủng Đặc công: Bệ phóng của những chiến công

23/03/2012 11:41
Theo báo Quân Đội Nhân Dân
45 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ chiến đấu, hy sinh và cống hiến tuổi thanh xuân của mình là để góp phần ....
45 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ chiến đấu, hy sinh và cống hiến tuổi thanh xuân của mình là để góp phần tô thắm truyền thống Đoàn Đặc công 5 anh hùng. Và hôm nay, những người lính đặc công vẫn luôn tự hào về truyền thống cha anh. Họ đang viết tiếp trang sử vẻ vang ấy ...
Thấy tôi đứng xúc động trước danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và những tấm huân chương trưng bày trang trọng trong phòng truyền thống, Đại tá Nguyễn Văn Cầu - Chính ủy Đoàn Đặc công 5 nói: “Để có được những danh hiệu cao quý này, bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã phải chiến đấu, hy sinh và cống hiến tuổi thanh xuân của mình. Đấy là tài sản vô giá, là cơ sở để chúng tôi xây đắp niềm tin, rèn luyện ý chí chiến đấu, là bệ phóng của những chiến công!”.
Đoàn Đặc công 5 kiểm tra võ thuật chiến đấu.
Đoàn Đặc công 5 kiểm tra võ thuật chiến đấu.
Thực tế ở Đoàn Đặc công 5, công tác giáo dục truyền thống có nhiều cách làm hiệu quả, thiết thực. Bên cạnh giáo dục chính trị theo chương trình cơ bản, các cơ quan, đơn vị chủ động biên soạn tài liệu, xây dựng hệ thống biểu đồ, mô hình trực quan... góp phần giới thiệu rõ hơn, sâu sắc hơn về truyền thống hào hùng, những chiến công chói lọi và những thành tích tiêu biểu của đơn vị.

Mỗi đợt đón tân binh, tiếp nhận sĩ quan trẻ và quân nhân chuyên nghiệp mới về đơn vị công tác, cơ quan chính trị chủ động tập trung giới thiệu cụ thể về lịch sử; tổ chức tham quan nhà truyền thống... Trung bình mỗi năm, Nhà truyền thống đơn vị đón hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ, học sinh, sinh viên và nhân dân đến tham quan.
Trong chương trình giáo dục chính trị cơ bản hằng năm cho các đối tượng, cơ quan chính trị thường lồng ghép các nội dung câu hỏi liên quan đến truyền thống đơn vị. Tại các buổi khai mạc lễ ra quân huấn luyện, kiểm tra kết thúc huấn luyện giai đoạn 1 và cả năm đều có nội dung tuyên truyền và câu hỏi kiểm tra nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về lịch sử truyền thống. Qua những đợt tham gia hội diễn Nghệ thuật quần chúng cấp Binh chủng, những lần Đoàn tổ chức liên hoan Văn hóa, văn nghệ, giao lưu kết nghĩa... các cơ quan, đơn vị coi trọng nội dung tuyên truyền về lịch sử, truyền thống đơn vị bằng hình thức sân khấu hóa. Đoàn thanh niên phát động các cuộc thi tìm hiểu truyền thống. Phối hợp với đơn vị kết nghĩa tổ chức diễn đàn thanh niên, hái hoa dân chủ, giao lưu văn hóa... Đơn vị còn chủ động mời các đồng chí cựu chiến binh kể chuyện truyền thống cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ để từ đó khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, trân trọng quá khứ với sự hy sinh mất mát và những chiến công chói lọi của bao lớp cha anh đi trước.
Cứ đến dịp kỷ niệm ngày truyền thống, đơn vị tổ chức các đoàn hành quân về thăm lại chiến trường xưa - những địa danh một thời in đậm dấu chân người chiến sĩ đặc công nước anh hùng như bến Nhà Bè, thành Tuy Hạ, sông Sài Gòn, Lòng Tàu…

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1967 đến 1975), Tiểu đoàn 5 đặc công (đơn vị tiền thân của Đoàn Đặc công 5) đã trực tiếp huấn luyện 50 khung Đại đội (từ K1 đến K50) với hơn 5000 cán bộ, chiến sĩ đặc công nước tăng cường cho chiến trường miền Nam.

Nhiều đồng chí dũng cảm chiến đấu, chẳng sợ gian khổ, hy sinh, lập nên những chiến công xuất sắc, được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân như liệt sĩ Hà Quang Vóc và anh hùng Nguyễn Hồng Thế…

Song cũng không ít người trong số họ đã vĩnh viễn nằm lại trên các chiến trường sông, biển…

Về lại chiến trường xưa, thế hệ trẻ hôm nay được nhân dân kể lại những năm tháng chiến đấu gian khổ, đầy mất mát, hy sinh nhưng vô cùng kiêu hãnh, tự hào của dân tộc ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo Thượng tá Đặng Mạnh Hùng - Chủ nhiệm Chính trị Đoàn Đặc công 5, công tác giáo dục truyền thống không chỉ là hô hào khẩu hiệu chung chung, mà được thể hiện bằng những hành động thiết thực, bằng những việc làm cụ thể. Trong điều kiện cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ còn nhiều thử thách, các thế lực phản động, thù địch thường xuyên tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân thì công tác giáo dục truyền thống nói riêng, công tác giáo dục chính trị nói chung đã giúp cán bộ, chiến sĩ đơn vị rèn luyện ý thức chấp hành kỷ luật và tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Với những thành tích xuất sắc trong thời kỳ đổi mới, Đoàn Đặc công 5 vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới”; Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua 5 năm liên tục (từ năm 2000 đến năm 2004);

Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba. Năm 2011 được Bộ Quốc phòng tặng “Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua quyết thắng”, “Cờ đơn vị huấn luyện giỏi” và danh hiệu “Đơn vị vững mạnh toàn diện”.
Bài học thành công của Đoàn Đặc công 5 hôm nay bắt nguồn từ khả năng nhận thức, trình độ và ý thức trách nhiệm đúng đắn của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ đối với lịch sử, truyền thống, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.

Từ một Tiểu đoàn Đặc công nước năm xưa, nay đã trở thành một Đoàn Đặc công nước cơ động mạnh của Bộ, biên chế đủ các lực lượng Đặc công nước, Đặc công người nhái,

Đặc công nước chống khủng bố và lực lượng tàu vận tải chiến đấu hiện đại có thể tác chiến thắng lợi trên các vùng biển, đảo gần và phối hợp với các lực lượng tác chiến các mục tiêu chủ yếu, quan trọng trên biển, đảo xa ở quần đảo Trường Sa và DK1.
Vâng, những người lính đặc biệt tinh nhuệ ở Đoàn Đặc công 5 hôm nay là vậy đó. Tình yêu người lính và khát vọng bảo vệ biển, đảo đã tiếp thêm sức mạnh và dũng khí để họ viết tiếp những trang sử vẻ vang của đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân trong thời kỳ đổi mới...
Theo báo Quân Đội Nhân Dân