Đoàn kết là truyền thống tạo nên sức mạnh phi thường của dân tộc Việt Nam

30/04/2021 16:25
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Độc lập, thống nhất là mong mỏi của cả một dân tộc nhiều năm chịu đựng chiến tranh, bị chia cắt trở thành hiện thực”, ông Vũ Quốc Hùng bồi hồi nhớ lại.

Ngày này cách đây 46 năm, toàn thể nhân dân Việt Nam vui sướng, hạnh phúc, cảm xúc vỡ òa không một từ ngữ nào có thể diễn tả được khi đất nước giành được độc lập, non sông thu về một mối, giang sơn bị chia cắt bấy lâu nay được gắn kết hai miền Nam Bắc.

Trong không khí hào hùng năm xưa, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về những câu chuyện của các lớp cha anh đi trước, với cảm xúc trân quý, biết ơn và thấm nhuần vẻ vang, hào hùng của trang sử vàng dân tộc.

Khi cuộc Tổng tiến công thắng lợi, cảm xúc lúc đó vỡ òa, vô cùng sung sướng. (Ảnh tư liệu)

Khi cuộc Tổng tiến công thắng lợi, cảm xúc lúc đó vỡ òa, vô cùng sung sướng. (Ảnh tư liệu)

Người lính năm xưa dù tuổi đã cao, thế nhưng 46 năm qua đi, chưa một kí ức nào về ngày 30/4/1975 trong ông bị phai mờ.

Ông kể: “Tôi đã 82 tuổi rồi, đến mỗi mùa 30/4 thì tôi vẫn nhớ như in những kí ức về ngày 30/4/1975. Lúc đó, tôi là một Trung úy Quân đội Nhân dân Việt Nam, mặc dù không được tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh nhưng chúng tôi vô cùng háo hức, vô cùng chờ đợi kết quả bởi quá trình cuộc Tổng tiến công giải phóng miền Nam là một quá trình quyết liệt, mạnh mẽ không chỉ của những người lính cầm súng đánh trận mà của toàn thể nhân dân Việt Nam yêu độc lập, hoà bình.

Cuộc chiến đấu năm 1968 chưa thành công chúng ta rút ra được những bài học kinh nghiệm xương máu. Chính vì vậy, khí thế chuẩn bị cho Tổng tiến công 1975 khí thế sôi nổi, hào hùng.

Khi cuộc Tổng tiến công thắng lợi, cảm xúc lúc đó vỡ òa, vô cùng sung sướng. Tôi còn nhớ anh em đơn vị lúc đó còn nói trong niềm xúc động: ‘Đến giây phút này thì ăn cháo trắng cũng thấy sung sướng vì có độc lập, có tự do rồi’.

Đó là niềm ao ước bao lâu nay của chúng ta, đó là háo hức không của riêng cá nhân tôi mà của những người trẻ, những người già, tất cả các thành phần xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, rất phấn khởi, hạnh phúc”.

Bác Hồ đã nói “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, đó là ước nguyện, là mong mỏi của cả một dân tộc, một đất nước, một quốc gia bấy lâu nay liên tục chiến tranh, bị chia cắt trở thành hiện thực.

Chúng ta đặt ra độc lập, tự do, hạnh phúc và sau bao nhiêu khó khăn, gian khổ, hi sinh, mất mát, kiên cường, bất khuất, đoàn kết của cả một dân tộc anh dũng mới có ngày thống nhất đất nước, Bắc Nam đoàn tụ.

“Trong dòng hồi tưởng của mình, có những phút giây tôi thấy người lính anh dũng năm xưa bỗng trầm giọng xuống, là khi ông nhớ đến sự hy sinh, mất mát của đồng chí, đồng bào như một nỗi niềm day dứt, khắc khoải.

Tuy nhiên, để có thắng lợi này chúng ta cũng phải tổn thất rất nhiều. Biết bao nhiêu đồng bào, đồng chí ngã xuống vì độc lập, tự do của tổ quốc. Đặc biệt trong đó có thế hệ trẻ, những người thanh niên mười tám, đôi mươi thậm chí có những người còn trốn gia đình nhập ngũ và rồi ra đi mãi mãi không trở về.

Điều tôi vẫn luôn trăn trở là còn những người lính nằm xuống đất Mẹ mà chưa tìm thấy, chưa được trở về quê hương. Hy sinh, mất mát là những điều đương nhiên xảy ra trong một cuộc chiến tranh, nhưng đây là một cuộc chiến quá khốc liệt, kẻ thù của chúng ta quá mạnh, chính vì thế mà mất mát, đau thương nặng nề hơn gấp nhiều lần”, ông Hùng bày tỏ.

Nhân dân Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, chống đô hộ, chống ngoại xâm, chống thực dân Pháp nhưng đặc biệt là chống đế quốc Mỹ, đó là kẻ thù mạnh nhất lúc bấy giờ.

Sau chiến tranh, nhiều đồng chí, đồng bào, các học sinh ở miền Nam được tập kết ra miền Bắc. Thân nhân của các liệt sĩ, con em cách mạng được đưa ra miền Bắc đào tạo để trở về sau này dù có ở hoàn cảnh nào, thì những con người đã cống hiến cho dân tộc, cho lịch sử vẫn luôn được Đảng và nhà nước quan tâm.

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương. (Ảnh: Cao Kim Anh)

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương. (Ảnh: Cao Kim Anh)

Ông Hùng nhớ lại: “Tôi nhớ có những đoàn học sinh ra Bắc là con em các đồng chí, đồng bào, được đi học, được chăm sóc, học tập ở các trường tại Việt Nam, thậm chí có những lúc sơ tán ra nước ngoài.

Nói như vậy để thấy rằng, Đảng ta lãnh đạo chiến tranh, để giành thắng lợi, xây dựng đất nước và lấy việc đào tạo con người làm trọng. Đào tạo không phân biệt, tất cả công dân Việt Nam, tất cả con em nhân dân lao động đều được tôn trọng.

Chính vì thế khi chúng ta thống nhất đất nước, có một lớp đội ngũ cán bộ được đào tạo, kể cả những cán bộ được đào tạo ở các nơi khác cũng trở về xây dựng quê hương. Thời gian trôi đi nhưng những điều đó là không bao giờ chúng tôi quên được”.

Theo ông Vũ Quốc Hùng, tuy ngày nay cũng có những luận điệu chia rẽ đoàn kết dân tộc nhưng ý nghĩa cuộc chiến đấu này bên chiến thắng là nhân dân Việt Nam chứ không phân biệt tầng lớp, giai cấp, không phân biệt bất kỳ ai.

“Phải xác định như thế bởi có thể có những người đã có lúc lầm đường lạc lối trong nhất thời họ phục vụ cho phía kẻ thù nhưng cũng rất nhiều người họ đã thức tỉnh đi cùng cách mạng.

Giả sử những con người thức tỉnh muộn mằn cũng đừng nặng nề phân biệt và cũng đừng mặc cảm, chia bè, chia phái trong dân tộc. Dân tộc chúng ta là một, phải đoàn kết để cùng nhau xây dựng đời sống tốt đẹp hơn, thật sự hạnh phúc, phồn vinh.

Nếu ai đó có những suy nghĩ, hành động khác nhau vào thời điểm trước, chưa đáp ứng được nhu cầu của tổ quốc thì bây giờ hãy làm những việc có ích để sửa những thiếu sót của mình, góp phần vào sự đoàn kết, xây dựng đất nước”, ông Hùng chia sẻ.

Trong thời chiến, chống giặc ngoại xâm là một thắng lợi vẻ vang. Chúng ta anh dũng cầm súng lên để bảo vệ nhân dân, đồng bào, chủ quyền, tự do dân tộc.

Nhưng trong thời bình hiện nay, theo ông Vũ Quốc Hùng, có những cuộc chiến thầm lặng nhưng khốc liệt, cam go không khác những cuộc chiến tranh khác mà hoàn cảnh hiện tại, cả thế giới đang oằn mình chống “giặc” Covid, Việt Nam không là ngoại lệ.

“Tuy cuộc chiến không có tiếng súng, không có bom đạn nhưng sự cam go, trí tuệ, đường lối cũng rất quyết liệt, nghiêm minh không khác gì một cuộc chiến tranh với những mất mát nặng nề.

Đến giờ phút này, Việt Nam được cả thế giới nể phục vì đã có những đường lối đúng đắn về phòng, chống dịch Covid-19.

Đó là sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước đồng thời chúng ta có thể tự hào về nhân dân, về đất nước chúng ta. Phần lớn người dân tự nguyện, tự giác, đoàn kết cùng phóng chống dịch.

Chúng ta không thể chủ quan bởi dịch bệnh ngày càng phúc tạp, biến tướng khôn lường ngay gần khu vực của đất nước mình.

Trong không khí hào hùng của toàn dân tộc cách đây 46 năm, mong rằng Việt Nam đoàn kết, mạnh mẽ, quật cường vượt qua được đại dịch thắng lợi như cuộc Tổng tiến công năm 1975”, ông Hùng mong mỏi.

Cao Kim Anh