Động thái hung hăng của Trung Quốc vấp phải làn sóng chỉ trích

27/07/2012 17:05
Tổng hợp
(GDVN) - Tại cuộc thảo luận đang diễn ra ở Thượng viện Mỹ về vấn đề Biển Đông, các nghị sĩ nhận định Trung Quốc (TQ) đang ngày càng hung hăng hơn.
Thông tin từ Tuổi trẻ, Tân Hoa xã mới đây đưa tin số quân đồn trú ở cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam lên tới 10.000 người. Đơn vị đồn trú này có thể sẽ được trang bị khí tài ngang với tiêu chuẩn chính quy của quốc gia, nghĩa là sẽ có cả xe tăng thiết giáp, các loại cơ giới chiến đấu đổ bộ và trực thăng.


Mỹ là quốc gia phương Tây đầu tiên chính thức phản ứng việc thành lập “thành phố Tam Sa” của Trung Quốc. “Chúng tôi vẫn lo ngại liệu có nên có bất kỳ hành động đơn phương kiểu như thế hay không. Hành động của Trung Quốc xem chừng là muốn đẩy tình hình vào chuyện đã rồi. Chúng tôi từng nhiều lần nói rằng chỉ có thể giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, đối thoại và ngoại giao phối hợp giữa các bên” - Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland.
Tại cuộc thảo luận đang diễn ra ở Thượng viện Mỹ về vấn đề Biển Đông, các nghị sĩ nhận định Trung Quốc (TQ) đang ngày càng hung hăng hơn.

Nhiều tờ báo đăng tải phát biểu của Thượng nghị sĩ Jim Webb, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ tuyên bố, việc TQ thành lập thành phố Tam Sa và những hành động đơn phương khác nhằm áp đặt quyền kiểm soát lên các vùng trong Biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế và trái với tuyên bố của Bắc Kinh sẵn sàng cùng ASEAN hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Ông Jim Webb yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ làm sáng tỏ vụ việc với TQ và báo cáo lại cho Thượng viện.
Thượng nghị sĩ Jim Webb nói, TQ đang tìm cách giải quyết tay đôi tranh chấp với các nước trong khu vực Biển Đông vì cách làm đó cho phép TQ lấn át bất kỳ quốc gia nào trong khu vực.

Trước đó, cũng tại cuộc thảo luận này, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cho rằng, quyết định của TQ triển khai quân tới các hòn đảo ở Biển Đông mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền là sự khiêu khích một cách không cần thiết. Theo ông, việc TQ bầu đại biểu của cơ quan lập pháp phụ trách các đảo và vùng biển ở Biển Đông khiến nhiều nước châu Á ngày càng quan ngại.

Báo Phụ nữ đưa tin, Thượng nghị sĩ Jim Webb đang cùng các nghị sĩ John Kerry, Richard Lugar, John McCain, Joe Lieberman và James Inhofe đưa trình một dự thảo nghị quyết hối thúc TQ và ASEAN hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) nhằm giải quyết các tranh chấp trước khi các căng thẳng gia tăng hơn nữa. Nghị quyết đề nghị tất cả các bên kiềm chế trong hành động để tránh các tranh chấp leo thang hoặc trở nên phức tạp hơn, gây mất ổn định trong khu vực. Các bên cũng cần kiềm chế việc đưa dân tới các đảo, bãi đá, bãi cạn và cùng giải quyết những khác biệt trên tinh thần xây dựng.

Bản dự thảo nghị quyết cũng tái xác nhận cam kết của Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ các nước ASEAN duy trì sức mạnh và sự độc lập cũng như củng cố quan hệ đối tác Mỹ - ASEAN.

Theo Thượng nghị sĩ John Kerry, việc ASEAN không đưa ra được tuyên bố chung về bộ quy tắc ứng xử tại hội nghị khu vực ở Campuchia đã làm gia tăng căng thẳng giữa TQ và các quốc gia láng giềng, khiến các nghị sĩ Mỹ cho rằng đã đến lúc phải lên tiếng. “Tôi nghĩ điều tối thiểu mà Thượng viện Mỹ có thể làm là ủng hộ các nỗ lực của ASEAN nhằm phát triển bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông”, ông Kerry nói.
Cũng liên quan đến những căng thẳng xảy ra ở Biển Đông trong thời gian qua, Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore, Giáo sư Kishore Mahbubani, đã phê phán Trung Quốc “bắt đầu có những sai lầm nghiêm trọng”, thể hiện qua hội nghị ASEAN ở Campuchia. Theo ông, việc làm của Bắc Kinh đã làm nước này mất 20 năm gây dựng thiện chí với ASEAN. Thông tin được Thông tấn xã Việt Nam đăng tải.
Đáng chú ý, Giáo sư Mabubani cho rằng việc Trung Quốc năm 2009 gửi Công hàm lên Liên hợp quốc để đưa ra yêu sách đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) là hành động không khôn ngoan vì Bắc Kinh sẽ gặp khó khăn trong việc biện hộ cho yêu sách của mình theo luật quốc tế. 
Giáo sư Mahbubani còn nhận định rằng đường chín đoạn (đường lưỡi bò) có thể sẽ chỉ là cái cùm lớn đeo vào cổ Trung Quốc. 
Căng thẳng ở Biển Đông cũng khiến cho giới phân tích quan ngại về nguy cơ gây ra những tác động có tính chất toàn cầu. Tiến sĩ Michael Wesley, Giám đốc Viện Chính sách Quốc tế Lowy ở Sydney, Australia cho rằng những bất đồng về chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông leo thang đang khiến nhiều người e ngại nguy cơ một cuộc xung đột có thể bùng nổ trong khu vực.
Ông nhận định là một khu vực trọng yếu cho hoạt động hàng hải quốc tế, Biển Đông chiếm đến 1/3 khối lượng hàng hóa chuyên chở bằng đường biển trên toàn thế giới, chính vì vậy cần phải nỗ lực hơn nữa để tìm ra một giải pháp thỏa hiệp cho cuộc khủng hoảng này.
Ông cho rằng ASEAN đang tiếp tục tìm kiếm những ý tưởng mới đề giải quyết vụ tranh chấp này, đồng thời kêu gọi Australia cùng tham gia các nỗ lực để tìm ra một thỏa hiệp về vấn đề Biển Đông. Ông cho rằng Australia có những quyền lợi lớn ở Biển Đông vì khoảng 54% lượng giao dịch thương mại Australia đi qua khu vực này.
Tổng hợp