"Đủ căn cứ bãi nhiệm chức danh ĐBQH ông Hoàng Hữu Phước"

20/02/2013 06:57
Nguyễn Huệ
(GDVN) - "Việc ĐB Hoàng Hữu Phước đăng tải bài viết "tứ đại ngu" trên trang blog cá nhân với nội dung xúc phạm ĐB Dương Trung Quốc đã vi phạm điều 121 Bộ luật Hình sự về tội làm nhục người khác...".

Đó là đánh giá của luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân, đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội. Ông Triển cũng cho biết, sau khi đọc bài viết “Tứ đại ngu” của đại biểu QH Hoàng Hữu Phước nhằm vào ĐBQH Dương Trung Quốc,  tôi hết sức ngỡ ngàng. Với những căn cứ đưa ra, ông Triển cho rằng đủ căn cứ để QH bãi nhiệm chức danh ĐBQH của ông Hoàng Hữu Phước.

Những căn cứ để bãi nhiệm ông Phước

Vừa quan trên phương tiện thông tin đại chúng có nêu vấn đề đó là ĐBQH Hoàng Hữu Phước thuộc đoàn ĐBQH TP. HCM có lên trên blog cá nhân của mình viết một bài nhằm phê phán ĐBQH Dương Trung Quốc với những lời lẽ xúc phạm cả danh dự và nhân phẩm của ông Quốc. Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, Luật sư Trần Đình Triển cho biết:

“Ông Hoàng Hữu Phước là một ĐBQH, vì vậy phải hiểu luật hơn ai hết. Theo Luật giao dịch điện tử thì khi cá nhân một ai đó đưa bất kì thông tin nào lên trên mạng sẽ nhanh chóng được rất nhiều người biết đến và tìm đọc. Điều này cũng giống như việc phát biểu trước đám đông. Do đó, về mặt pháp luật, đủ bằng chứng để xem xét nội dung bài viết đó như thế nào.

Việc ĐBQH Phước thừa nhận bài viết đó là của mình, chỉ là cái cớ để giảm bớt đi thời gian vào cuộc của cơ quan chức năng nhằm điều tra và xác minh xem bài viết này có chính xác là của ĐBQH Hoàng Hữu Phước hay không?”.

Luật sư Trần Đình Triển, trưởng văn phòng luật sư Vì Dân (Hà Nội) - ảnh:internet.
Luật sư Trần Đình Triển, trưởng văn phòng luật sư Vì Dân (Hà Nội) - ảnh:internet.

Bản thân Luật sư Triển cũng đã đọc hết nội dung bài viết “Tứ đại ngu” của ông Phước. Với tư cách là luật sư, ông Triển hết sức ngỡ ngàng. Bản thân ông cũng đánh giá rất thấp ý thức chính trị của một ĐBQH như ông Phước.

Theo Luật sư Triển, QH là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, là cơ quan thể hiện quyền uy, ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Với tư cách ĐBQH, đại diện cho cử tri của địa phương mình nói riêng, cử tri cả nước nói chung nói lên tiếng nói của mình trước QH. Vì vậy, những phát ngôn của ĐBQH không mang tính cá nhân mà với tư cách là cả một tập thể, một đất nước.

“Với nội dung như vậy, tôi cho rằng Quốc hội phải xem xét để xử lý một cách nghiêm khắc chứ không thể cho qua. Vì vì việc này diễn ra đã tạo nên làn sóng dư luận rất mạnh mẽ, gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng”, Luật sư Triển khẳng định.

Bàn về “nhân vật” trong bài viết “Tứ đại ngu”, Luật sư chia sẻ: “Uy tín, danh dự, nhân phẩm của ĐBQH Dương Trung Quốc sau khi bài viết này được lan truyền không chỉ dừng lại ở đó. Điều mà chúng ta quan tâm là sự đánh giá của người dân đến bộ máy QH, tập thể ĐBQH và từng ĐBQH. Việc làm đó theo tôi là không thể chấp nhận được".

Bài viết Dương Trung Quốc - Bốn điều sai năm cũ (tứ đại ngu) đăng trên blog được cho là của ĐBQH Hoàng Hữu Phước
Bài viết Dương Trung Quốc - Bốn điều sai năm cũ  (tứ đại ngu) đăng trên blog được cho là của ĐBQH Hoàng Hữu Phước

Bàn về vấn đề quyền công dân, Luật sư Triển cũng phân tích rất sâu việc Luật pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam rất khuyến khích phê bình và tự phê bình, đấu tranh giải quyết những mâu thuẫn để tạo động lực cho sự phát hiện. Nhưng việc phê bình và tự phê bình hay đấu tranh đó phải theo đúng những nguyên tắc của luật pháp và đạo lý ở đời chứ không thể có những xuất phát điểm thấp như vậy.

Luật sư cũng nêu rõ: “Nếu ĐBQH Dương Trung Quốc có gì sai sót thì với tư cách là ĐBQH, ông Hoàng Hữu Phước có quyền làm văn bản gửi đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTV QH)hoặc Ban Đại biểu QH hoặc đoàn đại biểu QH ở nơi ông Quốc sinh hoạt. Từ đó đóng góp, rút kinh nghiệm và chỉ ra những đúng sai của cá nhân ông Quốc chứ ko thể bản thân mình vượt qua những nguyên tắc tổ chức để đưa lên công luận như vậy. Đó là sai về mặt nguyên tắc.

Những hậu quả đó, những nguyên tắc sai đó và ông Phước đã thừa nhận thì bây giờ, cũng cần xem xét. Nhưng xem xét như thế nào thì chắc chắn UBTV QH phải xem xét. Vì theo luật tổ chức QH, ĐBQH có những đặc ân nhất định”.

Để cụ thể hóa cho “những đặc ân” nhất định của ĐBQH, Luật sư Triển cũng nêu ra một số ví dụ như: Muốn khởi tố hoặc khám xét nhà ở hay nơi làm việc của ĐBQH thì phải thông qua và được ý kiến của UBTV QH khi QH không họp. Hoặc phải có ý kiến của QH khi trong thời gian QH đang họp. Đó là nguyên tắc đặc quyền.

“Do đó với việc làm của ông Phước, trước hết quyền xem xét và giải quyết việc này là quyền của UBTV QH. Và tôi cho rằng, UBTVQH cũng cần phải xem xét ngay để giữ lại uy tín cho QH nói chung và các ĐBQH nói riêng chứ không thể bỏ vụ việc này ra bên lề được”, Luật sư Triển khẳng định thêm.

Luật sư cũng nêu ra quan điểm của mình là, trong bộ máy QH có ban Công tác ĐBQH. Vì vậy, UBTV QH nên giao cho Ban đó phải điều tra, thẩm tra, xác minh lại sự việc trên. Khi có kết luận thì căn cứ vào tính chất và mức độ vi phạm đó, những hậu quả và mối quan hệ nhân quả. Có liên quan đến ý kiến cũng cần phải hỏi ý kiến của người có phần bị hại lớn đó là đại biểu Dương Trung Quốc.

Nếu việc đó cấu thành tội thì theo điều 121, Bộ Luật Hình sự về tội làm nhục người khác thì cần phải khởi tố ông Hoàng Hữu Phước. Và QH, UBTV QH phải có ý kiến để cơ quan điều tra tiến hành những biện pháp tố tụng hình sự.

“Ở mức độ đó thì tôi cho rằng với một ĐBQH và tư cách ĐBQH nhưng đã gây nên hậu quả vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng tới uy tín của QH cũng như ĐBQH. Với những gì tôi đã phân tích ở trên cũng đủ căn cứ để Quốc hội bãi nhiễm chức danh ĐBQH của ông Hoàng Hữu Phước. Có làm như vậy mới thể hiện sự nghiêm minh, trong sáng của QH và các ĐBQH sau. Đồng thời có ý nghĩa giáo dục và phòng ngừa chung.

Những việc nên làm của ĐBQH giúp đất nước phát triển

Chia sẻ với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam về những việc mà một ĐBQH nên làm để giúp phát triển đất nước, bình ổn chính trị hơn là việc phản ánh, chỉ trích nhau, Luật sư Triển nói:

Tình hình đất nước hiện nay có rất nhiều việc mà Đảng, Nhà nước và nhân dân phải lo như: tình hình kinh tế suy thoái; sự ảnh hưởng của nhiều lĩnh vực hoạt động đang tác động tới nền kinh tế nước nhà ví dụ như tình hình bất động sản, những nhóm lợi ích thao túng các tổ chức như ngân hàng, bảo hiểm…; tình hình thất nghiệp, nhiều doanh nghiệp phá sản… ảnh hưởng tới ổn định tiền tệ và tài chính của đất nước.

Trước tình hình đó, là đại biểu QH cần đau đáu ngày đêm để suy nghĩ, tập trung ý chí, sức lực, trí tuệ, đóng góp ý kiến của mình để giải quyết tình hình hiện tại và đưa đất nước đi lên. Đó mới là ĐBQH.

Luật sư Triển cho rằng ĐBQH cần có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển đất nước hơn là viết những bài chỉ trích, xúc phạm nhau - ảnh: internet.
Luật sư Triển cho rằng ĐBQH cần có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển đất nước hơn là viết những bài chỉ trích, xúc phạm nhau - ảnh: internet.

Hơn nữa, hiện nay, tình hình về an ninh chính trị cũng có nhiều vấn đề mà một ĐBQH cần suy nghĩ để đóng góp với QH, góp phần đưa đường lối đối ngoại của nước ta phát triển cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam và Quốc tế.

Đó mới là những vấn đề mà một ĐBQH cần phải suy nghĩ, đóng góp ý kiến.

Luật sư Triển một lần nữa nhấn mạnh: “Trong tình hình như vậy, tình hình kinh tế đất nước, những vấn đề an ninh chính trị quốc gia… đang có những diễn biến phức tạp mà ĐBQH không xác định được bản thân mình cũng như tư cách bản thân mà lại đi vu khống, xúc phạm ĐBQH khác. Như vậy chỉ làm cho dân mất uy tín vào ĐBQH nói riêng và Quốc hội nói chung”.

Quyền miễn trừ của ĐBQH
Theo Luật sư Trần Đình Triển, quyền miễn trừ là một trong những quyền đặc biệt nhất đối với mỗi đại biểu QH. Theo Luật Tổ chức Quốc hội 2002 (sửa đổi bổ sung 2007) điều 58 quy định: "Không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thì không được bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội và không được khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội".
Tuy nhiên, điều 56 Luật này cũng quy định, khi đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tuỳ mức độ phạm sai lầm mà bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm. Theo đó, Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định việc đưa ra Quốc hội bãi nhiệm hoặc cử tri nơi bầu ra đại biểu bãi nhiệm đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Uỷ ban trung ương MTTQ Việt Nam, Uỷ ban MTTQ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc của cử tri nơi bầu ra đại biểu Quốc hội đó. Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo thể thức do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định. 
Nguyễn Huệ