Du lịch Việt Nam với... lời khuyên lạ

16/01/2012 17:25
Theo Xuân Thi/SGTT/TuanVietnam
"Việt Nam có rất nhiều điều thú vị cho khách du lịch khám phá. Nhưng tốt nhất, nên tự mình làm công việc đó".
Bà Lorijon Bacchi, giám đốc công ty Visa tại Việt Nam, Lào và Campuchia kể lại một trải nghiệm: "Khi lên trang web tripadviser.com, một trong những trang web có uy tín với người du lịch trên toàn cầu, tôi thấy họ khuyên rằng cách hay nhất để đi du lịch ở Việt Nam là hãy thuê một chiếc xe máy và đi một chuyến từ Bắc vào Nam.

Một lời khuyên rất lạ! Đến Việt Nam tôi được biết câu nói vui của các hướng dẫn viên ở đây là: sáng bảo tàng, tối múa rối nước. Và tôi đã hiểu ý nghĩa lời khuyên ở trên. Việt Nam có rất nhiều điều thú vị cho khách du lịch khám phá. Nhưng tốt nhất, nên tự mình làm công việc đó".

Năm 2011, công ty Visa thực hiện cuộc khảo sát xu hướng du lịch toàn cầu lần thứ sáu và cũng là lần thứ ba, Việt Nam được đưa vào danh sách các quốc gia được khảo sát.

Điểm đến hấp dẫn

Dựa vào kết quả khảo sát này, có thể thấy phong cảnh thiên nhiên, các gói khuyến mại du lịch hấp dẫn cũng như tình hình chính trị ổn định được coi là những ưu điểm chính của du lịch Việt Nam trong hai năm tới.

Khách du lịch có kế hoạch tới Việt Nam trong thời gian tới còn cho biết rằng họ rất hào hứng tham gia những hoạt động ngoài trời, những tour du lịch ẩm thực để khám phá, thưởng thức đặc sản các vùng miền và trải nghiệm cuộc sống về đêm náo nhiệt ở Việt Nam.
Có bao nhiêu du khách sẽ trở lại Việt Nam?
Có bao nhiêu du khách sẽ trở lại Việt Nam?
Khảo sát này đưa ra những con số rất cụ thể và có ích cho các nhà hoạch định chính sách du lịch các quốc gia cũng như các công ty lữ hành.

Từ đó người làm nghề có thể có được những thông tin cụ thể từ độ tuổi, tình trạng hôn nhân, điều kiện kinh tế của khách cho tới sức hút của sản phẩm du lịch, nhu cầu của khách hàng, những điều được và chưa được của thị trường từng quốc gia, xu hướng tương lai gần của khách du lịch.

Quảng bá kém

Nhìn vào những số liệu của bản khảo sát này, nổi bật lên là vấn đề quảng bá du lịch còn chưa hiệu quả.

Con số 271 khách du lịch đã đến Việt Nam trong vòng hai năm gần đây và 338 khách du lịch dự định đến Việt Nam trong hai năm tới trên tổng số 11.620 đối tượng khảo sát là một tỷ lệ thấp, có thể thấy sự biết đến của khách du lịch về Việt Nam còn khá hạn chế.

Đặc biệt, báo cáo này cũng cho biết Singapore, Thái Lan, Úc và Hàn Quốc là những quốc gia có khách du lịch quan tâm nhất tới Việt Nam. Rõ ràng, sự quảng bá của Việt Nam ra ngoài khu vực còn hạn chế.

Trong nghiên cứu của Visa, có một chi tiết khá bất ngờ. Đó là du khách nước ngoài có vẻ có một cái nhìn thiếu khách quan về Việt Nam, vì họ nghĩ rằng mức độ bất ổn chính trị và nguy cơ khủng bố ở đây cao hơn so với trung bình thế giới.

Ông Nguyễn Quý Phương, vụ trưởng vụ Lữ hành, tổng cục Du lịch Việt Nam nói: "Đây là sự hiểu lầm mà lỗi trước hết thuộc về chúng ta và vấn đề là chúng ta chưa làm tốt công tác thông tin, quảng bá. Khi Campuchia có những bất ổn nhất định, tôi cũng đã thấy hiện tượng có du khách nghĩ rằng Việt Nam cũng không an toàn và không lựa chọn chúng ta là điểm du lịch.

Mặc dù là tỷ lệ khách du lịch có suy nghĩ này không chiếm phần lớn. Nhưng điều này nằm trong xu thế của khách du lịch quốc tế dự định tới Việt Nam trong tương lai. Vì thế chúng ta cần phải khắc phục ngay tình hình mà trước hết là cần chủ động xây dựng hệ thống thông tin nền qua các kênh thông tin".
Dịch vụ kém

Trong hành lang của buổi giới thiệu bản báo cáo, bà Lorijon kể về cảm nghĩ của mình với tư cách một người du lịch ở Việt Nam. "Lần đầu khám phá Hà Nội, tôi tìm tới một công ty lữ hành và thuê một người hướng dẫn theo lộ trình.

Nói thật, sau một ngày tôi thấy chán. Tôi nói người hướng dẫn viên: tôi có ba ngày ở Hà Nội và tôi muốn chúng mang lại cho tôi sự thoải mái và thích thú. Nhưng tôi có cảm giác bạn chỉ có thể giúp tôi tiếp cận một Hà Nội rất khuôn mẫu, trong khi đâu đó, tôi lại cảm giác có điều gì thú vị mà mình chưa được chạm vào.

Anh chàng hướng dẫn viên trẻ, giỏi tiếng Anh không biết giải thích với tôi thế nào. Vì thế tôi ngừng thuê anh ta và giở cuốn hướng dẫn của mình ra để... lang thang. Những lần sau trở lại Hà Nội, tôi luôn háo hức. Vì tôi luôn có một kế hoạch sẽ ăn món này, đến chỗ nọ, mua cái kia. Và tất cả đều do chính tôi tự khám phá".

Câu chuyện của bà Lorijon chắc chắn không cá biệt. Bà vẫn trở lại Việt Nam nhưng có bao nhiêu du khách đã không trở lại? Có phải vấn đề quảng bá du lịch của chúng ta không chỉ bất cập để rủ rê bạn bè đến với mình mà còn kém trong việc giữ chân họ?
Theo Xuân Thi/SGTT/TuanVietnam