Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Dựng lô cốt làm nứt nhà dân, Sở GTVT thua kiện

27/12/2012 12:50
Theo Mai Phượng/VietNamNet
Do quá trình xây dựng công trình đã gây ảnh hưởng, làm nứt nhà dân nên Sở GTVT TP.HCM buộc phải bồi thường thiệt hại 31,5 triệu đồng

Ngày 26/12, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ kiện tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là một hộ dân và bị đơn là Sở GTVT TP.HCM.

Khởi kiện vì “lô cốt”

Theo nội dung vụ kiện, gia đình bà Nguyễn Thị Thu Bình và ông Nguyễn Trí Dũng có căn nhà tại số 12/7 Nguyễn Huy Tự, phường Đa Kao, quận 1 được sử dụng để kinh doanh cửa hàng ăn uống từ năm 2001 với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng.

Tháng 1/2005, khi tiến hành thi công dự án vệ sinh môi trường thành phố, Sở GTVT TP.HCM đã cho dựng hàng rào che chắn (lô cốt) để đào đường, xây dựng tại khu vực trước cửa nhà ông.

Đại diện nguyên đơn cho biết sẽ tiếp tục kháng cáo lên cấp phúc thẩm


“Lô cốt” trên tồn tại kéo dài suốt từ tháng 1/2005 đến tháng 1/2007 sau đó tiếp tục từ tháng 11/2007 đến tháng 6/2009, tổng cộng là 42 tháng.

Theo nguyên đơn, lô cốt “mọc lên” chính là nguyên nhân gây khó khăn, cản trở hoạt động kinh doanh của cửa hàng. Ngoài ra, quá trình đào đường cùng các hoạt động thi công dự án đã làm nứt căn nhà trên khiến gia đình phải bỏ tiền ra chi phí sửa chữa, khắc phục sự cố.

Từ những lý do trên, cuối năm 2009, bà Bình và ông Dũng đã làm đơn khởi kiện Sở GTVT TP.HCM ra tòa đòi bồi thường thiệt hại tổng cộng 370 triệu đồng bao gồm: 250 triệu đồng tiền mất thu nhập kinh doanh suốt 42 tháng, 120 triệu đồng là chi phí sửa chữa nhà .

Quá trình theo đuổi vụ kiện, bà Bình và ông Dũng cùng ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Lang (80 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) làm đại diện tham gia quá trình tố tụng.

Chỉ chấp nhận một phần

Tại tòa, ông Lang vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, đề nghị Tòa tuyên buộc Sở GTVT TP.HCM phải bồi thường tổng cộng 370 triệu đồng, nhưng đề nghị bị đơn thanh toán thêm khoản tiền lãi tổng cộng là 90 triệu đồng.

Đây được coi là vụ kiện chưa có tiền lệ bởi từ trước đến nay người dân chưa bao giờ khởi kiện cơ quan chức năng về vấn đề này.

Trước những trình bày của nguyên đơn, đại diện phía bị đơn là Sở GTVT TP.HCM cho biết, chỉ chấp nhận bồi thường cho nguyên đơn tổng cộng 50 triệu đồng tiền chi phí sửa chữa, khắc phục sự cố đối với căn nhà.

Về khoản mất thu nhập, phía nguyên đơn không chấp nhận bồi thường.

Sau khi xem xét, Hội đồng xét xử nhận định: căn cứ vào hồ sơ, chứng cứ liên quan trong vụ án và kết quả giám định, nhận thấy có đủ cơ sở kết luận việc thi công công trình của bị đơn đã làm sụt lún, nứt căn nhà 12/7 Nguyễn Huy Tự như nguyên đơn trình bày. Do đó, bị đơn phải bồi thường.

Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả giám định chỉ có cơ sở kết luận chi phí thiệt hại khắc phục sự cố đối với căn nhà là 31,5 triệu đồng, không có cơ sở chấp nhận khoản tiền 120 triệu đồng như nguyên đơn trình bày.

Do đó, Tòa chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn bồi thường 31,5 triệu đồng.

Ngoài ra, Tòa cũng ghi nhận sự tự nguyện của bị đơn nên tuyên buộc Sở GTVT TP.HCM bồi thường tổng cộng cho nguyên đơn khoản tiền 50 triệu đồng.

Về yêu cầu bồi thường mất thu nhập, Tòa nhận định dù nguyên đơn đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng không có cơ sở chứng minh cho khoản mất thu nhập của mình như hóa đơn, chứng từ cụ thể.

Ngoài ra, tòa cho rằng dù “lô cốt” được xây dựng trước cửa nhà nguyên đơn nhưng tính từ vị trí xây dựng rào chắn đến cửa nhà vẫn còn khoảng cách trên 5 mét (kể cả vỉa hè) nên chỉ gây khó khăn cho quá trình đi lại chứ không có cơ sở cho rằng việc xây dựng rào chắn dẫn đến nguyên đơn không thể tiến hành kinh doanh.

Từ đó, tòa bác toàn bộ yêu cầu bồi thường mất thu nhập của nguyên đơn.
Sau phiên tòa, ông Nguyễn Văn Lang cho biết sẽ tiếp tục kháng cáo lên cấp phúc thẩm.

Theo ông, cửa hàng kinh doanh của nguyên đơn hàng tháng vẫn phải đóng thuế, việc “lô cốt” mọc ở trước cửa nhà kéo dài ròng rã kèm theo khói bụi, kẹt xe chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng kinh doanh đình trệ, thiệt hại trên là có thật nên việc nói rằng “lô cốt” không phải là nguyên nhân chính là không chính xác.

Theo Mai Phượng/VietNamNet