Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

"Đường lưỡi bò" trên hộ chiếu: Trò cười của TQ chỉ làm họ phải trả giá

29/11/2012 07:58
P.V
(GDVN) - Đại tá Trần Nhung, nhà bình luận quốc tế, cho rằng hộ chiếu in đường lưỡi bò là bước leo thang mới trong tham vọng độc chiếm biển Đông, đang khiến cả khu vực và chính Trung Quốc trả giá đắt.
Trả lời phỏng vấn báo Pháp luật TPHCM, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc khẳng định: Việc Trung Quốc cho in “đường lưỡi bò” lên tấm hộ chiếu phổ thông điện tử đang gây ra những phản ứng ngược từ dư luận quốc tế và ngay chính trong xã hội Trung Quốc.
"Trung Quốc là một cường quốc đang lên, có tiếng nói nhất định trên các diễn đàn quốc tế. Họ luôn luôn tận dụng mọi ưu thế của họ để theo đuổi tham vọng bành trướng mà trước mắt là ở biển Đông, nơi được coi như chìa khóa để Trung Quốc bước ra thế giới.

Hộ chiếu mới của Trung Quốc có in “đường lưỡi bò” (trong vòng tròn) phi lý.
Hộ chiếu mới của Trung Quốc có in “đường lưỡi bò” (trong vòng tròn) phi lý.

Các nước liên quan đến tranh chấp trên biển Đông như Việt Nam, Philippines… rồi đến Ấn Độ và mới đây là Mỹ cũng đã phản ứng một cách quyết liệt về việc Trung Quốc cho in “đường lưỡi bò” lên hộ chiếu phổ thông điện tử của họ. Các học giả trên thế giới, đặc biệt là các học giả nghiên cứu về biển Đông ở Mỹ nói đây là “trò cười” của chính phủ Trung Quốc nhằm trả đũa phản ứng của thế giới về những gì họ đã hành xử ở biển Đông. Đây là một hành động sai lầm, Trung Quốc sẽ thêm mất uy tín trên trường quốc tế, mất uy tín với chính những gì mà Trung Quốc đã cam kết về con đường giải quyết tranh chấp trên biển Đông một cách hòa bình.
Thậm chí ngay trong người dân Trung Quốc, họ đã dần thấy những phi lý do chính nhà cầm quyền của họ gây nên. Mặc dù trong một thời gian dài, Trung Quốc đã ru ngủ nhân dân Trung Quốc bằng những luận điệu tuyên truyền, bằng những ngụy tạo chứng cứ để cho rằng Trung Quốc có chủ quyền trên biển Đông cũng như biển Hoa Đông nhưng tôi tin rằng sớm muộn gì nhân dân Trung Quốc cũng nhận ra chân tướng của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Trước câu hỏi, việc Trung Quốc cho in đường lưỡi bò vào hộ chiếu cảnh báo điều gì, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nhấn mạnh: Tất cả điều ấy đã cho thấy tham vọng của Trung Quốc tại biển Đông là bất biến. Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 7 vừa rồi, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo biện giải về những hành vi gây hấn trên biển Đông rằng: “Những hành động của Trung Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền của mình là cần thiết và hợp pháp. Chúng tôi đã xử lý một cách thích hợp những sự việc không phải do Trung Quốc gây ra”. Thật lạ khi bảo những gì đã xảy ra là “những sự việc không phải do Trung Quốc gây ra”. Vậy thì ai in cái “lưỡi bò” đầy tham vọng, không có căn cứ lịch sử kia lên tấm hộ chiếu chính thống của Trung Quốc?
Hàng loạt thủ thuật diễn ra đã chỉ rõ tham vọng của Trung Quốc trên biển Đông như chỉ đàm phán song phương về vấn đề tranh chấp biển Đông; hoặc tìm mọi cách trì hoãn đàm phán thông qua Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương vừa tuyên bố tại Campuchia vừa rồi “hiện nay còn chưa phải thời cơ thích hợp nhất ấn định COC”. Và nhất là chuỗi hành động có mưu đồ, tính toán và nham hiểm của Trung Quốc từ trước cho tới khi in “đường lưỡi bò” lên hộ chiếu phổ thông mới đây càng làm lộ rõ mưu đồ ấy. Thật khó có thể tin những gì mà Trung Quốc đã hứa.

Không còn gì ngoài sức mạnh...
Trên báo Người lao động, Đại tá Trần Nhung, nhà bình luận quốc tế, cho rằng hộ chiếu in đường lưỡi bò là bước leo thang mới trong tham vọng độc chiếm biển Đông, đang khiến cả khu vực và chính Trung Quốc trả giá đắt. Theo Đại tá Trần Nhung:  Việc làm này đang khiến những nước liên quan phẫn nộ, song nó không bất ngờ nếu nhìn vào toan tính của Trung Quốc trong việc hiện thực hóa tham vọng độc chiếm biển Đông.
Không còn là “phép thử” như cho tàu hải giám xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam để cắt cáp thăm dò địa chấn tàu Bình Minh 02 vào tháng 5-2011, việc in đường lưỡi bò lên hộ chiếu cùng hàng loạt các hành động như tuyên bố thành lập TP Tam Sa, gây hấn với Philippines ở bãi cạn Scarborough... cho thấy Trung Quốc đang ỷ vào sức mạnh, hòng ráo riết biến tham vọng đường lưỡi bò thành hiện thực.

"Ngoài sức mạnh, Trung Quốc không có cơ sở nào về thực tiễn lịch sử cũng như pháp lý để đòi chủ quyền trên biển Đông. Việt Nam đã có những văn bản pháp lý và thực thi quyền chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ rất sớm trong lịch sử. Trong khi đó, Trung Quốc mới đưa ra các yêu sách chủ quyền trên biển Đông chỉ vài chục năm nay cũng như việc trắng trợn dùng vũ lực để đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và một số bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa năm 1988.
Không có cơ sở thực tiễn và pháp lý theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1982 về Luật Biển, Trung Quốc chẳng còn cách nào khác là phải dùng sức mạnh, trong quá khứ là cả sức mạnh quân sự, để đưa ra những đòi hỏi vô cớ, phi lý về chủ quyền trên biển Đông. Cũng vì không có cơ sở pháp lý nên việc in yêu sách đường lưỡi bò lên hộ chiếu càng cho thấy âm mưu thâm hiểm của Trung Quốc. Bởi theo luật pháp quốc tế, hộ chiếu được xem như một tài liệu pháp lý chính thức của nhà nước Trung Quốc và hơn nữa nó lại rất phổ biến vì được người Trung Quốc mang đi khắp thế giới.

Tấm hộ chiếu không thể là bằng chứng pháp lý

Đại tá Trần Nhung nhấn mạnh: Tấm hộ chiếu in đường lưỡi bò theo yêu sách đơn phương của Trung Quốc không thể là một bằng chứng pháp lý để đòi chủ quyền trên biển Đông. Việc làm chưa có tiền lệ trong lịch sử ngoại giao thế giới này thêm một lần nữa cho thấy Trung Quốc có những cách hành xử bất bình thường. Vì thế, việc làm này sẽ khiến Trung Quốc bị lạc lõng và bị cô lập trên thế giới.
Việc các nước cấp thị thực (visa) cho công dân Trung Quốc có hộ chiếu in đường lưỡi bò hoàn toàn không đồng nghĩa với việc họ công nhận yêu sách đơn phương của nước này. Không có chút giá trị pháp lý nào nhưng nó gây ra những hậu quả khôn lường, trước hết là với khu vực và chính Trung Quốc cũng như công dân của họ.

Vị chuyên gia này khẳng định: "Với sự trỗi dậy của mình, Trung Quốc đang muốn vươn lên tầm cường quốc trên thế giới. Thế nhưng, muốn làm được điều đó, trước hết, Trung Quốc phải là quốc gia có trách nhiệm trên thế giới. Trung Quốc làm sao có được sự nể trọng của các nước khác khi ỷ vào sức mạnh để chèn ép, đưa ra yêu sách đơn phương với các nước khác hay các vấn đề quốc tế?
Hành xử như vậy chỉ khiến thế giới cảnh giác với Trung Quốc và công dân nước này chắc cũng không cảm thấy hay ho gì khi cầm tấm hộ chiếu dị thường đi ra thế giới. Ngay những ngày này đã thấy người dân Trung Quốc lên tiếng than phiền về những rắc rối, khó khăn mà họ gặp phải khi dùng hộ chiếu in đường lưỡi bò".

Trái lại, cũng như nhiều phân tích trước đó, Đại tá Trần Nhung cho rằng: tấm hộ chiếu lưỡi bò gây ra những mối họa lớn cho lợi ích của Trung Quốc và công dân nước này.

Những nguy cơ đe dọa như vậy buộc chúng ta phải hành động và có đối sách. Trước hết, Việt Nam phải thể hiện thái độ và hành động quyết liệt trên thực tế để bác bỏ tính pháp lý của tấm hộ chiếu in đường lưỡi bò của Trung Quốc như phản đối lên Liên Hiệp Quốc...

Bên cạnh việc đấu tranh của Việt Nam, sự đoàn kết và thống nhất trong ASEAN với vấn đề biển Đông cũng không kém phần quan trọng. Những gì diễn ra thời gian qua cho thấy Trung Quốc đang tìm cách chia rẽ, làm suy yếu ASEAN để thực hiện mưu đồ trên biển Đông. Một bó đũa gồm cả 10 nước ASEAN sẽ buộc Trung Quốc phải cân nhắc, suy tính thiệt hơn mỗi khi có bước phiêu lưu mới trong mưu đồ độc chiếm biển Đông.
Cũng về vấn đề đối sách tương ứng của Việt Nam, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho rằng: Những kỳ vọng vào vai trò ASEAN trong việc này ngày càng khó khăn, vì khó tìm kiếm một sự thống nhất toàn diện trong tổ chức này để giải quyết vấn đề tranh chấp biển Đông. Thái độ của một số nước ASEAN trong vấn đề này thời gian gần đây càng cho thấy Trung Quốc thành công trong chính sách “chia để trị” của mình. Vấn đề đặt ra cho các nước ASEAN không phải là tiếp tục phân tích xem Trung Quốc muốn gì mà quan trọng hơn hết là thống nhất tìm ra các biện pháp để đối phó với Trung Quốc.
Việt Nam cần tạo ra thế đa phương trong đối sách ở biển Đông. Nhiều người cũng nóng lòng trước việc sao không kêu gọi sự giúp đỡ của các cường quốc khác để đối phó với Trung Quốc. Song những bài học lịch sử mà chúng ta nhận lấy trong việc chờ đợi sự giúp đỡ bên ngoài vẫn còn đó. Vì thế không thể không thận trọng trong quan điểm này.
"Tỉnh táo không bao giờ là bài học thừa. Theo tôi, cây đũa thần có khả năng giúp được chúng ta lúc này và trong tương lai chính là Việt Nam phải thay đổi tư duy chính trị quốc nội cũng như quốc tế.
Thứ nhất, để bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và toàn vẹn lãnh thổ, thay vì chờ đợi sự giúp đỡ từ bên ngoài, Việt Nam cần tập trung xây dựng nội lực theo đúng nghĩa của nó thì mới có thể đối phó lại tham vọng của phương Bắc. Tổ tiên ta đã đúc kết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” nhưng sử dụng nhân tài như thế nào - những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì tương lai của quốc gia, dân tộc - luôn là câu hỏi có nhiều đáp án! Câu nói nổi tiếng của Hồ Nguyên Trừng: “Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi” đã chỉ rõ lịch sử Việt Nam hàng ngàn năm đã để lại cho chúng ta nhiều bài học có giá trị. Nhưng quan trọng nhất là học như thế nào và hành ra sao để khỏi hổ thẹn với tổ tiên!
Thứ hai, trong tư duy chính trị quốc tế, Việt Nam phải thực sự hội nhập quốc tế một cách toàn diện. Hội nhập toàn diện không chỉ là tham gia tổ chức này, hội nghị kia… Việt Nam phải thật sự coi đây là quá trình đẩy mạnh cải cách mở cửa và tham gia vào mọi mặt của đời sống quốc tế; xây dựng cho mình chiến lược hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới. Việt Nam phải làm cho cộng đồng quốc tế hiểu Việt Nam đã làm gì chứ không phải chỉ cho thấy Việt Nam đã tham gia với thế giới cái gì".
P.V