Đường về xóm giữa hồ Phú Ninh

25/03/2012 06:00
Bùi Hữu Cường
(GDVN) - Đường về Tam Sơn thăm thẳm giữa những rừng keo, rừng chè Đức Phú, đường sang Thuận Yên Tây lại càng xa tít mù giữa trời nước Phú Ninh.
Phía trên kia là rừng keo lá tràm đang mùa rụng hoa vàng rộm. Tôi lên đò đến với thôn đặc biệt khó khăn của xã Tam Sơn, huyện Núi Thành, Quảng Nam nằm giữa lòng hồ của công trình đại thủy nông Phú Ninh.
Hiu hắt xóm nghèo
Cổng thôn văn hóa.
Cổng thôn văn hóa.
“Cậu sang thôn Thuận Yên Tây hả? Sao cậu không lên phía kia mà đi qua cầu! Có cầu rồi đó!”. Ông lái đò vừa hỏi tôi vừa nắm tay kéo tôi lên chiếc ghe duy nhất bên bờ để qua sông Mùi. Tôi hỏi lại: “Có cầu rồi, sao chú còn đưa khách bằng thuyền như thế này! Sao không kiếm việc gì khác mà làm, thu nhập cao hơn?!” Ông lái đò thủng thẳng, nói trong tiếng máy nổ óc ách bên tai: “Biết làm gì chừ hả cậu! Nhà tui bên nớ đó! Nghèo quanh năm, chỉ trông chờ vào mấy vuông rừng trồng mà chưa đến ngày thu, nên chừ rong ruổi với cái ghe này, ngày bốn lần đưa đón học sinh qua sông kiếm chút gạo ăn thôi!”
Trong câu chuyện cởi mở, ông lão lái đò cho biết, mặc dù đã có cầu, nhưng cây cầu ấy lại quá xa, tính đường chim bay thì từ thôn Thuận Yên Tây sang Thuận Yên Đông, nơi trung tâm xã thì chỉ chưa đầy 1km, nhưng nếu vòng lên cầu để đi thì xa tới gần 10km. Nhà nào có xe máy thì còn đi được, chứ nhà nghèo thì chỉ còn cách lên thuyền qua sông cho gần mà thôi. Mà thôn Thuận Yên Tây là một thôn đặc biệt khó khăn, lấy đâu nhiều xe máy mà đi.

Trước đây xã Tam Sơn là xã thuộc diện 135, sau nhiều năm phấn đấu, giờ chỉ còn một thôn này là đặc biệt nhất. Ông lão lái đò cho biết, giữ lại chiếc đò này để làm kỷ niệm, và cũng bởi giờ bán chẳng ai mua, mà bỏ cho mưa nắng thì phí quá, vì lúc đặt đóng tới gần 40 triệu, dùng đâu cỡ được hai năm chở người qua lại hai bên sông. Bây giờ ít người đi quá, nên mỗi ngày thu nhập của ông được 15 ngàn đồng... và hết.

Con đò dềnh nước chảy xiết dưới mạn thuyền, nắng ban mai òa vỡ giữa màu xanh của cây rừng, màu của nước biếc. Xa xa những người phụ nữ, xen lẫn bóng trẻ con dắt bò thả ăn đồng, tranh thủ kẻo vài hôm nước lớn ngập đồng, lại không có gì cho những chú bò nhai trong đêm vắng...
Tôi lên bờ, thuôn Thuận Yên Tây chào đón bằng chiếc cổng chào mới toanh được công nhận thôn văn hóa của huyện. Thế nhưng... theo thông tin tôi nắm được từ lãnh đạo xã Tam Sơn, thì năm 2006, thôn đã xóa được 14 nhà tranh, còn chừng... 30 nhà nữa, bữa tổng kết phong trào mặt trận thôn, nhiều người nhất trí sang năm 2007 cùng góp công góp của là xóa xong nhà tranh tre dột nát, nhưng đến giờ vẫn chưa xong.

Việc vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư chừng cũng rục rịch đâu đó. Nhưng chỉ tính riêng chuyện hố xí xây, chỉ mới 33 hộ làm được, còn lại là hố xí đất có mái che và không có mái che vẫn nhan nhản.

Nghe nói mới 6 năm trước, làng hoàn toàn tự cung tự cấp, con gà, buồng chuối đem ra đầu làng, chỗ bến nước đổi qua đổi lại. Chừ người dân đã biết sang sông, bán cho làng bên kia, hoặc xuống chợ. Cổng đầu làng treo hàng chữ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” sơn mới vàng tươi trên nền đỏ. Hy vọng...
Thuận Yên Tây trước nằm trong diện di dời cư dân thuộc vùng lòng hồ, được được tái định cư ở hai xã Phước Gia, Phước Trà cảu huyện Phước Sơn... nhưng họ chỉ lên ở dăm ba bữa rồi lại đùm đề nhau về lại làng cũ. Nghe bà lão chăn bò đi cùng cười móm mém: “Đất “chó ăn đá, gà ăn muối” nhưng sống cả đời quen rồi, không bỏ được. Biết sống đây khổ nhưng đến nơi khác lại không sống được!”.

Bây giờ, ở vùng đất nằm ở lưng chừng hồ Phú Ninh này dẫu chẳng lạc hậu mấy với thông tin, nhưng cái nghèo vẫn bám, thi thoảng mới gặp có khá giả, nhưng nếp sống xưa nay vẫn ăn sâu trong mỗi người. Trong thôn Thuận Yên Tây, hơn 800 con người với chỉ cách bên kia sông, là xa cách với chợ búa, trường học, trạm xá... đủ thứ trên đời. Khu dân cư thưa thớt vài căn nhà cấp bốn.

Ấm cúng nhất có lẽ là ngôi trường tiểu học nằm ngay đầu làng. Ở đây, các cháu tiểu học trường làng, lên THCS thì băng sông để đến lớp, đến khi học THPT thì băng gần 40 km đường rừng, về huyện học tiếp như bao nhiêu học trò vùng sâu vùng xa khác, chỉ mỗi chuyện lụy đò cũng gian khổ lắm trong sự kiếm chữ của đám trẻ nghèo ở vùng quê này.
Hy vọng...
Thuận Yên Tây nằm lọt giữa trập trùng đồi núi, người dân quanh năm quần quật với nương rẫy mới mong đủ ăn. Hằng năm, chịu ảnh hưởng của cao trình nước hồ Phú Ninh, từ cuối tháng 10 đến hết tháng 7 năm sau nước sông Mùi dâng cao, các tháng còn lại nước cạn, chỗ cao nhất lên đến ngang cổ…
Chia gạo cứu trợ cho những hộ nghèo.
Chia gạo cứu trợ cho những hộ nghèo.
Anh Đặng Công Vương, Trưởng thôn Thuận Yên Tây ngậm ngùi: “Nghèo quá chẳng có chi tiếp đãi, thôi thì uống tạm chén nước lá mùng năm vậy!” Anh Vương cho biết, mỗi năm người Thuận Yên Tây sản xuất nông nghiệp chỉ được nửa năm. Diện tích đất sản xuất cứ bấp bênh và biến động bởi nước hồ Phú Ninh. Nửa năm làm, nửa năm ăn nên dù cố gắng lắm, Thuận Yên Tây vẫn nghèo.

Anh lật cuốn sổ thống kê hộ nghèo trong thôn, cuốn sổ nát nhàu những nếp gấp, chi chít tên các hộ nghèo. Bây giờ vẫn còn 73 hộ nghèo, tương đương 41% tổng số hộ dân toàn thôn. Diện tích nông nghiệp chỉ với 5ha lúa nước trời, xoay xở cũng chỉ thu chừng 30 tạ/ha/năm, số diện tích còn lại nhờ các đập thời vụ cố gắng lắm mới đủ nước tưới cho 2 vụ sản xuất là hết. Các xóm Hòn An, Hòn Hương hay Tây Thành đều bấp bênh theo con nước.
Cây keo được trồng, mấy năm nay đã lên xanh. Trong số liệu của xã Tam Sơn, thì Thuận Yên Tây đã trồng được chừng 385 nghìn cây keo các loại. Chỉ tính bỏ công làm lời mà hy vọng, vì nghe rằng cây nguyên liệu giấy đang thiếu trầm trọng, thể nào sau 5 năm keo được khai thác, số hộ nghèo trong làng sẽ ít hơn, hay “hết trơn hết trọi” như mong ước của nhiều người, và người giàu trong thôn sẽ không thiếu. Nhưng ngoảnh nhìn con sông Mùi, còn đó là cách trở cheo leo ở vùng ven hồ Phú Ninh này, vẫn hy vọng có một chiếc cầu nối hai thôn. Có lẽ, đợi vài năm nữa...

Điểm nóng

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Ôn thi Đại học

Tư vấn tuyển sinh

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Bùi Hữu Cường