Duy trì mô hình cai nghiện và quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng

21/09/2013 10:23
Theo H.Nghĩa/Báo Đồng tháp
(GDVN) - Xã Mỹ Tân, thành phố Cao Lãnh có quốc lộ 30 đi qua và 2 bệnh viện của tỉnh đóng trên địa bàn nên người dân đến tạm trú, làm ăn sinh sống ngày càng nhiều, kéo theo tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp.
Đặc biệt gần đây địa phương phát hiện nhiều đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy. Tính đến nay toàn xã có 18 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó phần nhiều quản lý sau cai và quản lý tại nơi cư trú.

Từ năm 2012, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã triển khai thí điểm mô hình Cai nghiện và quản lý sau cai tại cộng đồng (viết tắt là mô hình) tại xã Mỹ Tân. Mô hình sau thời gian thực hiện cho thấy hiệu quả rõ rệt. Các ngành, hội, đoàn thể xã phát huy được vai trò trong công tác phòng, chống ma túy tại địa phương, đặc biệt tình hình đối tượng nghiện ma túy được kiềm chế và có hướng cải thiện hơn so với trước đây. Xã cũng đã thành lập được Tổ công tác cai nghiện ma túy và hỗ trợ sau cai nghiện (Tổ công tác) gồm 9 người đảm đương các nhiệm vụ như: theo dõi, quản lý, tư vấn tiếp cận cộng đồng, hỗ trợ cắt cơn nghiện,...

Anh H.V.N. đã cai nghiện tại cộng đồng thành công, được hỗ trợ vay vốn làm ăn
Anh H.V.N. đã cai nghiện tại cộng đồng thành công, được hỗ trợ vay vốn làm ăn

Trong năm 2012, Tổ công tác triển khai khảo sát tình hình người nghiện ma túy, người nguy cơ mắc nghiện, người được quản lý sau cai,... Qua đó Tổ xác định được đối tượng, nội dung cần tuyên truyền để các ngành, đoàn thể, tư vấn viên tổ chức hình thức tuyên truyền phù hợp như: tổ chức nói chuyện chuyên đề trực tiếp người nghiện, người sau cai nghiện, gia đình người nghiện và gia đình người có nguy cơ sử dụng chất ma túy, nguy cơ trở thành tội phạm ma túy (được 12 cuộc, có trên 320 người tham dự); viết bài tuyên truyền trên Đài truyền thanh xã được 12 kỳ; phát 325 bộ tài liệu nội dung tuyên truyền các quy định của pháp luật và các chính sách về phòng, chống ma túy. Qua công tác tiếp cận, tuyên truyền, vận động, Tổ công tác đã vận động được 3 đối tượng cai nghiện tại cộng đồng.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Yến - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Mỹ Tân - thành viên Tổ công tác cho biết, khi tiếp cận hầu hết các đối tượng nghiện tại cộng đồng, họ thường không hợp tác. Tuy nhiên, qua tư vấn, giải thích quyền lợi của việc cai nghiện tại cộng đồng, có 3/3 người đăng ký tham gia. Trong quá trình quản lý người cai nghiện tại cộng đồng, các thành viên trong Tổ công tác thường xuyên quan tâm, hỏi thăm tình hình sức khỏe, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng người nghiện, qua đó có biện pháp giúp đỡ phù hợp.

Anh H.V.N. (SN 1980 ngụ ấp 3, xã Mỹ Tân, làm nghề thợ mộc) lần đầu tiên sử dụng ma túy và bị phát hiện đã được quản lý tại nơi cư trú. Sau khi đăng ký cai nghiện tại cộng đồng, anh được xét cho vay vốn giải quyết việc làm để phát triển nghề mộc. Anh H.V.N. tâm sự: “Cán bộ địa phương rất quan tâm đến hoàn cảnh của tôi, thường xuyên đến nhà thăm hỏi, động viên, khích lệ tinh thần. Một điều làm tôi rất vui là được xét cho vay tiền để làm ăn sinh sống”.

Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân cho rằng mô hình mang lại hiệu quả vì cán bộ thực hiện mô hình đã làm việc bằng cả lương tâm và trách nhiệm của mình, giúp cho người nghiện thấy bản thân họ nếu chịu chí thú làm ăn, từ bỏ con đường nghiện ngập luôn được người thân quan tâm. Cũng theo ông Nguyễn Văn Việt, bên cạnh mặt được, mô hình vẫn chưa tập hợp được các đối tượng cai và quản lý sau cai vào tham gia sinh hoạt đoàn thể. Thời gian tới, UBND xã sẽ tham mưu với Đảng ủy xã chỉ đạo các đoàn thể đưa các đối tượng vào tổ chức để có một môi trường sinh hoạt vui tươi, lành mạnh.

Theo H.Nghĩa/Báo Đồng tháp