Gặp đại tá-thành viên của gia đình duy nhất sống ở Hoàng Sa thế kỷ 20

17/04/2013 13:15
Tuệ Minh (ghi)
(GDVN) - “Thời tiết ở đó, nắng thì rất to, mưa cũng nhiều. Khi tạnh mưa thì trời sáng hẳn lên trông rất thích. Mẹ và anh em tôi thường đi dạo quanh đảo”.
Trong một buổi chiều đầu hè, qua lời giới thiệu ngắn gọn của nguyên Trưởng Ban biên giới của Chính phủ Trần Công Trục, không khó để chúng tôi có thể liên lạc và tìm đến nhà ông. Nằm trong khu phố nhỏ, ông sống cuộc sống giản dị, ngắn nắp với phong cách đậm chất lính.

Đại tá Trần Quân Bảo - Nguyên Phó Chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra Đảng Tổng Cục Công nghiệp quốc phòng (Ảnh: Tuệ Minh)
Đại tá Trần Quân Bảo - Nguyên Phó Chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra Đảng Tổng Cục Công nghiệp quốc phòng (Ảnh: Tuệ Minh)

Ông là Đại tá Trần Quân Bảo (SN 1934, ở Hà Nội, nguyên Phó Chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra Đảng Tổng Cục Công nghiệp quốc phòng) và cha ông là ông Trần Văn Phước, chuyên gia Vô tuyến điện của Binh Chủng Thông tin liên lạc (Bộ Quốc phòng).

Chúng tôi tìm đến ông với sự háo hức được nghe ông kể về khoảng thời gian 2 năm (từ cuối năm 1938 đến cuối năm 1940, lúc đó ông mới 4 tuổi) ông cùng gia đình mình ở Hoàng Sa. Theo lời ông, đó là gia đình người Việt Nam duy nhất từ đầu thế kỷ 20 sống ở đảo Hoàng Sa cho đến nay. Sau khi nhấp ngụm chè tươi, ông chậm rãi kể về cuộc sống của gia đình ông trên đảo Hoàng Sa ngày ấy. Sau đây, chúng tôi xin gửi tới độc giả phần ghi chép của phóng viên theo lời kể của Đại tá Trần Quân Bảo:

Chuyến đi Hoàng Sa “bất đắc dĩ”

Đại tá Trần Quân Bảo kể: Lúc đó tôi rất bé, bố tôi vốn là người đi tàu viễn dương tên là Canton chạy suốt dọc bờ Biển Đông (đi từ Singapore cho đến Tokyo).

Có những lúc, người ta đã nhờ cha tôi chuyển các tài liệu của Đảng Cộng sản Pháp mang về Sài Gòn. Đó là một hình thức truyền tài liệu của Đảng Cộng sản Pháp về Đông Dương cho nên bị mật thám Pháp tình nghi và không cho đi đường biển nữa mà rút về. 

Sau đó, cha tôi về làm ở Hà Nội. “Sếp” của ba tôi là chủ sự Fradime (trình độ kỹ thuật kém) có cách xử sự hống hách nên đã có lần mắng ba tôi. Ba tôi tức quá nên đã tạt tai ông ta luôn. Ông Fradime đã kiện lên Sở Vô tuyến điện Đông Dương nói rằng không cộng tác với ba tôi và yêu cầu thay đổi. 

Vậy là cuối năm 1938, đầu năm 1939, ba tôi bị phân công đi ra đảo Paracels (đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Lúc đó không ai dám ra đảo bởi đi thì không biết sống chết ra sao.

Thời điểm đó, ông Ngô Thế Duông học chuyên về vô tuyến điện rất giỏi vể máy móc đã được điều ra để lắp máy. Nhưng ông Ngô Thế Duông ở đó chỉ có một mình mà không có gia đình ra cùng. Ba tôi ra là để tiếp quản trạm vô tuyến điện ở Paracels (ở quần đảo đó có 2 đảo lớn là đảo Hoàng Sa (Pattle) và Phú Lâm (Boisée) ).

Ba tôi ra đảo manh theo cả gia đình. Gia đình tôi có ba mẹ và 3 anh em: tôi (SN 1934), em gái tôi (SN 1936) và cậu em trai (SN 1938)… Còn em gái út của tôi chưa ra đời.

Ảnh cha con ông Trần Quân Bảo chụp ngay sau khi trở về đất liền (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Ảnh cha con ông Trần Quân Bảo chụp ngay sau khi trở về đất liền (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Cuối năm 1938, gia đình tôi khởi hành từ Hà Nội vào đến Đà Nẵng (ngày đó gọi là Tourane). Chúng tôi đi vào buổi tối và mất 2 đêm 1ngày thì vào đến Đà Nẵng. Ở lại đó mấy ngày và chờ đến ngày có tàu thuỷ thì đi ra đảo.

Tàu thuỷ chở chúng tôi cùng hơn 10 người khác có 2 khoang: khoang trên là để chở hành khác, còn khoang dưới chủ yếu là để chở hành hoá. Lúc đó, sợ say sóng nên mẹ tôi yêu cầu các anh em tôi vào khoang ngủ và nếu muốn hít thở không khí trong lành thì ra mở chiếc cửa tròn nhìn ra biển.

Những ấn tượng đầu tiên khi đến đảo Hoàng Sa

Khi đến đảo thì tôi thấy không có cây gì cao mà xung quanh chỉ toàn là cát. Hình ảnh ập vào mắt tôi đầu tiên là 2 chiếc cột ăngten cao 30 m được xây trước năm 1938 (cao nhất trên đảo). Sau này tôi cứ thầm phục rằng, ở một nơi sóng gió to như thế mà người Pháp đã làm được những chiếc cột lớn và cao như vậy thì hẳn trình độ khoa học công nghệ đã rất phát triển và cũng chứng tỏ nơi đây đã rất được đầu tư . 

Khi đến thì tôi rất ngạc nhiên vì thấy nhà ở đây khác với nhà trong đất liền ở chỗ toàn bộ là mái bằng. Và sau đó, tôi mới hiểu là mái bằng dùng để giữ nước mưa, khi mưa thì nước sẽ chảy xuống hầm dưới nhà. 

Khi ra trên đảo có khoảng hơn chục mái nhà lớn nhỏ. Nhà tôi ở đảo Hoàng Sa. Trưởng đồn là Mossin (người Pháp gốc Ba Tư) ở nhà 2 tầng có lính ở phía dưới. Còn nhà tôi ở bên cạnh gồm 3 gian, có hành lang chạy xung quanh. Trong đó 1 gian giữa rộng nhất (2 ngăn gồm ngăn máy nổ và ngăn là đánh tín hiệu vô tuyến điện). Gian đầu hồi là gia đình tôi ở và gian còn lại của một ông làm về thiên văn. 

Thời tiết ở đó, nắng thì rất to, mưa cũng nhiều. Khi tạnh mưa thì trời sáng hẳn lên trông rất thích. Mẹ và anh em tôi thường đi dạo quanh đảo. Có những lúc đang đi chơi bất chợt gặp gió to thì không đi ngược gió về được mà phải đi xuôi chiều gió để về nhà. Có khi phải đi đến hơn nửa vòng đảo mới về được đến nhà...

(còn nữa)
Tuệ Minh (ghi)