Gặp lại người phụ nữ từng bị chồng "tra tấn" dã man ở Vĩnh Phúc

15/02/2013 07:02
Huệ Nguyễn
(GDVN) - Những vết thương trên da thịt chị Lê Thị Lý bị chồng bạo hành dã man cách đây hơn 1 năm, giờ đã lành lặn, nhưng những vết thương lòng không biết bao giờ mới nguôi ngoai trong chị...

Vết thương hằn sâu trong cả hai mẹ con

Những ngày này, chị Lê Thị Lý (sinh năm 1981) đã cũng con gái Nguyễn Khánh Ly (5 tuổi) về quê ngoại ở xã Vạn Thắng, Ba Vì, Hà Nội ăn Tết. Chị vừa trải qua phiên tòa sơ thẩm xét xử ly hôn với chồng là anh Nguyễn Tiến Thịnh (sinh năm 1980, tổ 5, phường Hùng Vương, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc) tại tòa án nhân dân thị xã Phúc Yên vào ngày 25/01/2013.

Án sơ thẩm ly hôn của chị đã được chấp nhận. Tuy nhiên việc thu thập chứng cứ và đánh giá chứng cứ của cấp sơ thẩm trong việc phân chia tài sản có phần chưa thuyết phục. Vì vậy, sau khi tòa tuyên án, chị Lý có kháng cáo ở phần phân chia tài sản.

Hai mẹ con chị Lý những ngày ở Ngôi nhà Bình yên.
Hai mẹ con chị Lý những ngày ở Ngôi nhà Bình yên.

Giọng người phụ nữ ấy bỗng trầm buồn khi được hỏi về cuộc sống hiện tại của mình. Sau khi cùng con gái rời Ngôi nhà Bình yên vào tháng 10/2012, chị tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để chị và con có được nơi ăn, chốn ở ở Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội trong những ngày “bĩ cực”, cho bé Khánh Ly được đến trường.

Vết thương trên da thịt đã lành lại, chị cũng đã có việc làm để kiếm thu nhập. Vẫn là công việc làm kế toán, chị nhận báo cáo của một vài công ty về làm tại nhà. Mỗi báo cáo cũng mang về cho chị thu nhập từ 1 – 1,5 triệu đồng. “Nhưng thời gian vừa qua bận tòa, tiền nhà, tiền đi lại, tiền ăn học cho con, nên tằn tiện lắm mới đủ chi tiêu. Nhiều khi vẫn phải xin tiền mẹ đẻ để trang trải cho cuộc sống”, chị Lý tâm sự.

Bé Khánh Ly cũng đã chuẩn bị cho mình hành trang để bước vào lớp 1. Nhưng trên gương mặt ngây thơ của bé vẫn hằn lại kí ức những trận đòn roi những ngày bố đánh mẹ mà bé được chứng kiến. Những kí ức kinh hoàng, những giọt nước mắt tủi thân, chị Lý đã cố giấu vào trong để những mong có được cuộc sống bình yên. Nhưng nhiều khi, đứng trước con, chị vẫn không khỏi chạnh lòng.

Chia sẻ về “nguồn vui” duy nhất của mình hiện nay, chị Lý cho biết: “10 tháng tuổi cháu đã thiếu đi bàn tay chăm sóc của mẹ. Khi mình trở về Việt Nam để đoàn viên với gia đình, thì cũng chỉ được vài tháng sau vợ chồng lại xảy ra chuyện. Mà những chuyện đó, con đều chứng kiến. Bây giờ nhiều khi con vẫn hỏi mẹ vì sao bố không cần con”, nói đến đây, chị Lý dừng lại, giọng nghẹn hơn. Từng tiếng lòng của đứa con nhỏ khiến người làm mẹ như chị không cầm được nước mắt.  

Chị Lý đã từng khóc rất nhiều khi không có tiền chữa bệnh cho con nhưng gia đình nhà chồng không hề đoái hoài gì tới cháu. Mọi sự giúp đỡ đều từ những tấm lòng hảo tâm, hàng xóm...
Chị Lý đã từng khóc rất nhiều khi không có tiền chữa bệnh cho con nhưng gia đình nhà chồng không hề đoái hoài gì tới cháu. Mọi sự giúp đỡ đều từ những tấm lòng hảo tâm, hàng xóm...

Chị Lý cũng cho biết thêm, từ sau khi vụ việc xảy ra đến nay, gia đình bên nội không quan tâm, hỏi thăm cháu câu nào. Mọi sự chu cấp cũng không có. “Hôm tòa xét xử sơ thẩm ly hôn, mình có đưa con tới vì lâu rồi cháu cũng không được gặp bố. Khi tòa tuyên bố con là do mình nuôi và bên gia đình anh ấy hàng tháng phải chu cấp nuôi con, anh ấy đã nói trước tòa “Tôi từ chối quyền chu cấp cho con, nếu phải chu cấp tôi mong tòa án cho tôi mức thấp nhất”. Câu nói ấy, cháu đã nghe thấy. Chính vì vậy, lúc về nhà cháu có nói: “Bố từ chối nuôi con!”.

Cũng có lúc, cuộc sống gặp nhiều khó khăn chị Lý đã nghĩ tới việc sẽ đưa con về bà ngoại. Mặc dù trong thâm tâm, chị hiểu cả hai mẹ con rất cần nương tựa vào nhau lúc này. Niềm mong mỏi được hàn gắn vết thương và bù đắp tình cảm cho con đã giữ bé Khánh Ly ở lại bên chị, dù cuộc sống trước mắt còn nhiều chông gai.

Trước khi phiên tòa xét xử ly hôn diễn ra, chị Lý đã rất hi vọng mình và con sẽ có được những tài sản mà chị đã bỏ biết bao công sức, cả mồ hôi, nước mắt và những tháng ngày hạnh phúc để gây dựng nên. Phiên tòa kết thúc, để lại trong chị là sự hẫng hụt bởi “Hầu như những cái mình hi vọng lấy lại được như cái nhà, ô tô… lại hoàn toàn thuộc về nhà chồng”, chị Lý chia sẻ.

Dấu hiệu của việc lừa đảo và chiếm đoạt tài sản

Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam về lần kháng cáo này của chị Lý, Luật sư Trần Đình Triển – trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân (Hà Nội), người sẽ bào chữa miễn phí cho chị Lê Thị Lý cho biết:

Chị Lý bị chồng bạo hành dã man với rất nhiều những thương tích trên người, bố mất sớm, mẹ ở Ba Vì hoàn cảnh kinh tế cũng vô cùng khó khăn. Sau đó chị Lý được Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giúp đỡ, bảo trợ cho hai mẹ con về ở Ngôi nhà bình yên để không mất tiền thuê nhà và đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho cả mẹ và con.

Trong hoàn cảnh đó, có lúc đứa bé bị sốt, ốm… đi khám chữa bệnh và tiêu tốn mất nhiều tiền. Khi ấy, trong người chị Lý không có đồng tiền nào ngoài sự tài trợ của một số nhà hảo tâm hay chính các anh em báo chí để tạo điều kiện chữa bệnh cho con chị. Tài sản của chị Lý khi rời khỏi nhà chồng chỉ với bộ quần áo trên người, mọi thứ còn lại đều ở nhà chồng. Trong hoàn cảnh đó, với 1 luật sư như tôi không thể đứng nhìn.

Hơn nữa, tôi ghét nhất “đấng mày râu” không đi đánh bọn tham nhũng cho ích nước lợi nhà, mà về nhà “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” đánh vợ, nên tôi chấp nhận bào chữa miễn phí cho chị Lê Thị Lý trong vụ bạo hành gia đình xảy ra ở thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Luật sư Trần Đình Triển (ảnh: kienthuc.net.vn)
Luật sư Trần Đình Triển (ảnh: kienthuc.net.vn)

Vụ hình sự đã kết thúc. Chồng chị Lý là anh Thịnh bị xử bởi hai tội: tội đe dọa giết người với mức án 3 năm và tội cố ý gây thương tích mức án 2 năm, tổng hình phạt là 5 năm. Hiện tại, chồng chị đang đi thụ lý an giam, cả đôi bên không có kháng cáo.

Vừa qua, chị Lý khởi kiện để ly hôn nhằm đảm bảo cuộc sống cho mình. Vì trong hoàn cảnh của chị không thể sống trong một gia đình như vậy và tình nghĩa vợ chồng cũng không thể hàn gắn được.

Việc ly hôn vừa được tòa án nhân dân thị xã Phúc Yên xét xử vào ngày 25/01/2013. Tòa đã chấp nhận án sơ thẩm và ly hôn nhưng một số kết luận trong việc phân chia tài sản là chưa chuẩn xác. Vì vậy, khi tòa tuyên án thì chị Lý có kháng cáo ở phần phân chia tài sản.

Giữa anh Thịnh và chị Lý cũng có những khoản tài sản chung là: căn nhà mua của chị Hương ở khu tập thể của công ty giầy da, 01 ngôi nhà mua của người bác họ, xe ô tô Toyota Vios trị giá 400 triệu.

Tòa chỉ quyết được ngôi nhà mua của chị Hương ở khu giầy da mới dựng được chia về cho mẹ con chị Lý đồng nghĩa với việc chị Lý sẽ phải trả một khoản tiền cho anh Thịnh. Còn ngôi nhà mua của người bác họ thì bị tòa bác vì không có hồ sơ giấy tờ.

Tuy nhiên, chúng tôi đã chứng minh rằng ngôi nhà đó chính là ngôi nhà vợ chồng chị Lý là xây nên từ chính số tiền chị kiếm được trong những năm tháng đi lao động nước ngoài.

Còn việc liên quan đến xe ô tô, ở đây có dấu hiệu của tài liệu làm giả, thông qua 1 người họ hàng làm cán bộ xã ở huyện khác để làm giấy tờ mua bán với nhau trong lúc vụ việc xẩy ra. Trong đó có công chứng của Phòng Tư pháp huyện. Mà việc công chứng cả hộ tịch hộ khẩu của 1 con người, điều đó là sai với luật công chứng. Ở đây có dấu hiệu của việc làm để hợp thức hóa việc tẩu tán 400 triệu là số tiền của ô tô đó. Cấp phúc thẩm sẽ xét xử.

Với góc độ Luật sư, chúng tôi cũng sẽ gửi công văn lên cơ quan công an để làm rõ việc này. Nếu chứng minh được rằng đây là những giấy tờ làm sau và không làm đúng quy định của pháp luật thì đây là dấu hiệu để lừa đảo và chiếm đoạt tài sản

Huệ Nguyễn