"Gia đình khó khăn, nhưng con đậu đại học, bố mẹ gắng lo cho con ăn học"

03/07/2021 06:29
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Câu nói của người cha khiến cô bé 18 tuổi Đặng Thị Nga xúc động, đó cũng là động lực để em quyết tâm đạt được kết quả cao trong kỳ thi bước ngoặt.

Tâm trạng vui vẻ là điều quan trọng nhất trước ngày thi

Càng gần tới kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tâm lý của phần lớn học sinh là lo lắng, căng thẳng bởi những kỳ vọng của chính bản thân và gia đình đặt ra.

Vậy làm thế nào để tâm trạng thoải mái, không bị rơi vào áp lực tâm lý?

Đặng Thị Nga - Thủ khoa ngành Tâm lý học Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm: “Đến những thời gian cuối sắp bước vào kỳ thi em không còn quá tập trung vào để bồi đắp kiến thức nữa mà dành cho mình một tâm lý thoải mái nhất có thể.

Phần lớn các bạn vừa lo, vừa sợ, bản thân em cũng sợ nhưng nghĩ lại quãng thời gian ôn thi là cả một quá trình dài, nỗ lực của bản thân, vất vả của cha mẹ thì phải càng quyết tâm đạt được mục tiêu mình đề ra.

Thời điểm này của năm trước, em dành thời gian hệ thống và phân loại kỹ năng làm bài, tìm cho mình động lực để cố gắng. Gia đình chính là điểm tựa tuyệt vời giúp em vững vàng tâm lý trước kỳ thi”.

Đặng Thị Nga, Thủ khoa ngành Tâm lý học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh NVCC)

Đặng Thị Nga, Thủ khoa ngành Tâm lý học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh NVCC)

Nga nhớ lại, buổi tối trước khi đi thi, bố động viên con gái rất nhiều. Quê em ở huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), gia đình có nhiều khó khăn, nhưng luôn mong con học hành, đỗ đạt. Tối hôm ấy, bố bảo: “Con đừng lo! Gia đình khó khăn, nhưng con đậu đại học, bố mẹ gắng lo cho con ăn học". Nga bật khóc! Và chính sự động viên của bố mẹ giúp cho em có thêm động lực quyết tâm giành điểm cao.

Theo Đặng Thị Nga, việc ôn thi là cả một quá trình, những ngày cuối của chặng đường ấy không nên nhồi nhét thêm kiến thức mà hãy tổng hợp, hệ thống lại những gì mình đã ôn tập. Tuy nhiên, điều này cũng nên làm theo một kế hoạch được vạch ra tránh việc tổng hợp nhưng lại quá nhiều thông tin dẫn đến học sinh bị loạn kiến thức.

“Trong giai đoạn nước rút, cái quan trọng không phải là mình luyện được bao nhiêu đề, làm được bao nhiêu bài nâng cao mà là hệ thống lại kiến thức một cách chắn chắn.

Các câu hỏi dễ thường có trong sách giáo khoa, bạn nào không hệ thống sẽ quên hoặc dễ bị đánh lừa nên phải tổng hợp lại những kiến thức cơ bản nhất.

Theo em, giai đoạn này không nên ôn tập các dạng bài nâng cao nữa, việc này chúng ta đã phải thực hiện từ trước đó, nếu giai đoạn nước rút làm những bài tập khó sẽ dễ dẫn đến căng thẳng”, Nga chia sẻ.

Đặng Thị Nga trở thành thủ khoa với số điểm 28,5, khối C và khẳng định thành quả ấy là nhờ phương pháp ôn tập nắm chắc các kiến thức cơ bản.

“Có nhiều bạn sai phương pháp học khiến kết quả không được như mong muốn. Đối với khối xã hội, nhiều bạn lạm dụng phương pháp học thuộc, học vẹt. Như vậy là không đúng, vì dù khối lượng kiến thức nhiều nhưng khối C vẫn cần hệ thống tư duy. Nếu như các bạn có ôn thi, làm đề sẽ biết, khi hiểu và tư duy một chút những câu vận dụng, nâng cao sẽ được giải quyết triệt để nếu năm được chắc kiến thức cơ bản”, Nga cho hay.

Hạn chế thức khuya và tạo không gian thư giãn

Thủ khoa ngành Tâm lý học chia sẻ, rất nhiều bạn học sinh thức khuya để học bài. Phải công nhận rằng, thời gian về đêm là không gian yên tĩnh và các bạn học sinh có thể tập trung nhiều hơn cho việc tiếp thu kiến thức. Tuy nhiên, thức quá khuya và lạm dụng các chất kích thích như trà, cà phê… có thể mang lại tác dụng ngược.

“Em phân chia thời gian học tập sáng, chiều, tối và mỗi buổi 3 tiếng. Do vậy buổi tối 12 giờ là em đi ngủ.

Chúng ta ấn định một thời gian cụ thể cho việc học sẽ tạo sức bền cho cả quả trình ôn thi. Kết hợp giữa học và thời gian thư giãn em thấy vô cùng cần thiết”, Nga nói.

Qua quá trình kinh nghiệm ôn thi của mình, Đặng Thị Nga nhận ra rằng, rất nhiều bạn ở lớp, ở trường “ngủ ngày, cày đêm” nhưng như vậy là không khoa học.

Nga cho rằng: “Về ăn uống đủ chất thì theo em nghĩ hầu hết các sĩ tử đều được gia đình chú trọng, chăm sóc. Vấn đề mà nhiều bạn mắc phải đó chính là thức khuya để học, thậm chí học xuyên màn đêm, không chú trọng giấc ngủ. Điều này dẫn đến cơ thể, đầu óc luôn trọng trạng thái mệt mỏi.

Theo em, nên hạn chế thức khuya và thay vào đó là thức dậy vào 6-7 giờ sáng. Học 3 giờ đồng hồ thì thư giãn, ăn trưa, ngủ trưa. Buổi chiều tiếp tục dậy học 3 giờ đồng hồ sau đó thư giãn bằng cách luyện tập thể thao, đạp xe. Và tối tiếp tục học 3 tiếng tầm 11h30 kết thúc.

Việc học tập có thời gian khoa học cũng là một trong những phương pháp giúp tâm lý, đầu óc tỉnh táo, có năng lượng để tiếp thu được lượng kiến thức tốt hơn rất nhiều”.

Hiện tại, cô gái nhỏ Đặng Thị Nga đã thích nghi được với môi trường đại học và trong kỳ học đầu tiên của năm thứ nhất Nga đã dành được học bổng.

Thêm vào đó, để nâng cao kinh nghiệm cũng như có tài chính dư giả hơn, Nga đã tham gia một số công việc làm thêm.

“Em nghĩ nên đi làm thêm để có thêm thu nhập, phụ bố mẹ trong quá trình nuôi mình ăn học.

Nếu gia đình có điều kiện, thì các bạn cũng nên đi làm thêm bởi đó là nơi cho chúng ta những kinh nghiệm sống quý giá. Thanh niên như chúng em không chỉ cần học tốt trong sách vở mà phải giỏi những kĩ năng bên ngoài xã hội. Không chỉ với ngành xã hội mà bất cứ ngành nào, em nghĩ thực lực và kĩ năng đều cần trau dồi, bổ sung và hoàn thiện càng sớm, càng tốt”, Nga bày tỏ.

Cao Kim Anh