Giám đốc Sở GD Điện Biên kêu gọi sinh viên mới ra trường liên hệ Sở ứng tuyển GV

22/06/2022 06:50
Lại Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên kêu gọi các giáo viên trẻ có tâm huyết lên vùng cao ứng tuyển để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên chương trình mới

Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10.

Đối với lớp 3, đây cũng là lần đầu môn Tiếng Anh và Tin học trở thành môn học bắt buộc. Tuy vậy, tình trạng thiếu giáo viên tại Điện Biên, đặc biệt giáo viên các môn chuyên biệt trong thời gian qua không chỉ khiến cho sự nghiệp "gieo chữ, trồng người" ở vùng cao đã khó càng thêm khó, mà còn ảnh hưởng đến sự thành công của chương trình giáo dục phổ thông mới tại địa phương.

Tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nà Khoa (huyện Nậm Pồ) chỉ có 2 giáo viên tiếng Anh, các thầy phải dạy cả trường với số tiết gấp đôi bình thường.

Tuy nhiên, việc chưa có chế độ chính sách về tính tiền thừa giờ cho các thầy nên các thầy cũng tâm tư. Tuy nhiên, vì khó khăn chung của ngành nên 2 thầy tiếng Anh vẫn phải vẫn phải dạy cả trường.

Nói về tình hình thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh Điện Biên, thầy Nguyễn Văn Đoạt – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cho biết:

“Theo khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập ban hành kèm theo Thông tư số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên còn thiếu 203 giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc. Mỹ thuật”.

Khu vực nhà ăn được tận dụng làm lớp học để 2 lớp học ghép môn tiếng Anh, giáo viên bậc Trung học cơ sở đảm nhiệm dạy cả bậc tiểu học theo cụm xã là một trong những giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên dạy tiếng Anh tại huyện Tủa Chùa. Ảnh: Dienbien.tv

Khu vực nhà ăn được tận dụng làm lớp học để 2 lớp học ghép môn tiếng Anh, giáo viên bậc Trung học cơ sở đảm nhiệm dạy cả bậc tiểu học theo cụm xã là một trong những giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên dạy tiếng Anh tại huyện Tủa Chùa. Ảnh: Dienbien.tv

Cụ thể, theo thầy Đoạt cho biết, với giáo viên Tiếng Anh, toàn tỉnh Điện Biên đang thiếu 125 giáo viên Tiếng Anh trong đó cấp Tiểu học thiếu 72 Giáo viên, Trung học cơ sở thiếu 38 giáo viên còn cấp Trung học phổ thông thiếu 15 giáo viên.

Đối với môn Tin học, cấp Tiểu học đang thiếu 24 giáo viên, Trung học cơ sở là 7 giáo viên và thiếu 3 giáo viên ở cấp Trung học phổ thông.

Với môn Âm nhạc tỉnh Điện biên đang thiếu 09 giáo viên cấp Tiểu học, 6 giáo viên Trung học cơ sở và 10 giáo viên Trung học phổ thông.

Môn Mỹ Thuật đang thiếu 9 giáo viên Tiểu học và 10 giáo viên Trung học phổ thông.

“Trong thời gian tới ngành Giáo dục và Đào tạo Điện Biên sẽ xin thêm chỉ tiêu để thi tuyển, cũng thông qua Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chúng tôi kêu gọi các bạn sinh viên sư phạm chuyên ngành này ra trường có nhu cầu lên Điện Biên công tác hãy liên hệ với Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên và tham gia thi tuyển”, thầy Đoạt nói thêm.

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, môn tiếng Anh là môn học bắt buộc từ lớp 3 với thời lượng 4 tiết/ tuần. Để đảm bảo dạy học theo chương trình mới, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh đặt hàng đối với trường đại học trong toàn quốc để đảm bảo nguồn tuyển cũng như chất lượng nguồn tuyển giáo viên tiếng Anh.

Trước tình trạng thiếu giáo viên, các môn học cho chương trình phổ thông 2018, các cơ sở Giáo dục và Đào tạo đã có những hình thức khắc phục trước mắt.

Thầy Ngô Xuân Chiến – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ cho biết:

“Tình trạng thiếu giáo viên là tình trạng chung của tỉnh. Ở một số môn như Mỹ Thuật, Âm nhạc có thể khắc phục được. Tuy nhiên, đối với môn Tiếng Anh và Tin học ở cấp Tiểu học là khá căng.

Ở cấp trung học cơ sở các thầy cô Toán – Tin có thể dạy song song được, vì ở cấp Tiểu học giáo viên đào tạo chung môn Mỹ thuật, Âm nhạc nên có thể khắc phục. Đây có thể là giải pháp trước mắt.

Tuy nhiên, với môn Tiếng Anh và Tin học ở cấp tiểu học khá khó khăn nên các trường đang tìm các biện pháp khắc phục.

Trong khi thiếu giáo viên bộ môn tiếng Anh, các trường đang phải áp dụng hình thức dạy tăng tiết, hoặc phòng Giáo dục và Đào tạo phân công giáo viên tiếng Anh đảm nhiệm dạy 2 cấp học theo cụm xã.

Bên cạnh đó, các trường cũng có thể tiến hành ghép lớp để học chung. Môn tiếng Anh, môn Tin học trước mắt có thể học ở các hội trường lớn.

Giải pháp tạm thời này cũng gặp không ít khó khăn do nội dung chương trình và phương pháp dạy học khác nhau. Bên cạnh đó, việc giải quyết chế độ cho giáo viên phải dạy thừa giờ cũng đang có nhiều vướng mắc.

Xét về lâu về dài phải tuyển thêm, tuy nhiên, việc tuyển được giáo viên có chất lượng lên vùng cao công tác cũng gặp rất nhiều khó khăn”.

Lại Cường