Gián đoạn vận tải, lưu thông hàng hóa là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp

06/08/2021 06:04
Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị các biện pháp phòng chống dịch cần thực hiện thống nhất trên cả nước, tránh mỗi nơi một kiểu.

Các doanh nghiệp cũng đề xuất cho phép doanh nghiệp mua những bộ test nhanh để test covid.

Đây là các đề xuất nổi bật tại hội thảo trực tuyến "Duy trì sản xuất trong thời kỳ dịch COVID-19: Vấn đề và giải pháp" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM phối hợp tổ chức) tổ chức ngày 4/8.

Chủ trì cuộc hội thảo có ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI; ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng CIEM; ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch VCCI.

Để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp cho rằng không nên phân biệt thiết yếu hay không thiết yếu, mà nên hiểu là sản xuất nói chung. Ảnh minh họa: TTXVN

Để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp cho rằng không nên phân biệt thiết yếu hay không thiết yếu, mà nên hiểu là sản xuất nói chung. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19,việc tìm ra các giải pháp để doanh nghiệp duy trì sản xuất, góp phần duy trì sự ổn định của kinh tế và xã hội mà vẫn đáp ứng được các yêu cầu chống dịch là nhu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Do vậy, buổi họp tập trung vào ba nhóm giải pháp cụ thể:

Thứ nhất, mô hình “3 tại chỗ” đang không phát huy tác dụng khi thời gian áp dụng kéo dài, việc cấp thiết cần có các giải pháp và sáng kiến để duy trì sản xuất trong giai đoạn áp dụng Chỉ thị 16.

Thứ hai, vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất và xuất khẩu đang bị gián đoạn do cách thực hiện khác nhau giữa các tỉnh thành trong cả nước. Các kiến nghị và giải pháp để khắc phục các vấn đề lưu thông liên tỉnh “luồng xanh” và lưu thông nội tỉnh, thành.

Thứ ba, việc xây dựng “lộ trình” để đưa sản xuất trở lại trở cần thiết được bản thảo kỹ càng để tránh các tình huống bị động do biến động không thể dự đoán của dịch bệnh trong thời gian tới.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, nhiều địa phương áp dụng Chỉ thị 16 quá cứng nhắc dẫn đến các doanh nghiệp dệt may không thể có đủ nguyên phụ liệu để sản xuất. Vì nhiều mặt hàng bị địa phương cho là không thiết yếu nên không cho lưu thông. Chưa kể công nhân, bộ phận phát triển mẫu không được đi đến chỗ làm.

"Do tốc độ tiêm chủng trong ngành dệt may chưa đầy 1% nên người lao động rất lo lắng khi đi làm việc. Ngoài ra lao động di chuyển về quê nhà để trốn dịch nên khi dịch bệnh được kiểm soát, nhà máy quay trở lại sản xuất cũng không kiếm đủ công nhân. Các doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến hết Qúy 1-2022, đặt ra nhiều câu hỏi cho hiệp hội dệt may Việt Nam. Vấn đề này sẽ phụ thuộc vào tình hình dịch vậy nên cần có kịch bản cụ thể để chủ động đối phó", ông Giang nói.

Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành AmCham Vietnam cho biết: “Chúng tôi ủng hộ việc Mỹ tài trợ vắc xin cho Việt Nam và sẽ tiếp tục vận động, tiếp tục tài trợ vaccine và dụng cụ y tế. Chúng tôi hoan nghênh sự đóng góp của các thành viên Amcham”.

Giám đốc điều hành AmCham Việt Nam nêu, qua quan sát thực tế, mô hình bảo vệ sản xuất doanh nghiệp theo hướng "3 tại chỗ" chỉ hiệu quả theo cách tạm thời. Nếu tiếp tục kéo dài thời gian thì cơ chế này khó có thể bền vững ở góc độ bảo vệ sức khỏe cho người lao động, sản xuất cho các doanh nghiệp.

Bà Mary đề xuất, nới lỏng mô hình 3 tại chỗ: cho phép doanh nghiệp đưa rước cán bộ công nhân viên về nhà và chịu trách nhiệm đưa đón, đảm bảo quy trình sản xuất an toàn. Cho phép doanh nghiệp mua những bộ test nhanh để test covid. Những tổ công tác Covid 19 nên được thành lập với đại diện các doanh nghiệp, để áp ứng nhanh với các thủ tục, hỗ trợ, đồng thời cung cấp những dịch vụ liên quan. Vấn đề tắc nghẽn trong vận tải, giao thông là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp. Các cảng đóng cửa, dây chuyền, kho lạnh đóng cửa mà vaccine chưa đủ dẫn đến gián đoạn công tác vận chuyển hàng hóa để mua bán, xuất khẩu.

“Các thủ tục giấy tờ nên được sắp xếp hợp lí để phê duyệt lại việc đi lại của chuyên gia nước ngoài, thời gian cách ly nên xuống còn 7 ngày với những người được tiêm chủng đầy đủ. Điều này sẽ tăng đáng kể khả năng đóng góp phục hồi kinh tế từ các chuyên gia”, bà Mary đề xuất

Ông Nguyễn Hải Minh - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) - cho rằng doanh nghiệp nước ngoài chia sẻ khó khăn, nhưng nỗi lo đứt gãy chuỗi cung ứng cả trong nước và quốc tế thường trực, nên cần hướng dẫn rõ ràng, cụ thể từ Chính phủ, tránh tình trạng mỗi tỉnh áp dụng một kiểu hiện nay, đặc biệt là quy định về hàng thiết yếu.

"Cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài không khỏi lo lắng, không biết điều gì đang xảy ra. Để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, không nên phân biệt thiết yếu hay không thiết yếu, mà nên hiểu là sản xuất nói chung. Cần có ngay hướng dẫn, nếu nhà máy có F0 thì cần làm gì, đặc biệt là nhà máy tổ chức '3 tại chỗ’”ông Minh nêu.

Chỉ ra khó khăn của hoạt động vận tải khi có 4 bộ cùng tham gia quản lý, ông Nguyễn Duy Minh - Tổng thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam - kiến nghị cần tháo gỡ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 cho lái xe vận tải, khi mà các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đang tác động lớn đến hoạt động vận chuyển hàng hóa, gia tăng chi phí.

Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, hiện Chính phủ đang rất tích cực triển khai các giải pháp đã ban hành, cũng như những giải pháp mới để hỗ trợ doanh nghiệp. Những ý kiến của doanh nghiệp sẽ được VCCI gửi đến Chính phủ trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đại dịch này, hơn lúc nào hết cần cải cách thể chế thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn để giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, VCCI đã đề xuất đến Chính phủ các kiến nghị như: giảm tiền điện cho các doanh nghiệp hiện nay, giảm phí công đoàn trước mắt là 1% chứ không phải 2% ít nhất trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, giảm các chi phí khác, hỗ trợ các doanh nghiệp chi phí mà họ bỏ ra trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-19.

Nhật Minh