Giáo sư Mỹ: "Ấn Độ cần điều tàu chiến, máy bay chiến đấu đối phó TQ"

19/12/2012 13:58
Việt Dũng
(GDVN) - Hiện nay, Trung Quốc coi Ấn Độ là một đối thủ cạnh tranh chủ yếu ở khu vực châu Á, vì vậy Ấn Độ cần đáp trả mạnh mẽ...
Ved Nanda - giáo sư luật quốc tế, Đại học Denver Mỹ (bên phải)
Ved Nanda - giáo sư luật quốc tế, Đại học Denver Mỹ (bên phải)

Ngày 17/12, tờ “Thời báo Kinh tế Ấn Độ” dẫn lời phát biểu của Ved Nanda, giáo sư luật quốc tế Đại học Denver – trường đại học nổi tiếng nước Mỹ tại một hội nghị “quan hệ Trung-Ấn” do Ấn Độ và Quỹ nghiên cứu di dân Ấn Độ tổ chức, đã kêu gọi Ấn Độ cần áp dụng thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông, đồng thời cho rằng Ấn Độ cần điều phi đội máy bay và hạm đội đến biển Đông để đối chọi lại với Trung Quốc.

Theo bài báo, Ved Nanda là một người Mỹ gốc Ấn. Ông nói: “Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với hầu hết biển Đông, đối với vấn đề này, Ấn Độ cần đưa ra phản ứng cứng rắn đối với Trung Quốc. Tôi kiến nghị Ấn Độ cần điều phi đội máy bay hạng nhẹ đến khu vực này, đồng thời sử dụng hạm đội chủ yếu của họ để làm lực lượng dự bị”.

Khi đề cập đến vấn đề lãnh thổ khu vực biển Đông, Ved Nanda cho rằng: “Ấn Độ ở vào một vị trí có lợi hơn Trung Quốc và các nước khác, họ có lực lượng hiện diện mạnh ở các nước láng giềng, vì vậy có khả năng thực hiện sức mạnh mềm”.

Theo Ved Nanda: “Hiện nay, Trung Quốc coi Ấn Độ là một đối thủ cạnh tranh chủ yếu ở khu vực châu Á, vì vậy Ấn Độ cần đưa ra các biện pháp chống lại Trung Quốc một cách mạnh mẽ”. Ved Nanda còn ca ngợi gần đây Ấn Độ đã không “khuất phục” trong vấn đề hộ chiếu mới của Trung Quốc.

Trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường hiện đại hóa quân sự và liên tiếp có hành động gây quan ngại trên biển Đông, Tư lệnh Hải quân Ấn Độ, Đô đốc D.K. Joshi tuyên bố, nếu cần thiết, Hải quân Ấn Độ sẽ can thiệp để bảo vệ hoạt động đầu tư khai thác dầu khí của Tập đoàn dầu  khí ONGC Videsh ở ngoài khơi bờ biển của đối tác ở ĐNÁ.

Đô đốc D.K. Joshi nhấn mạnh: “Ở đâu liên quan đến lợi ích quốc gia của chúng tôi, chúng tôi sẽ bảo vệ và can thiệp”. Ông khẳng định, Ấn Độ không có nhiều lợi ích lãnh thổ ở biển Đông, nhưng mối quan tâm chính của Ấn Độ là “tự do hàng hải”, Ấn Độ triển khai lực lượng hải quân ở biển Đông là để “bảo vệ lợi ích quốc gia của Ấn Độ trong lĩnh vực hàng hải”.

Tàu ngầm hạt nhân Chakra-II của Ấn Độ từng lặng lẽ di chuyển dưới lòng biển Đông.
Tàu ngầm hạt nhân Chakra-II của Ấn Độ từng lặng lẽ di chuyển dưới lòng biển Đông.

Dự kiến, trong thời gian tới, Bộ Tư lệnh hải quân Miền Đông Ấn Độ có thể tăng cường triển khai lực lượng ở biển Đông như 3 tàu khu trục tàng hình, tàu ngầm hạt nhân INS Chakra (thuê của Nga trong 10 năm), tàu đổ bộ cỡ lớn INS Jalashwa.

Tuy nhiên, bài báo trên tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc dẫn lời cựu phó Cục trưởng Cục Tình báo Mỹ Glen Carle thì cho rằng, chính sách kinh tế hai nước mới là quan trọng, điều này sẽ tạo dựng quan hệ tương lai của hai nước.

Còn theo phó Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ, Arun K. Singh, 50 năm qua, Trung Quốc và Ấn Độ đã đạt được tiến bộ rất lớn trong vấn đề tranh chấp khu vực. Trên phạm vi khu vực châu Á và thế giới, Trung Quốc và Ấn Độ đều có đầy đủ cơ hội phát triển, cùng có lợi rất quan trọng đối với hai nước.

Ông Singh nói thêm, hiện nay, Trung Quốc và Ấn Độ đều đang cố gắng để ký kết “Thỏa thuận an ninh châu Á”.

Tàu vận tải đổ bộ INS Jalashwa, Hải quân Ấn Độ
Tàu vận tải đổ bộ INS Jalashwa, Hải quân Ấn Độ
Tàu khu trục tàng hình INS Shivalik, Hải quân Ấn Độ.
Tàu khu trục tàng hình INS Shivalik, Hải quân Ấn Độ.
Tàu hộ vệ tên lửa INS Satpura, Hải quân Ấn Độ
Tàu hộ vệ tên lửa INS Satpura, Hải quân Ấn Độ
Việt Dũng