Giáo viên Trường Giồng Ông Tố băn khoăn các khoản thu chi tài chính ở trường

04/02/2018 08:11
Phương Linh
(GDVN) - Giáo viên thắc mắc phí du lịch giảm, còn Hiệu trưởng giải thích là do ngân sách chi cho trường bị giảm, nên cần phải giảm những khoản này.

Một giáo viên Trường trung học phổ thông Giồng Ông Tố, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh vừa chuyển đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam một số các ý kiến, thắc mắc liên quan đến công tác thu chi tài chính trong nhà trường.

Phí du lịch giảm từ 6,3 triệu xuống 2 triệu đồng mỗi người

Theo thầy giáo này cho biết, không hiểu như thế nào, nhưng phí du lịch dành cho người lao động của trường đã bị giảm từ 6,3 triệu đồng/người năm ngoái xuống 2 triệu đồng/người năm nay.

Trước đây, giáo viên làm công tác ra đề kiểm tra giữa học kỳ, cuối học kỳ, coi thi…đều được chi tiền, nhưng nay thì không có. Trường có thu tiền sổ liên lạc điện tử (100.000 đồng/em), nhưng người quản lý hộp thư không thông báo, mà Hiệu trưởng bắt giáo viên chủ nhiệm tự liên hệ phụ huynh thông báo tình hình.

Nhà trường có tổ chức dạy buổi 2, thu của học sinh 300.000 đồng/tháng, nhưng chỉ trả cho giáo viên dạy buổi 2 là 130.000 đồng/tiết, nhưng thực tế, cũng mức thu này, nhiều trường trả cho giáo viên 150.000 – 160.000 đồng/tiết.

Trong hội nghị cán bộ công chức của trường, khi giáo viên thắc mắc chuyện thù lao này, thì cô Hiệu trưởng nói nếu giáo viên không chịu dạy, trường sẽ mời giáo viên thỉnh giảng bên ngoài.

Hiệu trưởng lúc thì báo quỹ nhà trường kết dư âm, lúc thì dương khi hội nghị trù bị cán bộ công chức lần 1, 2, làm giáo viên không hiểu rõ như thế nào.

Phí du lịch giảm do ngân sách rót về trường giảm

Ngày 1/2, cô Võ Thị Huyền – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Giồng Ông Tố, quận 2 xác nhận với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, đúng là phí du lịch hàng năm của người lao động ở trường bị giảm, như phản ánh của giáo viên.

Giáo viên Trường Giồng Ông Tố, quận 2 hiện có nhiều băn khoăn về thu chi tài chính của trường (ảnh: P.L)
Giáo viên Trường Giồng Ông Tố, quận 2 hiện có nhiều băn khoăn về thu chi tài chính của trường (ảnh: P.L)

Tuy nhiên, việc này có nguyên nhân là do ngân sách của Nhà nước hàng năm rót xuống cho trường giảm, nên phải giảm một số khoản chi như vậy.

Theo cô Huyền, việc này cũng đã thông báo trong Hội nghị cán bộ công chức hàng năm của trường, ghi rõ trong quy chế chi tiêu nội bộ, cũng đã được thông qua với tập thể nhà trường.

Các khoản chi làm công tác ra đề kiểm tra giữa học kỳ, cuối học kỳ, coi thi…cô Võ Thị Huyên khẳng định rằng, trước đây thì đúng là có, nhưng do ngân sách thì ngày càng khó khăn, việc ra đề, coi thi hay kiểm tra là thuộc nhiệm vụ chuyên môn thường nhật của giáo viên, họ đã có lương.

Nhà trường chỉ chi hỗ trợ kinh phí đối với những giáo viên nào làm thêm nhiệm vụ, như vừa qua, trường chỉ chi cho 3 giáo viên làm thêm công tác văn phòng, chứ kinh phí, ngân sách mỗi lúc, mỗi thời lại khác nhau.

Đối với thông tin sổ liên lạc điện tử 100.000 đồng/học sinh/năm học, cô Võ Thị Huyền nhấn mạnh, thông tin nào lớn, cần thiết cho học sinh thì mới nhắn qua sổ liên lạc điện tử, còn lại thì vẫn phải để dành quyền liên lạc trực tiếp khi cần giữa giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh.

Việc giáo viên thắc mắc các khoản chi dạy buổi 2 cho giáo viên, người đứng đầu Trường Giồng Ông Tố giải thích: Việc trường tổ chức dạy buổi 2, hoàn toàn khác với việc tổ chức dạy thêm học thêm trong nhà trường.

Kinh phí duy trì hoạt động dạy học buổi 2 không thể lấy từ ngân sách, từ học phí buổi 1, mà chỉ có thể lấy từ học phí buổi 2 (thu theo thỏa thuận giữa người học và nhà trường).

Ngoài việc chi trả cho các thầy cô đứng lớp giảng dạy, trường còn lấy nguồn này để duy trình cho các hoạt động khác, nên việc chi trả cho thầy cô bao nhiêu tiền đều đã được đưa ra hội nghị cán bộ công chức, thầy cô đều đã được có ý kiến, thảo luận hết.

Trước đây, nhà trường chi 120.000 đồng/tiết cho thầy cô đứng lớp dạy buổi 2, nhưng nay đã tăng lên 130.000 đồng/tiết, là trường đã “cân đo đong đếm” rất kỹ. Mỗi trường tùy theo tình hình, đặc điểm thì sẽ có cách chi trả khác nhau.

Nếu giáo viên đòi hỏi quá, thì nhà trường cũng cần phải áp dụng các thông tư hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho phép các trường mời giáo viên thỉnh giảng bên ngoài về trường dạy.

Còn việc Hiệu trưởng thông báo kết dư quỹ nhà trường không thống nhất, lúc bị âm, lúc thì dương, cô Võ Thị Huyền lý giải: Mình không nói quỹ bị âm, mà là tùy theo cách tính trên thực tế của từng thầy cô.

Theo cô Huyền, lúc nào nhà trường cũng “cân đo đong đếm” sao cho quỹ không bị âm, còn bản thân cô cũng chỉ mới lên làm Hiệu trưởng có 2 năm, nên nếu giáo viên thắc mắc chỉ có thể trả lời trong năm đó.

Trước đó là người khác làm Hiệu trưởng, và giờ cũng vẫn làm ở các ngôi trường khác cùng thành phố, nên nếu có thắc mắc gì, thầy cô vẫn có thể tìm đến đó để hỏi. 

Phương Linh