"Giữ Gạc Ma bằng con tim và máu"

15/03/2013 06:47
Linh Trần/Lao Động
Hôm nay, khi tôi đặt bút viết bài này - 15 giờ kém 20. Giờ phút này 25 năm về trước - ngày 14.3 - những người lính của Lữ đoàn 125, 146 và Trung đoàn công binh 83 vẫn đang vật lộn trong sóng biển khu vực đảo Gạc Ma để tìm, cứu đồng đội mình sau khi bị hải quân Trung Quốc xả súng bắn.
Phút sinh tử giữ cờ tổ quốc

Những cựu chiến binh tham gia trận chiến tại đảo Gạc Ma ngày 14.3, gặp nhau tại Đà Nẵng sáng nay, đều bất ngờ khi cựu chiến binh Lê Hữu Thảo - quê Hà Tĩnh- xuất hiện với sự giúp đỡ từ các phóng viên khu vực Bắc Trung Bộ.
Lê Hữu Thảo (trái) - nhân chứng trong cuộc chiến giữ cờ trên đảo Gạc Ma năm 1988.
Lê Hữu Thảo (trái) - nhân chứng trong cuộc chiến giữ cờ trên đảo Gạc Ma năm 1988.

Người cựu binh này không có tên trong danh sách… ngày gặp mặt. Bỗng, tên anh xuất hiện trên một số tờ báo trước ngày gặp mặt thiêng liêng này. Không ít cựu binh chợt nhớ đến người tiểu đội trưởng “thấp bé, nhẹ cân” là một trong 5 chiến sĩ rời tàu, đặt chân sớm nhất lên đảo Gạc Ma vào rạng sáng 14.3 - đây là những chiến sĩ trong tổ bảo vệ cờ của Lữ đoàn 146 do Đại đội phó - thiếu úy Trần Văn Phương phụ trách.

Cán bộ, chiến sĩ trên tàu 604 gồm ba lực lượng: Lữ đoàn 146 - làm nhiệm vụ bảo vệ, chiến đấu; Trung đoàn công binh 83 và đoàn thủy thủy tàu thuộc Lữ đoàn vận tải 125.

Khi tàu tiếp cận đảo Gạc Ma vào lúc 16 giờ 20 ngày 13.3.1988, Lữ đoàn phó lữ 146 - trung tá Trần Đức Thông triển khai ngay đội hình bảo vệ cờ tổ quốc trên đảo Gạc Ma gồm 4 tổ. Đêm 13, cột cờ trên đảo đã được các chiến sĩ công binh dựng, tuy nhiên do thủy triều dâng cao nên không thể cắm cờ trên đảo.

Đêm đó, không cán bộ, chiến sĩ nào trên tàu chợp mắt. Rạng sáng 14.3.1988, mặt trời vừa lấp ló, tổ bảo vệ cờ rời tàu xuống xuồng đi vào đảo gồm Đại đội trưởng Trần Văn Phong, Đại đội phó Trần Văn Phương, chiến sĩ Đậu Xuân Tư, Lê Hữu Thảo và Hoàng Văn Chúc cùng công binh đưa vật liệu xuống xuồng đi vào đảo. Bốn anh em lội về phía cột cờ. Đại đội trưởng Phong quay về tàu chỉ huy lực lượng công binh bốc dỡ vật liệu đưa lên đảo.

Do chiều cao “có hạn”, nước vẫn còn ngập sâu, sợ Thảo khoác súng AK bị “dính” nước, Xuân Tư đã lấy súng từ vai Thảo. Bốn anh em đang kiểm tra cột cờ, chèn thêm đá san hô cho chắc và chiếc xuồng thứ hai vào đảo thì lính Trung Quốc đã rời xuồng ập đến, tiến về phía cột cờ bao vây chiến sĩ ta. Lúc này, chiến sĩ công binh Nguyễn Văn Lanh nhanh chóng sát cánh cùng tổ bảo vệ cờ. Năm anh em đứng vòng quanh cột cờ.

Khoảng 50 lính Trung Quốc dàn hàng ngang, tay lăm lăm súng, tiến về phía năm chiến sĩ của ta. Các chiến sĩ công binh đang ở rìa đảo đã nhanh chóng tiến về phía cột cờ. Khi lá cờ tổ quốc bay phấp phới ngay trên đầu thiếu úy Phương thì chúng nổ súng bắn thẳng vào anh. Ngay sau đó, chúng lao vào giằng lá cờ vẫn còn trong bàn tay đang nắm chặt của thiếu úy Phương. Đậu Xuân Tư, Trần Văn Phong trúng đạn. Nguyễn Văn Lanh lao vào giữ cờ đã  bị kẻ thù đâm lê và cũng dính đạn. Dù bị trọng thương, nhưng anh vẫn giữ được lá cờ, quyết không cho kẻ địch cướp đi. Thấy lực lượng ta dường như tay không mà vẫn chống trả quyết liệt, không cho chúng cướp cờ, địch rút quân và từ trên tàu, chúng xả súng  bắn tới tấp vào đảo.
 
Sinh tử trên biển

Rất ít chiến sĩ của ta có mặt trên đào trong giờ phút sinh tử giữ cờ thoát khỏi làn đạn kẻ thù.

Mặt trời đứng bóng, thủy triều lên, nước dâng lên ngang ngực, xuồng thì bị bắn thủng lỗ chỗ, tàu 604 đã bị bắn chìm. Những chiến sĩ ở trên đảo còn sống, chia nhau tìm đồng đội.

Lê Hữu Thảo kể lại: Chúng tôi chỉ giữ được thi thể anh Phương, còn thi thể anh Phong, Đậu Xuân Tư... không thấy đâu cả. Khẩu súng AK cũng đã vớt được. Anh em cùng đi trên tàu 604 gồm ba lực lượng, mới chỉ gặp nhau trên tàu có vài ngày nên không thể nhớ được mặt, biết được tên.

Chúng tôi đưa anh Lanh và anh Phương lên xuồng, lúc này anh Lanh bị thương rất nặng. Tôi bơi ra xa, cứu được anh Hải (nay đang công tác ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa) cũng bị thương đưa về xuồng. Thấy xa xa người dập dềnh trên sóng, tôi bơi đến, nhìn rõ đồng đội ngồi trên thùng dầu, bị thương ở mặt, nhưng tôi không cứu được vì sóng lớn quá, cứ đẩy anh ra xa, tôi không bơi kịp. Quay lại, tôi lại cứu được anh Trường và Sơn, cuối cùng là vớt được anh Hưng - máy trưởng tàu 604. Khi tàu chìm, do người nhỏ, anh Hưng đã chui qua lỗ đạn bắn thủng, ra ngoài.

Chúng tôi được cán bộ, chiến sĩ tàu 505 đưa xuồng ra tiếp ứng và đưa về đảo Cô Lin - lúc này tàu 505 đã bị bắn cháy. Vào khoảng 21 giờ đêm hôm đó, chuyến tàu thứ hai đưa chúng tôi và thi hài anh Phương về đảo Sinh Tồn. Đêm hôm đó, tôi và Chúc túc trực bên thi hài anh Phương cho đến lúc đồng đội ở đảo Sinh Tồn đưa anh đi an táng.

Sáng ngày 15, Chúc tháo chiếc nhẫn cưới từ tay anh Phương. Chúng tôi giữ kỷ vật cuối cùng của anh, hy vọng trao lại cho vợ anh - người vợ trẻ đang mang thai đứa con đầu lòng. Khi về đến căn cứ Cam Ranh, chúng tôi trao chiếc nhẫn đó cho đại úy Đinh Xuân Trường - cán bộ quân lực của Lữ đoàn 146. Và kỷ vật thiêng liêng này đã đến tay người vợ trẻ.

Quá chênh lệch về lực lượng, nhưng máu và con tim quả cảm của những người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn sẽ mãi ghi dấu trên đảo Gạc Ma.
Linh Trần/Lao Động