GS.TS Đặng Đình Đào: "Có thu bao nhiêu loại phí vẫn không giảm ùn tắc"

10/04/2012 16:17
Hải Phong (Tổng hợp)
(GDVN) - GS.TS Đặng Đình Đào: Đường trên không là giải pháp tối ưu để giảm ùn tắc. Hãy đưa ra lý do thu Phí thuyết phục! Bảo hiểm cũng “ngại” áp phí xe cơ giới. Quán trà đá cũng “nóng” chuyện thu phí... là những tin bài nóng xung quanh đề xuất thu phí giao thông.
GS.TS Đặng Đình Đào: Đường trên không là giải pháp tối ưu để giảm ùn tắc
Báo điện tử Tầm nhìn đăng tải nhận xét về việc đưa ra ba loại phí (phí bảo trì đường bộ, phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ, phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm) của GS.TS Đặng Đình Đào, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế quốc dân). Ông cho rằng: Thu các loại phí ấy trong bối cảnh hiện nay là chưa phù hợp và chưa sát thực. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Quan điểm của GS.TS Đặng Đình Đào, trong bối cảnh cuộc sống người dân còn thấp, đồng lương chưa đủ trang trải cuộc sống mà phải “oằn lưng” cõng thêm nhiều loại phí là điều đáng suy nghĩ. “Một số đề xuất của Bộ GTVT có thể nghiên cứu nhiều năm nay nhưng đưa ra hơi vội vàng khi nền kinh tế đang kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội”.
Về mong muốn hạn chế ùn tắc thông qua việc thu phí, GS.TS Đặng Đình Đào cho rằng: “Với cơ sở hạ tầng như hiện nay, có thu bao nhiêu loại phí cũng không giảm được ùn tắc”.
Ông phân tích: Các thành phố lớn của nước ngoài với hệ thống giao thông bao gồm đường hầm, đường ô tô, đường tàu điện, đường trên không 2-3 tầng mà còn tắc ở những thời điểm nhất định. Ở Việt Nam, đường sá vẫn chủ yếu từ những năm 60-70, trong khi dân cư thành phố tăng lên 6-7 triệu dân thì sao không tắc được. 
Vị Viện trưởng hiến kế: Mấu chốt giải quyết vấn đề giao thông ở các đô thị là phải giải quyết cơ sở hạ tầng. Mà cơ sở hạ tầng thì không có cách nào khác ngoài việc đầu tư đường trên không. Điều này có thể học tập kinh nghiệm của Trung Quốc. Với chi phí dành cho giải tỏa đền bù lớn như hiện nay, đường trên không là giải pháp tối ưu để sớm hạn chế nạn ùn tắc giao thông. 

Thu phí giao thông: Lợi bất cập hại?

Thông tin trên Nhà báo và Công luận, ô tô đang “hứng chịu” nhiều loại thuế, phí… nên việc đề xuất áp dụng thêm một số loại phí của Bộ Giao thông vận tải đang nhận được sự phản ứng của dư luận.
Từ trước đến nay sản xuất ô tô vẫn đang được xác định là ngành công nghiệp quan trọng. Trong khi các chính sách hỗ trợ phát triển cho ngành này ngày một thu hẹp, kinh tế khó khăn, thị trường sụt giảm nghiêm trọng…, việc áp thêm các loại phí sẽ càng làm cho tương lai của ngành công nghiệp ô tô ngày một mờ mịt. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tính toán của Bộ Công Thương cho thấy, nếu không phát triển được công nghiệp ô tô dưới 10 chỗ thì vào năm 2025, mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra 12 tỷ USD để nhập khẩu ô tô. Như vậy, rất có thể chúng ta sẽ phải gánh chịu một mức thâm hụt cán cân thương mại khổng lồ. Và thị trường ô tô rộng lớn của Việt Nam sẽ rơi vào tay các nhà cung cấp nước ngoài.
Việc áp dụng thêm các loại phí mới trong bối cảnh hiện nay sẽ làm sụt giảm nghiêm trọng sản lượng xe sản xuất trong nước, giảm bớt xe nhập khẩu, liệu nguồn thu thêm từ các khoản phí này có đủ để sửa chữa đường sá, đầu tư hạ tầng giao thông? Quan trọng hơn nguồn thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước từ mặt hàng này bị sụt giảm sẽ trông đợi bù đắp từ khoản nào? 
Sản xuất đình trệ sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, việc làm và đời sống của khoảng 60.000 lao động làm việc trực tiếp và hàng trăm ngàn lao động gián tiếp trong ngành công nghiệp này. 
Nguồn thu cho ngân sách bị thiệt hại, nền kinh tế bị ảnh hưởng, đổi lại là khoản tiền phí thu được không lớn và chưa chắc mục tiêu hạn chế xe tham gia giao thông, giảm bớt ách tắc giao thông đã đạt được như mong muốn. 
Rõ ràng bài toán này rất cần được cân nhắc kỹ. 

Hãy đưa ra lý do thu Phí thuyết phục!

Nguồn tin trên Dân trí, với những lý giải được Bộ trưởng Thăng và giới chức ngành GTVT đưa ra, thì hình như mọi khoản thuế và phí áp với phương tiện giao thông cá nhân đều rất vừa phải, rất hợp lý, vừa sức dân… Nhưng nói thì dễ, chứ toàn những trăm ngàn, triệu tới hàng chục triệu đồng thì chỉ cần đem so sánh với mức lương chính thức vẫn đang được áp dụng với những người làm công ăn lương. Hoặc so với mức thu nhập chính đáng của đại đa số người dân, ai cũng có thể thấy rõ đó là những khoản tiền không hề nhỏ chút nào. 
Vậy ngoài số ít người có thu nhập cao và được cho là giàu có ra, số đông lớn hơn rất nhiều người dân biết lấy tiền đâu ra để đóng khoản phí “nhẹ hều” như suy nghĩ của các vị ấy được. Xe thì chắc chắn không ai lại bỏ cả đống tiền ra mua rồi xếp xó, đi phương tiện công cộng thì “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” cũng chẳng mấy ai dũng cảm dám đi đâu, nếu không vì không còn lựa chọn nào khác. Mà muốn dân đi thì các vị đề xuất ý kiến phải gương mẫu thực hiện trước chứ! Mình không muốn làm, sao cứ ép người khác?
 
Nhân dân có nhiều ý kiến trái chiều về việc Bộ GTVT đề xuất thu phí giao thông. Ảnh minh họa: VnEconomy
Nhân dân có nhiều ý kiến trái chiều về việc Bộ GTVT đề xuất thu phí giao thông. Ảnh minh họa: VnEconomy

Thế nên, từ câu hỏi về nguồn tiền đóng phí lại dẫn dắt tới bao câu hỏi khác mà có vẻ như những người đề ra chuyện thu phí cũng không thể có được câu trả lời thích đáng cho dân đâu. Lại toàn nói chung chung thôi. 

Độc giả Ly Minh thắc mắc “Tại sao gần như 100% dân chúng phản ứng rất quyết liệt trước việc thu phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí bảo trì đường bộ của Bộ GTVT, mà các ông cứ phải cố làm cho bằng được? Chúng tôi băn khoăn rằng: phải chăng các ông đang có vấn đề rất nghiêm trọng mà chỉ có cách thu phí mới có thể giải thoát. Nếu đúng như thế thì các ông cứ thẳng thừng mà thu, vì chúng tôi đâu có thể làm gì khác được. Vì chúng tôi là những dân thường thấp cổ bé họng… Vậy thì các ông cứ thu, còn chúng tôi dù có phải nhịn ăn cũng vẫn phải đóng phí thôi vì thực tế là không thể không sử dụng phương tiện cá nhân được. Nhưng đất nước Việt Nam sẽ phát triển đi lên hay thụt lùi đây...”. 
Bảo hiểm cũng “ngại” áp phí xe cơ giới

Thông tin trên Đầu tư Chứng khoán, đề xuất thu phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm của Bộ Giao thông Vận tải đang khiến nhiều DN bảo hiểm lo ngại, nhất là với các DN coi bảo hiểm xe cơ giới là sản phẩm chủ lực.

Theo các DN bảo hiểm, kể từ đầu năm đến nay, do thuế trước bạ tăng, chỗ đỗ xe bị hạn chế…, nay có thêm chủ trương thu phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm với mức khá cao đã làm giảm lượng xe đăng ký mới, khiến doanh thu bảo hiểm xe cơ giới giảm theo. Không tiết lộ con số cụ thể, nhưng trưởng phòng xe cơ giới một DN bảo hiểm ví von, bảo hiểm xe mới tỷ lệ thuận với sự ra đi của các bãi đỗ xe tại Hà Nội.

Bảo hiểm xe mới tỷ lệ thuận với sự ra đi của các bãi đỗ xe tại Hà Nội
Bảo hiểm xe mới tỷ lệ thuận với sự ra đi của các bãi đỗ xe tại Hà Nội

Ở một khía cạnh khác, một cán bộ đăng kiểm xe cho rằng, nếu hợp đồng bảo hiểm cho xe mới ít, trong khi chỉ tập trung bảo hiểm cho xe cũ (giá trị xe giảm, khấu hao tăng) có thể khiến tỷ lệ bồi thường cao, cũng ảnh hưởng đến doanh thu bảo hiểm.

Ông Bùi Bằng Hiến, Trưởng phòng Xe cơ giới CTCP Bảo hiểm Xăng dầu Petrolimex (PJICO) cho biết, bảo hiểm đối với khách hàng mới sẽ bị ảnh hưởng, do số lượng khách hàng mua xe mới thấp, ảnh hưởng đến bảo hiểm tự nguyện vật chất xe. Còn đối với bảo hiểm bắt buộc thì không bị ảnh hưởng, vì giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới là loại giấy các chủ xe phải mang theo quy định của pháp luật giao thông đường bộ.
Quán trà đá cũng “nóng” chuyện thu phí

Ngồi trà đá vỉa hè Hà Nội, bất kể thông tin gì cũng đều trở thành chủ đề bàn luận rôm rả. Chuyện thu phí giao thông xôn xao trong những ngày qua cũng không phải là một ngoại lệ. Infonet kể lại câu chuyện bên quán trà ấy.

Đầu giờ chiều, quán trà đá của bà chủ Huyền phố Hoàng Văn Thụ đã khá đông khách. Một bác xe ôm, vài bác trí thức đã về hưu, mấy anh công nhân tranh thủ nghỉ trưa, một vị trung tuổi thành đạt ngồi uống nước chờ rửa xe.

Ngày cuối tuần nhưng xe máy, ô tô vẫn phóng vù vù. Đường lởm chởm những ổ gà, ổ voi, bụi bay tứ tung, người ta vẫn gọi vui là “con đường cát bụi”. Để không hít phải khí bụi, bà chủ quán lúc nào cũng đeo khẩu trang kín mặt.

“Chẳng đường sá giao thông đã có chuyển biến gì nhưng gần đây chỉ liên tục thu thuế này, phí nọ. Nhà tôi đang có hai xe máy, tới đây lại mất thêm vài trăm nghìn mỗi năm tiền phí. Tôi về hưu rồi, có khi cả tuần chỉ đi xe một lần nhưng cũng phải nộp phí như những người đi nhiều", ông Thọ thờ dài nói.

Tỏ ra không hài lòng, anh công nhân không ngần ngại đáp lời: “Bác về hưu còn có lương hưu, dù sao vài trăm cũng chẳng đáng ngại. Còn chúng em phận làm công nhân, bán mồ hôi lấy tiền. Cuộc sống khó khăn vất vả lắm, nhưng cũng có được miễn giảm đồng phí nào đâu”.

Loại phí họ đang bàn là phí bảo trì đường bộ sẽ được áp dụng từ 1/6 tới đây. Tuy chỉ một vài trăm mỗi năm nhưng cũng là cả một vấn đề đối với người nông dân, người lao động chân chính. Quanh năm họ chỉ biết lo kiếm tiền để trang trải cuộc sống hàng ngày, rồi lo chuyện học hành của con cái, thêm vào đó viện phí, điện nước xăng dầu lại cứ tăng vùn vụt. Giờ lại thêm khoản phí này, phí kia, không khó khăn mới lạ.
Hải Phong (Tổng hợp)