GS.TS Đặng Hùng Võ: "Tôi tin nhiều nơi đang sai như Tiên Lãng"

13/02/2012 11:47
Sau khi Thủ tướng thông báo một số kết luận về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng đối với ông Đoàn Văn Vươn, nguyên thứ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường Đặng Hùng Võ đã trao đổi về bài học rút ra và việc cần sửa đổi luật, nhất là luật Đất đai theo hướng tạo động lực mới cho nông nghiệp Việt Nam

Đó cũng là cách căn bản để hạn chế những vụ việc như ở Tiên Lãng.

GS.TS Đặng Hùng Võ: "Tôi tin nhiều nơi đang sai như Tiên Lãng" ảnh 1
Theo ông Đặng Hùng Võ: "Những bức xúc trong quy định của pháp luật có nhiều, nhưng những bức xúc trong thực thi pháp luật còn nhiều hơn. Những bức xúc này thể hiện đầy đủ trong vụ việc Tiên Lãng". Ảnh: Thái Bình

Ông nói: “Trong mấy hôm nay, tôi nhận được rất nhiều điện thoại, tin nhắn, thư điện tử của nhiều người dân hỏi là bây giờ không hiểu Nhà nước sẽ quyết thời hạn sử dụng đất như thế nào, họ lo lắng lắm, chỉ sợ hết thời hạn mà thu hồi đất để chia lại “thì chết mất”, có người nói thực tế họ nhận chuyển nhượng cả chứ có được Nhà nước giao đâu, v.v … Người làm chính sách phải đặt mình là người nông dân đang làm nông nghiệp mới hiểu được sự tác động của chính sách đất đai hiện nay.

Nhiều ý kiến nói về oan trái khi bị Nhà nước thu hồi đất. Một sai trái trong quyết định thu hồi đất có thể làm tan nát nhiều gia đình. Một số ý kiến khác nói về tình trạng khiếu kiện của người dân về đất đai không được giải quyết ở địa phương nhưng không thể lên được trung ương. Những bức xúc trong quy định của pháp luật có nhiều, nhưng những bức xúc trong thực thi pháp luật còn nhiều hơn. Những bức xúc này thể hiện đầy đủ trong vụ việc Tiên Lãng”.

Như vậy, từ kết luận của Thủ tướng, chúng ta có thể rút ra điều gì, thưa ông?

Trước hết, pháp luật đất đai trước đây cứ đổi mới từng bước, sửa lặt vặt, vài năm lại sửa. Cách làm này thể hiện một tầm nhìn ngắn hạn. Vậy thì sửa luật Đất đai sắp tới cần phải tính kỹ mọi chính sách để luật sống được dài hơn. Muốn vậy, phải tổng kết tốt thực tiễn, thống nhất sâu về lý luận để vét cạn mọi vấn đề. Khi chuẩn bị luật Đất đai 2003, mọi vấn đề đều được xem xét kỹ lưỡng. Cả chuyện thời hạn và hạn điền trong sử dụng đất nông nghiệp cũng được thảo luận rất kỹ, nhưng rồi không thống nhất được nên đành phải gác lại, lại chờ mười năm tiếp theo sẽ giải quyết sao cho trước ngày 15.10.2013. Cái việc chờ đó chắc chắn là một nguyên nhân của vụ việc Tiên Lãng, có sự không thoả đáng về thời hạn khi người trực tiếp sản xuất đầu tư quá lớn về hạ tầng cho nuôi trồng thuỷ sản.

Thứ hai, đó là mối quan hệ giữa chính quyền của dân và nhân dân chưa tạo ra tính đồng thuận cao. Chính quyền do nhân dân bầu ra nhưng lại không lấy việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân làm trọng. Tư duy về ghế lãnh đạo của mình do cấp trên quyết định chứ không phải do dân quyết định vẫn còn khá nhiều. Từ đấy sinh ra sự lơ là trong nhận thức pháp luật, thực thi pháp luật sai, lạm quyền trong ban hành các quyết định.

Từ vụ việc Tiên Lãng, ông có những gợi ý gì về việc sửa luật Đất đai 2003?

Từ vụ việc Tiên Lãng, có ba điểm về luật Đất đai cần đề cập tới. Thứ nhất là về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp. Thứ hai là về cơ chế Nhà nước thu hồi đất, tức là cơ chế thể hiện quyền lực của Nhà nước trong chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Thứ ba là việc giải quyết khiếu nại hành chính của dân về đất đai, trong đó có việc không cho khiếu nại lên Trung ương và chất lượng giải quyết của toà án hành chính.

Về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, chế định thời hạn này được đặt ra từ luật Đất đai 1993. Đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thuỷ sản được giao 20 năm, còn đất trồng cây lâu năm và đất rừng sản xuất được giao 50 năm, hết thời hạn mà sử dụng đất có hiệu quả thì được tiếp tục sử dụng. Quy định “sõng” như thế thì cũng rất khó thực hiện, vì ai là người xác nhận sử dụng đất có hiệu quả đây. Chắc chắn lại phải lên “ông thôn hay ông xã” mà lấy xác nhận, vậy là rơi vào nguy cơ tham nhũng. Không đơn giản khi nói “bác xác nhận cho em là em sử dụng đất có hiệu quả” mà có được chữ ký. Khi xây dựng luật Đất đai 2003, một câu hỏi được đặt ra là “hết thời hạn thì ta làm gì?” Ý kiến quá phức tạp nên cấp trên quyết định để lại giải quyết sau, sẽ quyết trước 15.10.2013. Theo quan điểm của tôi, chúng ta cần xoá bỏ cả thời hạn và hạn điền đối với đất nông nghiệp. Có như vậy mới tạo được động lực mới nhằm tăng năng suất và sản lượng nông nghiệp. Người nông dân yên tâm về đất đai mới quyết tâm vay tiền để đầu tư lớn, đầu tư lâu dài cho hạ tầng sản xuất, công nghệ mới, thông tin thị trường, v.v.

Về cơ chế Nhà nước thu hồi đất, Hiến pháp hiện hành không quy định cơ chế này. Đây là một cơ chế riêng của luật Đất đai, có nguồn gốc từ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Trong Hiến pháp 1992, điều 23 chỉ quy định cơ chế trưng mua và trưng dụng tài sản của dân khi thật cần thiết vì mục đích quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, theo đó phải bồi thường theo thời giá thị trường. Quyền sử dụng đất là tài sản của dân nên cần chuyển cơ chế “Nhà nước thu hồi đất” thành cơ chế “Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng quyền sử dụng đất” cho phù hợp với Hiến pháp.

Luật Đất đai 2003 đã cố gắng thu hẹp phạm vi Nhà nước thu hồi đất lại rất nhiều nhưng hiện vẫn còn là nguyên nhân tạo nên nhiều bức xúc của dân. Bức xúc một phần do phạm vi bị “Nhà nước thu hồi đất” còn quá rộng, nhưng phần lớn là do lạm quyền áp dụng cơ chế này. Nhiều dự án không thuộc phạm vi được áp dụng cơ chế này nhưng địa phương lại cứ thuyết minh “lái đi” để áp dụng.

Việc giải quyết khiếu nại hành chính của dân về đất đai cũng đang gây bức xúc lớn cho dân. Việc giải quyết khiếu nại về đất đai (chiếm trên 70% tổng khiếu nại của dân) không theo pháp luật về khiếu nại nói chung mà phải theo pháp luật đất đai trên nguyên tắc không cho khiếu nại lên Trung ương, còn giải quyết các khiếu nại không về đất đai (chiếm dưới 30%) mới theo pháp luật về khiếu nại. Nhìn vào con số này thấy có gì đó không ổn. Cần thống nhất cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính theo một hệ thống pháp luật khiếu nại chung.

Vấn đề lớn hơn là chất lượng giải quyết khiếu nại hành chính của toà án hành chính còn nhiều bất cập. Điều này thể hiện rất rõ trong vụ việc ở Tiên Lãng.

Trường hợp của ông Vươn có được kết quả hiện nay là nhờ phản ứng mạnh của công luận, vậy còn những người dân ở các tỉnh khác thì sao thưa ông?

Thủ tướng đã có ý kiến trong kết luận rồi. Theo tôi, các địa phương cấp tỉnh phải chỉ đạo cấp huyện rà soát, nhất là rà soát các khiếu nại của dân, kể cả trường hợp đã giải quyết nhưng sai, để từ đó làm rõ xem là có bao nhiêu quyết định sai. Ngay bây giờ ở Tiên Lãng có một số người đang nói là họ rơi vào trường hợp giống hệt ông Vươn nhưng đất đã bị huyện thu lại mất rồi. Đã sai thì phải sửa để bảo đảm quyền lợi của dân.

Ông có cho rằng sắp tới việc khiếu kiện sẽ tăng và gay gắt?

Khiếu nại tăng lên hay không không phụ thuộc vào người dân mà phụ thuộc vào sự giải quyết của cấp có thẩm quyền. Nếu ban hành các quyết định đúng, làm công tác dân vận tốt, giải quyết khiếu nại của dân thoả đáng thì khiếu nại của dân sẽ giảm ngay. Còn nói về khả năng khiếu nại của dân sẽ tăng sau kết luận của Thủ tướng về vụ Tiên Lãng thì có thể, nhưng đó mới là điều đúng. Kết luận đó là một động lực thực sự để các cấp chính quyền địa phương nhìn lại cách thức lãnh đạo điều hành của mình, nhìn nhận lại những gì đã làm trái pháp luật mà gây thiệt hại cho dân. Cái sai phải được sửa lại theo đúng quy định của pháp luật.

Theo ông, cần phải làm những gì để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật ở địa phương, hạn chế lãnh đạo địa phương lạm dụng quyền lực?

Thủ tướng đã nói về cơ chế giám sát việc ban hành các văn bản hành chính ở địa phương và giao nhiệm vụ này cho bộ Tư pháp. Đây là một vấn đề lớn trong quản lý hiện đại. Bên cạnh việc phân cấp quyền lực cho địa phương, cần phải xây dựng một hệ thống giám sát, đánh giá về việc thực thi quyền lực của địa phương. Hệ thống giám sát, đánh giá càng trung thực thì quyền lực được phân cấp càng được thực hiện đúng pháp luật.

Ta đang dựa nhiều vào báo cáo từ dưới lên trên, xã lên huyện, huyện lên tỉnh, tỉnh lên Trung ương, từ các báo cáo này mà cấp trên đánh giá cấp dưới. Hệ thống báo cáo này có một kẽ hở lớn là không phát hiện được ngay nhưng thông tin sai trong các báo cáo.

Hơn nữa, những mối quan hệ ở các địa phương của ta có rất nhiều phức tạp theo kiểu văn hoá làng xã. Ví dụ như ông chủ tịch xã là em ruột ông chủ tịch huyện, ông chủ tịch huyện lại là con nuôi ông lãnh đạo tỉnh, v.v. Tình trạng này không sai luật nhưng dễ làm “lệch” thông tin báo cáo, cũng dễ làm “méo” đi quan hệ hành chính cần rất trong sáng và minh bạch.

VIỆT ANH/Sài Gòn Tiếp thị